Chợ Lách sung túc là nhờ có con kinh chạy qua, tuy nhiên nó cũng là nổi khó khăn của bà con bên Khóm 4, đi chợ. Trước đây, khóm 4 là ấp Sơn Long (Sơn Định) , phía bên Bù Cạp tức Sơn Phụng cũng không có cầu đi chợ. Cầu đò đặt tại con đường từ Đình Sơn Định ra mé kinh, trước nhà cô Sáu Đông.
Đò Chợ Lách di chuyển theo hình tam giác, từ Sơn Long qua chợ, chợ qua Sơn Phụng, rồi trở lại Sơn Long. Khi có cầu đình thì đò chỉ còn nhiệm vụ đưa bà con từ Sơn Long (khóm 4 bây giờ), Sơn Lân, Thới Lộc và các xã vùng trên như Vĩnh Bình, Phú Phụng, Bình Hòa Phước đi chợ.
Ông Tám Văn mà nhà thơ Dũng Tiến đề cập là người có tên tuổi gắn liền với bến đò Chợ lách nhiều nhất. Nói tới bến đò Chợ lách là nói đến ông Tám Văn, ông chỉ còn một mắt nên không có nhầm lẫn với ai được. Đò buổi sáng đông nên phải có 2 chiếc qua lại mới đáp ứng được . Tan chợ, tầm 9 giờ là nghỉ bớt 1 chuyến còn 1 chuyến đưa ngang.
Người đưa đò có nhiều để thay phiên , tôi nhớ có chú Hai Quận, còn người mà Phương Chi đề cập là Chú Bảy Từ, nhà kế sát huyện đoàn. Có lẽ những người đưa đò hiện nay không còn mấy ai. Mấy năm rồi về Chợ Lách gặp lại em Bé Tư, con thiếm Ba Nhờ, hỏi anh Minh nhớ em không? Nhớ thì nhớ rồi , nhưng quên em nó chèo đò thời gian sau các lão tiền bối ấy. Tôi có xin chụp chung với em tấm hình vì đây cũng là nhơn vật nổi tiếng của Chợ Lách. Theo tôi , người nổi tiếng không phải là quan quyền, danh ca, phú hộ mà người mà ai ở địa phương lâu năm đều biết mặt. Bé Tư thuộc người mà tôi cần ghi nhớ. Tiếc là hình đó tôi lưu ở đâu giờ tìm không thấy !
Trở lại chuyện ông Tám Văn, hồi đó ông để lại nhiều kỷ niệm với học sinh. Mỗi khi tan trường về là học sinh đứng chật cầu đò không chừa lối lên. Khi xuống đò thì giành nhau xuống bất kể đò khẩm hay không. Thế nên , khi thấy đò vừa đầy ông Tám đò đẩy ra, em nào ngoan cố nhảy theo là bị ông Tám Văn hất rơi xuống sông . Bến đò thì bãi cạn , té xuống lội lên chỉ có ướt áo quần , sách vở. Phụ huynh và người đi đò ai cũng biết phải quấy nên không có tình trạng thưa gửi. cám ơn Dũng Tiến và Phương Chi gợi ý.
LƯƠNG MINH
Ảnh Ngọc Vinh
Anh Minh kể tình tiết và nhân vật đúng y luôn nói về ông 8 Văn thì độc quyền , khách qua đò vừa đủ tầm quan sát của ông , nếu mình muốn thêm người ông củng ko cho , nếu mình cố kéo mủi đò củng ko được ông 8 lùi ra là mình sẻ té …ông là như vậy riết rùi ai củng quen . Rùi đến chú Thiếm 7 Từ thì thoáng hơn và đến lúc bạn Bé Tư thì em đả rời xa Chợ Lách rồi nên diển tiến sau nầy em ko biết..xem bài viết em nhớ về tuổi thơ ở Chợ Lách vô cùng …nhưng Chợ Lách vẩn mải là quê hương của em (Võ Mỹ Vân)
Ông Tám Văn + “thằng quỷ chùa” là một combo rất khó quên.
Cảm ơn anh Minh, bài viết tuy ngắn nhưng khơi lại nhiều kỹ niệm.