Trung Học Chợ Lách

Tình người Long Thới

Ngày đăng: 05/08/2014, 9:35 sáng, ý kiến phản hồi (5)

Vài năm trước, tôi đăng chuyện “Cậu học trò Bình Hòa Phước” Phạm Hoàng Vũ, một nam sinh chưa học với tôi đã làm tôi khóc khi đi đánh cá năm 1979. Hôm nay, xin đăng chuyện một cô bé học sinh cũng như Vũ chưa học tới lớp tôi dạy. Cô cũng đã làm tôi khóc.(VH)

Sau bảy lăm tôi bị cho ra khỏi hệ thống học đường. Trong khi ấy, tôi không có đất đai vườn để kiếm kế sinh nhai, nuôi vợ con. Bên vợ cho vợ tôi 3 công đất làm của hồi môn, nhưng với số ruộng ấy làm sao sống trọn đời. Tôi trả ba công này cho mẹ vợ để bà cùng mấy ông anh vợ sống với nhau.

Một cách giải quyết là về Vũng Tàu, khai khẩn đất hoang trên núi Nhỏ và xuống biển đánh cá. Trong giai đoạn đầu, tôi phải bỏ vợ con lại quê vợ ở Tân Thiềng, Chợ Lách, Bến Tre, để về đấy một mình. Mà về đấy một mình đi làm rẫy đánh cá thì quần áo luôn luôn nhàu nát, có cái rách như bươm bướm bị trẻ nhỏ săn đuổi. Lúc đi làm việc, thì tôi đi chân không.

Sau năm, sáu tháng ở đấy, tôi quyết định về Tân Thiềng thăm vợ con. Tôi rất băn khoăn về nàng và đứa con đầu lòng của tôi rất nhiều, vì kể từ ngày tôi về Vũng Tàu tôi không nhận được tin gì của nàng cả. Việc đầu tiên của tôi là xuống đồn công an Thắng Tam, xin giấy phép về thăm gia đình. Họ cho tôi một tuần phép.

Tôi nghỉ lại Sàigòn một đêm, rồi xuống Mỹ Tho để đi đò Hồng Vân về Chợ Lách. Đây là chuyến đò duy nhất về Lách, khởi hành đúng 1 giờ chiều tại vườn hoa Lạc Hồng, và nếu trễ phải đợi chuyến đò Đồng Tâm chạy ngày hôm sau. Một ngày là thời gian quí báu của tôi, vì đi và về mất bốn ngày, tôi còn lại ba ngày cùng vợ con mà thôi. Với lý do ấy, tôi ra bến xe từ buổi sáng sớm.

Ra đến bến xe, tôi thất vọng khi nhìn thấy một đoàn người dài dòng dọc đang sắp hàng mua vé. Tôi nôn nóng sắp hàng. Mỗi một phút trôi làm tôi cảm thấy trong người nóng thêm một chút. May mắn thay, khi cầm vé trong tay, tôi thấy 10 giờ 15. Tôi tính nhẩm: “Từ Sàigòn đến Mỹ Tho là 70 cây số; trung bình một xe đò chạy khoảng 1 giờ 30 phút đến 2 giờ sẽ đến nơi. Nếu chậm lắm là 2 giờ 15 phút, vậy tôi đến bến đò đúng giờ.” Hên quá!

Khi ra xe, tôi lại một lần nữa thất vọng vì xe này chạy bằng than, thay cho xăng. Trong thời gian này, rất nhiều xe đã biến cải chạy bằng xăng sang chạy bằng than đá.

Xui xẻo thay, khi tôi tới bến đò Lạc Hồng thì chiếc Hồng Vân đã cách bến trên 200 mét. Tôi chỉ còn nước đứng nhìn chiếc đò máy mà lòng tức tửi. Tôi nôn nóng chạy tới chạy lui xem còn đò nào đi về phía đó không. Sau một hồi toát mồ hôi hột, tôi tìm ra một chiếc đò nhỏ đi về Cái Nhum, Long Thới. Long Thới cách quê vợ tôi khoảng 3 km. Nơi đây, trước 1975, tôi vẫn thường lui tới. Một bạn dạy học cùng trường là Nguyễn Tri Lộc có một ngôi nhà cạnh mé sông.

Ngồi trên đò tôi khát nước dữ dội, vì sau một hồi chạy tới, lui trên bến đò, mồ hôi toát ra như tắm. Nhưng đò chỉ có nước lóng phèn, nên tôi không thể uống được.

Chiều đó, tôi về đến Long Thới, sau một cơn mưa rào. Long Thới là một xóm đạo, trước 75 nơi này có trường trung học đệ nhất cấp (cấp 2) tư thục của nhà thờ đạo, và một chợ buôn bán tấp nập, sầm uất. Sau khi tôi từ chức hiệu trưởng Trung Học Chợ Lách năm 1970, ông cha chánh sứ có mời tôi xuống dạy luyện thi cho các em ở đây, qua sự giới thiệu của Nguyễn Tri Lộc. Thấy nơi đây là một địa phương hẻo lánh, khó lòng có thể đi học tư, và cũng vì sự hiếu học của các em, tôi tình nguyện xuống dạy miễn phí. Ngày đầu dạy học, tôi ngạc nhiên tai sao các học sinh lớp toán mà toàn là nữ sinh.

Khi tôi đặt chân lên bờ, tôi nhận ra Long Thới bấy giờ tiêu điều; chợ búa vắng tanh; cửa hàng đóng im ỉm, đường phố ướt nhượt. Thỉnh thoảng một vài giọt mưa chiều còn sót vẫn rơi nhẹ trên vai tôi. Tôi đành phải tìm nhà Nguyễn Tri Lộc, để xin miếng nước, nhưng khi đến nơi, tôi thấy nhà của anh ta đã bị mượn dài hạn, và biến thành trụ sở công an. Tôi biết một số cưu học sinh của tôi có nhà nơi đây, song tôi không rõ nơi nào. Tôi đành lủi thủi cuốc bộ về Tân Thiềng, khi bóng chiều đang rơi. Đường đi nhiều bùn lầy, rất khó khăn vì dép cứ lún xuống bùn. Khi rút dép lên thì đế một nơi, quai một nẻo, nên tôi phải bỏ đôi dép hai quai ra cầm tay để di cho dễ.

Về ngang Long Thới, mưa tàn.

Phố phường ướt nhượt, cửa hàng vắng tanh.

Lòng buồn, cất bước đi nhanh.

Đường mòn lầy lội, loanh quanh hàng dừa.

 

Đang đi trên con đường mòn cạnh nhà thờ Long Thới ra đường đá, chợt nghe  tiếng cười nói một vài cô bé, bên kia hàng rào. Liếc mắt về đấy, tôi thấy thấp thoáng dáng một thiếu nữ đang quét sân, vừa quét vừa nói chuyện với bạn cô ta.

Bỗng cô gái quét sân, buông chổi, nói:

– Thầy kìa! Thầy kìa!

– Ai? Ai?

– Thầy Hiệp kìa bay ơi!

– Đâu? Đâu?

– Ngoài đường kìa!

Rồi nghe tiếng chân chạy thình thịch. Nhìn qua một hàng rào, tôi thấy thấp thoáng vài bóng thiếu nữ đang chạy ra cổng. Một thoáng sau, vài cô nữ sinh, mười sáu, mười bảy tuổi hiện ra hiện ra mé đường chào:

– Thầy.

– Thầy! Thầy khỏe không?

Tôi không ngờ học sinh vẫn còn nhớ tới tôi, làm tôi cảm động lắm, nhất là khi không còn làm thầy, mà chỉ là một ngư phủ nghèo nàn. Nhìn các cô này, tôi không nhớ các cô học lớp nào, vì tôi không quen mặt. Các cô đứng nhìn tôi từ đầu tới chân. Khi thấy tôi quần áo cũ kỹ, lấm lem lấm thủi, tay cầm đôi dép, trên mặt các em đột nhiên tỏ vẻ đau khổ, rồi mắt các em đỏ hoe. Chúng tôi cùng yên lặng đè nén những xúc cảm, vì biết rằng nếu mở miệng sẽ bật khóc thành tiếng.

Thời gian lặng lẽ trôi qua, cô bé quét sân, dáng cao cao, thân hình thon thắn, gương mặt thật đẹp, trấn tĩnh hỏi, với giọng run run:

– Thầy!….. . Sao thầy ra nông nổi này? Thầy làm gì để sống?

Tôi cố nén giọt nước mắt, gượng cười:

– Thầy bây giờ đi đánh cá. Các em còn nhận ra thầy trong bộ quần lem, áo vá sao? Cám ơn các em còn nhớ tới thầy.

Cô nữ sinh đẹp nói:

– Thầy có rảnh không?

– Chi vậy?

– Nếu có thời gian, em mời thầy ghé nhà uống miếng nước.

Tôi nghĩ bụng: “Mình tìm nước uống nửa ngày mà không ra nước, bây giờ lại có mấy cô nữ sinh mời. Thật là có duyên.”

Tôi gật đầu: Thầy vào với các em vài phút.

Vào nhà uống nước nói chuyện một lúc, tôi hỏi:

– Các em là học sinh cũ của thầy sao?

Cô bé quét sân đáp:

–  Thưa thầy không, lúc thầy còn dạy thì tụi em, đứa đang học lớp 7 và đứa đang học lớp 8. Ngày ấy, tui em ao ước vài năm nữa sẽ được học thầy.

Tôi nghĩ, lúc mình còn dạy học, các em còn nhỏ, nên không phải học sinh của tôi lúc ấy, nhưng bây giờ, sau vài năm xa cách, các cô đã lớn và nhìn ra dáng các thiếu nữ xinh đẹp. Thảo nào mình nhìn không ra.

– Làm sao các em nhận ra thầy, khi quần áo hoàn toàn khác xưa?

Cô bé quét sân xúc động đáp:

– Tụi em.. .làm sao quên thầy được. Khi nhìn thầy đi qua, em nhận ra dáng thầy ngay.

Trong lòng tôi lại càng xúc động hơn. Các cô chưa học tôi mà có một thái độ đối với tôi như thân thuộc lâu rồi. Ôi quý thay!

Một chặp sau, tôi giã từ các em. Lúc chập choạng tối, khi lặn lội trên con đường trơn trượt từ Hòa Nghĩa về Tân Thiềng, tôi phải xắn quần. Càng lúc, bóng đen càng buôn phủ dày đặc, con đường đất lầy lội càng làm khách lữ hành khó nhọc hơn. Trên đường, hình ảnh các cô bé, nhất là cô bé quét sân, với cử chỉ xúc động, cứ luẩn quẩn trong đầu.

Sau này sang sống ở Hoa Kỳ, khi rảnh rỗi hay lúc thấy cùng cảnh huống, tôi vẫn nhớ tới kỷ niệm đầy thân tình của lớp học trò ngày ấy.

Võ Hiệp

 

 

5 bình luận

  1. Đọc tự truyện của thầy, mới thấy nổi khổ của thầy lớn biết dường nào. Nay thầy được cuộc sống tốt là do Trời Phật thương, bù lại những ngày gian khó. Chúc thầy sức khỏe, giúp được  những học trò khó khăn, bệnh tật. (HM)

  2. Em kính chúc Thầy mạnh khỏe, vui vẻ trong cuộc sống. Em hy vọng, khi hồi tưởng lại quảng đường gian nan, những tình cảm của các em dù chưa được vinh dự làm học trò của Thầy, cũng làm cho Thầy thêm được một phần ấm áp. Chúng em luôn nhớ và biết ơn Thầy. Kính,

  3. Thật chua sót khi đọc những dòng tâm sự của Thầy. Một bài viết ngắn với những chi tiết có vẻ như đơn giản nhưng đủ để cảm thấy ngậm ngùi cho cái nghiệp trồng người trong thời buổi nhiễu nhương đó. Cũng may, Thầy đã được “đền đáp” xứng đáng dù biết rằng phải trải qua nhiều gian nan, vất vã. Cảm ơn Thầy đã cho em những chi tiết rất đắc để biết thêm một thời đoạn đầy bi kịch đó của lịch sử dân tộc. Chúc Thầy sức khỏe, hạnh phúc vả thành đạt. Kính!

  4. Thưa Thầy …!!! Đọc bài thầy viết em  rất cảm động , thầy cũng kể cho tụi em nghe nhiều lần lắm, nhưng lần nào cũng nhớ tới thầy và thương thầy .Cầu trời cho thầy được khỏe, để kể hết chuyện buồn vui cho tụi em nghe .

    Thầy kể chuyện rất hấp dẩn ,lôi cuốn người nghe , xen lẩn những tình cảm kỳ thú .Em mong được thầy kể chuyện hoài , Cám ơn thầy (.Lộc)

  5. Kính thầy Võ Hiệp, đọc truyện thầy kể, đã làm em rơi nước mắt, dù chưa học thầy ngày nào, rất kính trọng khi thấy thầy là một con người bản lĩnh , vượt gian nan sóng gió cuộc đời để đi đến bến bình yên, xin cầu chúc thầy luôn vui khỏe để hưởng trọn vẹn hạnh phúc của cuộc đời.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
Xem tiếp...
H3
CHUYỆN ĐÒ XE VỀ CHỢ LÁCH
Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi về Chợ Lách thăm bạn học cũ, ngồi trên chiếc xe Honda chạy bon bon...
Xem tiếp...
pHAN LE
TÔI ĐÓNG VAI PHÀN LÊ HUÊ
Năm 1963 thầy Nam dẫn tôi và chị Dễ (chị Tư) về Chợ Lách đi học, tôi vào lớp nhất học với thầy Châu,...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

tet-nguyen-dan
NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)
TẾT là do chữ TIẾT 節 đọc trại ra mà thành. Theo “Chữ Nho… Dễ Học” TIẾT thuộc dạng chữ...
20210706042725-358VTT-A
NGÀY XUÂN ĐỌC THƠ XƯA
Cuối năm, lần giở lại góc Việt Thi, tình cờ đọc lại bài NGUYÊN NHẬT 元日 và NGUYÊN NHẬT GIANG DỊCH 元日江驛...
unnamed
CÂU ĐỐI TẾT CHO NĂM ẤT TỴ 2025
Đông phương Giáp ẤT thuộc hành Mộc, chủ màu xanh của cây cỏ. Nên năm GIÁP THÌN là con rồng có màu xanh,...
Untitled
GẶP GỠ CUỐI NĂM
Ngày cuối năm, họa sĩ Nguyễn Quang, cộng tác viên trang nhà từ Đồng Nai về thăm anh em, thế là hẹn nhau...
ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 8
Lượt truy cập: