Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền Nam Việt Nam chia thành sáu tỉnh: Vĩnh Long, Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, An Giang và Hà Tiên. Đất Bến Tre bấy giờ là phủ Hoàng Trị gồm các huyện Tân Ninh, Bảo An, Bảo Hậu và trực thuộc tỉnh Vĩnh Long. Tỉnh Bến Tre vốn là một phần của dinh Hoằng Trấn lập ra năm 1803, năm sau đổi là dinh Vĩnh Trấn. Năm 1808 dinh này lại đổi là trấn Vĩnh Thanh.
Năm 1802, vua Gia Long cho xây thành Kiến Hòa, còn gọi là thành Ba Lai. Thành được xây khá kiên cố, nhưng chỉ dùng làm kho dự trữ lương thực mà thôi. Năm 1805, vua Gia Long lại chia đất Gia Định Thành ra làm 6 trấn: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
Năm 1806, vua Gia Long đổi tên vùng Mỹ Tho-Bến Tre thành huyện Kiến An thuộc Trấn Định. Như vậy, đến đời Gia Long thì vùng Kiến Hòa vẫn còn là một tổng của huyện Kiến An, thuộc Trấn Định.
Năm 1808, tổng Tân An được nâng lên làm huyện Tân An. Thấy vùng Kiến An phì nhiêu mầu mỡ, dân cư mỗi ngày một đông nên vua Gia Long nâng lên thành phủ Kiến An(, trong đó Bến Tre là một trong 3 tổng của phủ Kiến An.
Năm 1823, huyện Tân An được nâng lên làm phủ Hoằng An, thuộc trấn Vĩnh Thanh. Năm 1831, vua Minh Mạng tách một phần đất thuộc tổng Kiến Hòa ra để lập thêm huyện Tân Hòa(9). Đồng thời nâng tổng Kiến Hòa lên làm huyện Kiến Hòa, trực thuộc trấn Vĩnh Long. Đến năm 1832, vua Minh Mạng đổi trấn thành tỉnh. Từ đó mới có tên “Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Lúc nầy phủ Hoằng An thuộc tỉnh Vĩnh Long. Năm 1834, lại chia Hoằng An ra làm 2 phủ: Hoằng An và Hoằng Trị, nhưng sau đó lại sáp nhập 2 phủ lại làm phủ Hoằng Trị, gồm 4 huyện: Bảo Hựu, Bào An, Tân Minh và Duy Minh.
Năm 1841, vua Thiệu Trị phân định rõ ràng vùng đất Kiến Hòa. Huyện Kiến Hòa thì sáp nhập vào tỉnh Định Tường, trong khi huyện Tân Thành được sáp nhập vào tỉnh Gia Định.
Năm 1848, địa giới của huyện Kiến Hòa rất rộng, vùng chợ cũ Mỹ Tho hồi ấy cũng trực thuộc địa phận huyện Kiến Hòa. Vì thế vua Tự Đức cho đặt tại huyện Kiến Hòa 3 trấn, nay là 3 đồn canh ở bờ sông và cửa biển với mục đích kiểm soát các ghe thuyền buôn lậu và bọn cướp biển(10).
Đến khi người Pháp bắt đầu đánh chiếm thành Gia Định vào năm 1859, vua Tự Đức lại chia miền Nam ra làm 3 quận, mỗi quận gồm 2 tỉnh, do một Tổng đốc cai trị: Tổng đốc quận Định Biên, trông coi 2 tỉnh Gia Định và Biên Hòa; tổng đốc Long Tường, trông coi 2 tỉnh Vĩnh Long và Định Tường; tổng đốc An Hà, trông coi 2 tỉnh An Giang và Hà Tiên. Vùng Kiến Hòa, lúc nầy trực thuộc tỉnh Định Tường, gồm 2 phủ với 4 huyện(11). Năm 1862, sau khi người Pháp chiếm xong tỉnh Định Tường, triều đình Huế nhường đứt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, kể từ phần đất nằm bên tả ngạn sông Cửa Tiểu, trong đó có vùng Bến Tre.
NGUOI LONG HỒ
Chú Thích:
( Thứ nhất là tổng Kiến Hưng (nay là vùng Cái Bè), thứ nhì là tổng Kiến Hòa (nay là vùng Bến Tre và Gò Công), và tổng thứ ba là tổng Kiến Đăng (nay gồm Kiến Phong và Kiến Tường).
(9) Nay là vùng Gò Công.
(10) Trấn Đại Hải, được đặt ngay tại cửa Đại để canh chừng và kiểm soát tàu bè cũng như tiễu trừ bọn cướp. Trấn Tiểu Hải, được đặt ngay cửa Tiểu. Trên bộ, cách trấn Tiểu Hải khoảng vài cây số có một trạm kiểm soát thứ nhì, phòng khi bọn cướp chạy lên bờ tẩu thoát. Trấn Ba Lai, được đặt ngay cửa Ba Lai.
(11) Phủ Kiến An gồm huyện Kiến Hưng và huyện Kiến Hòa; phủ Kiến Tường gồm huyện Kiến Phong và huyện Kiến Đăng. Sau năm 1859, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, huyện Kiến Hòa gồm 5 tổng, với 82 thôn xã.
Hình 1: Bản đồ Đại Nam dưới thời Minh Mạng năm 1838, theo internet (Google).
Hình 2: Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh năm 1832, theo Philippe Langlet trong Atlas Historique des six provinces du sud du Vietnam du milieu du XIXe au début du XXe siècle.
Hình 3: Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh năm 1836, theo internet (Google).
Hình 4: Bản đồ Hành Chánh tỉnh Bến Tre năm 2019, theo Tập bản Đồ Hành Chánh Việt Nam 2019.
Hình 5-8: Quang cảnh sinh hoạt của dân chúng Đất Phương Nam thời mở cõi vào thế kỷ thứ XVIII, ảnh internet (Google).