Trung Học Chợ Lách

RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH

Ngày đăng: 12/07/2024, 11:46 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Năm 1969, nhà xuất bản Ca Dao của Hoài Khanh in cuốn Đi Vào Cõi Thơ của Bùi Giáng. Ngoài những nhà thơ lớn như Huy Cận, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Quang Dũng, Bùi Giáng đã bất ngờ dành những trang đầu sách để viết về một bài thơ của Tuệ Sỹ.

Dù bài viết chưa đầy sáu trang, nhưng ảnh hưởng rất lớn. Tất nhiên, một phần cũng nhờ vào tài bình thơ của Bùi Giáng, nên mới có ảnh hưởng lớn như vậy. Vào đề, Bùi Giáng viết: Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn nghiêm túc, những sở tri của ông về Phật học quả thực quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.

Đúng như Bùi Giáng đã viết, không ai ngờ rằng, vì trước đó, mọi người chỉ biết Tuệ Sỹ là một cây bút lý luận về Phật học, đọc rất khó hiểu, có thể nói là rất khô khan nữa. Nếu ai đã từng đọc bài Luận Lý Học Trên Chiều Tuyệt Đối, Tuệ Sỹ viết về Long Thọ và lập trường Tánh Không Luận đăng trên tạp chí Tư Tưởng, mà sau đó nhà xuất bản An Tiêm in thành sách vào năm 1970, đổi lại đề là Triết Học Tánh Không, thì sẽ thấy nhận định của Bùi Giáng là hoàn toàn chính xác.

Có một lần tôi than với Tuệ Sỹ, đọc Triết Học Tánh Không chẳng hiểu gì cả, thì anh cười và nói đùa lại với tôi rằng, tôi là tác giả của nó mà đọc lại còn chưa hiểu, huống gì là ông.

Xin được nhắc lại một chút kỷ niệm riêng tư như vậy, để thấy rằng con người mà bên ngoài có vẻ như khắc khổ và khô khan ấy, thì có ai ngờ rằng, linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u.

Nguồn thơ của Tuệ Sỹ thâm viễn u u chỗ nào?

Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở

Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan

Bùi Giáng chỉ cho ta thấy chỗ ấy, tưởng chừng nghe ra cao cách điệu bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thống nhất trong cung bậc Nietzsche.

Nhưng với tôi, hai câu ở cuối bài mới thực sự gây nhiều xúc động về con người và tâm hồn u uẩn của Tuệ Sỹ:

 

Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn

Đọc hai câu hai ấy, rồi nghĩ đến con người đầy khí phách của anh, tôi thấy mình như có thêm sức mạnh tinh thần, để vươn lên khỏi những lô nhô, lố nhố của cuộc sống đời thường. Thì ra, những thứ lợi danh bọt bèo, mà con người đang tranh giành, nơi những thành phố chật chội và bụi bặm kia, cũng chỉ quyến rũ được một số người thôi.

Nhưng loại người này là ai? Và họ làm gì? Tôi cứ nghĩ đến con ve và con chim cưu trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Khi hai con vật nhỏ bé này thấy con chim bằng, cất cánh bay đến chín muôn dặm cao, cưỡi lên cả lớp gió ở dưới nó, chừng ấy, lưng chịu trời xanh, rộng đường xoay trở, nó bay thẳng qua Nam.

Ve nhỏ và chim cưu thấy vậy, cười và nói với nhau: Ta, thì quyết bay vụt lên cây du, cây phượng. Nếu như bay không tới, mà lỡ có té xuống đất, thì cũng không hề gì. Bay cao chín muôn dặm, sang Nam mà làm chi. Ta thích đến mấy cánh đồng gần gũi đây, ăn ba miếng no bụng rồi về. Nếu ta đến chỗ xa hơn trăm dặm, thì ta có lương thực ba tháng.

Và rồi Trang Tử kết luận: Hai con vật đó mà biết gì? Kẻ tiểu trí làm sao theo kịp người đại trí?

Câu nói như đinh đóng cột ấy của Trang Tử, đã nuôi dưỡng sức mạnh vĩ đại, cho biết bao nhiêu thế hệ kẻ sĩ của Đông phương, từ hơn hai ngàn năm nay.

Ta cũng phải thừa nhận một sự thật phũ phàng rằng, loại ve và chim cưu này, thì thời nào cũng sanh sản quá nhiều, nên cuộc đời vẫn cứ bị vẩn đục, và kẻ trí lúc nào, cũng chịu nhiều gian truân.

Nhưng đã là kẻ trí đúng nghĩa thì bao giờ cũng lấy niềm vui của thiên hạ làm niềm vui của chính mình; khi con người vẫn còn đau khổ, thì làm sao kẻ trí lại có thể an nhiên, ngồi hưởng hạnh phúc cho riêng mình được.

Sự đau khổ cũng là một nhu cầu cần thiết cho kẻ trí, vì chính sự đau khổ mới tôi luyện cho tâm hồn họ trở thành cao rộng ra. Có lẽ cũng chính vì vậy, mà ta vẫn thường thấy là kẻ trí xưa nay vẫn say mê sông dài biển rộng, nhất là những nơi núi non hiểm trở, bởi vì tất cả những thứ ấy đều là biểu tượng cho sự cao thượng mà tâm hồn họ luôn luôn mơ ước vươn tới.

Bởi vậy, mặc dù chỉ mới biết núi Lô Sơn qua thơ văn, sách vở, nhưng Tuệ Sỹ đã dành một chương để viết về ngọn núi hùng vĩ này, với tất cả đam mê: Lô Sơn hùng vĩ, phiêu bồng, nhưng u uẩn. Lòng núi giấu kín những tâm sự ngàn năm không nói; lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc, những thân thể gầy khô như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm, cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ, và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù, đổ ào xuống.

Mặc dù núi này chỉ là một khối đất đá vô tri vô giác, nhưng trong cách nhìn của những nghệ sĩ tài hoa, thì núi non dường như mang cả cái hồn thênh thang của vũ trụ, núi âm thầm đứng đó như để làm chứng nhân cho những tang thương và dâu bể của cuộc đời: Từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, trên dòng lịch sử trường mộng của nhân sinh đổ ầm xuống; có những cuộc thi gan tuế nguyệt diễn ra trong lạnh lùng, cô tịch. Ngày và đêm, đày đọa hình hài và tâm não, đứng trơ vơ, kinh đảm hãi hùng, trên chiếc cầu độc mộc bắc ngang qua ghềnh sanh tử.

Vì quá say mê núi non rừng thẳm như vậy, nên khi vừa đặt chân đến núi rừng Vạn Giã, khi đứng nhìn những đám mây trắng bay là đà trên các tảng đá, trên đỉnh núi cao, Tuệ Sỹ như muốn trút hết tâm sự của chính mình cho núi rừng nghe:

Núi rừng những giấc mộng đen

Tóc em xõa thanh xuân còn bé bỏng

Trên đỉnh đá mây trời tơ lụa mỏng

Ta làm thân nô lệ nhọc nhằn.

(Núi Rừng Vạn Giã)

Thỉnh thoảng, một hoặc hai tuần, tôi lại từ Nha Trang ra Vạn Giã để thăm anh. Con đường đi đến nơi anh làm rẫy, quanh co khúc khuỷu, nên rất khó đi, mùa mưa lại càng khó đi hơn nữa, vì đường bị trơn trượt. Đôi khi tôi ở lại đêm với anh, trong túp lều tranh, do tự tay anh cất lấy. Những lúc ở lại đêm như vậy, tôi lại càng cảm phục sức chịu đựng của anh. Đêm nơi đó chẳng có gì cả, ngoài ngọn đèn dầu leo lét trong lều và bóng tối mịt mù giữa núi rừng mênh mông.

Tô Đông Pha khi bị đày ở Hoàng Châu cũng phải đi làm ruộng để kiếm sống qua ngày. Nhưng hoàn cảnh Tô Đông Pha có khá hơn chút đỉnh. Vì đọc tám bài thơ ông tả cảnh làm ruộng của nông dân, ta còn thấy, ít ra, Tô Đông Pha còn có các bạn nông dân thân thiết để tâm sự hàng ngày, như bác Phan, bác Quách, bác Cổ. Nên Tô Đông Pha mới bảo rằng: Thú đồng quê dù cực nhọc mà tựa như nhàn.

Nhưng về tâm sự thì chắc là rất giống nhau, vì cả hai ta đều nghe ra trong thơ họ, tiếng thở dài ngậm ngùi cho giấc mộng còn dang dở:

Vị nhân thích lỗi thán

Ngã lẫm hà thời cao

Mà Tuệ Sỹ đã dịch và diễn lại theo ý mình là: Buông cày đứng than thở, đứng bùi ngùi thở dài. Thở dài cho kho lúa đầy cao, và cũng thở dài cho trời xa và cõi mộng xa.

Cách dịch và diễn ý lại như vậy, chắc chắn là để gửi gắm tâm sự của người dịch. Tâm sự đó càng rõ hơn nữa, khi Tuệ Sỹ cũng giống như Tô Đông Pha ở Hoàng Châu, nghĩa là phải đi làm rẫy, làm ruộng vì không có con đường nào khác.

Ta muốn đi làm thuê

Đời không thuê sức yếu

Ta mộng phương trời xa

Trời buồn mây nặng trĩu

Bởi vậy, nếu không đi làm rẫy thì cũng chẳng biết đi về đâu. Vì mọi con đường đã bị rào kín hết rồi. Bước đường vẫn tủi nhục. Biết mình đi về đâu.

Đọc bài Rừng Khuya Bên Bếp Lạnh của Tuệ Sỹ, tôi có cảm giác như nỗi sầu của anh, còn mênh mông hơn cả những đêm dài ngất lạnh mù khơi của núi rừng Vạn Giã:

Ai biết mình tóc trắng

Vì yêu ngọn nến tàn

Rừng khuya bên bếp lạnh

Ngồi đợi gió sang canh

Ngồi đợi gió sang canh, hay là ngồi nhìn sững vào bóng đêm mịt mù, để cố quên đi nỗi đau mà dân tộc đang gánh chịu:

Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ

Quên những người xuôi ngược Thái Bình Dương

Vào lúc đất nước loạn ly, nhân dân lầm than đau khổ, thì những người con yêu quý nhất của dân tộc, luôn ôn lại những chặng đường vinh nhục của lịch sử dân tộc mình. Để từ đó, họ có thể rút ra được một bài học lịch sử cho ngày mai, một ngày mai mà họ tin chắc rằng, dân tộc họ phải xán lạn hơn hôm nay.

Năm 1974, tôi đưa anh Lê Mạnh Thát (&)- một trong những nhà sử học lỗi lạc và có nhiều khám phá mới mẻ nhất của Phật giáo Việt Nam hiện nay – về Bình Định và Phú Yên, để anh tìm tư liệu, nhằm hoàn thành bộ sử vĩ đại cho Phật giáo Việt Nam, mà những người đi trước anh như Trần Văn Giáp, Mật Thể và gần đây nhất là Giáo Sư Nguyễn Lang vẫn chưa đủ điều kiện để làm được.

Trong chuyến đi ấy, tôi được anh kể cho tôi nghe lý do vì sao, đã khiến anh đam mê lịch sử Việt Nam và nhất là lịch sử Phật giáo Việt Nam. Lê Mạnh Thát kể rằng, khi đang theo học tiến sĩ triết lý tại đại học Wisconsin ở Hoa Kỳ vào những năm 1966 đến 1972, tức là những năm mà Mỹ đã ném bom dữ dội nhất xuống miền Bắc và các chiến khu ở miền Nam Việt Nam, thì cứ đêm đến, là các sinh viên thuộc các nước Đông Dương, lại tụ tập trước truyền hình, nhìn sững vào những cảnh tượng khủng khiếp, đang diễn ra với hai tay chắp trước ngực, và nước mắt chảy ràn rụa.

Từ đó, Lê Mạnh Thát cứ băn khoăn tại sao dân tộc mình, lại cứ đau khổ triền miên như vậy. Và sức mạnh nào, đã khiến cho dân tộc Việt Nam, đủ sức đứng vững, trước những tàn phá khủng khiếp ấy. Chính những băn khoăn, thắc mắc ấy, đã khiến anh đam mê bộ môn lịch sử, và Lê Mạnh Thát tin chắc rằng, sức mạnh kỳ lạ ấy của dân tộc có thể tìm lại được nơi các ngôi chùa xưa, nằm rải rác ở các miệt miền quê nghèo khổ, ở quê nhà.

Thế là khi từ Mỹ trở về Việt Nam vào cuối năm 1973, anh đã lao ngay vào công việc với tất cả hăng say. Chỉ trong khoảng mười năm thôi, mặc dù hoàn cảnh đất nước còn quá nhiều khó khăn, vậy mà những khám phá mới mẻ của anh đã làm các nhà sử học Việt Nam phải kính nể.

Chính tôi cũng cho rằng, vì quá đam mê lịch sử Việt Nam, cũng như Phật giáo Việt Nam, mà Lê Mạnh Thát đã phải cam chịu số phận với vận nước nổi trôi, từ hơn hai thập niên qua.

Vào những đêm khuya khoắt nơi núi rừng Vạn Giã cheo leo, Tuệ Sỹ cũng từng ngồi nhớ lại cuộc hành trình dựng nước, đầy gian lao khổ nhọc của tiền nhân, bằng những câu thơ heo hút:

Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió

Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa

Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử

Dài con sông máu lệ quê cha

Chính sự gian khổ của tiền nhân, sẽ hun đúc ý chí cho những thế hệ đi sau. Họ tin tưởng một cách mãnh liệt vào sức mạnh truyền thống, đã có tự bao đời của dân tộc. Chính từ sức mạnh quá khứ đó, họ có quyền mơ ước, về một ngày mai tươi sáng cho dân tộc:

Mười năm sau anh băng rừng vượt suối

Trên vai gầy từ thuở dựng quê hương

Anh cúi xuống nghe núi rừng hợp tấu

Bản tình ca vô tận của Đông phương

Nhưng không phải lúc nào tâm hồn của Tuệ Sỹ cũng nặng trĩu ưu phiền, đôi khi, vẫn có những trường hợp ngoại lệ. Đó là vào một buổi sáng đẹp trời, khi thi nhân đứng nhìn những giọt nắng mai, đọng lại trên những bông cà màu tím. Cứ như lời trong bài thơ, thì ta có thể đoán được rằng, giây phút đó, thi nhân dường như tạm quên hết nỗi phiền muộn nhọc nhằn hằng ngày, lòng bỗng rộn lên niềm yêu đời, khi thi nhân biết rằng, nơi những chân trời xa xôi kia, sự sống vẫn tiếp tục và nắng mai vẫn đẹp như tự bao giờ:

Lận đận năm chồng nữa

Sanh nhai ngọn gió nồm

Hàng cà phơi nắng lụa

Ngần ngại tiếng tha phương

Tuy vậy, hai tiếng “ngần ngại”, vẫn gợi cho ta xót xa biết chừng nào.

Nhưng không hề gì, vì Tuệ Sỹ đã từng viết như thế này: Đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng. Quê hương, ân tình thắm thiết kia, mới thực là đọa đày viễn mộng.

Câu trên, Tuệ Sỹ viết cho Tô Đông Pha, nhưng thực ra cũng là viết cho chính mình nữa.

 

THICH PHUOC AN

(&)Thiền sư Lê Mạnh Thát, pháp danh Trí Siêu sinh ngày 15/ 4 /1944 tại Làng Cu Hoan, Xã Hải Thiện, Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông là người được biết nhiều bởi những công trình nghiên cứu về lịch sử Phật giáo cũng như lịch sử Việt Nam. Một số các phát hiện mới của ông về lịch sử Việt Nam gây chấn động giới nghiên cứu sử. Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam chính thức công nhận ông là “Người viết sách về văn học và lịch sử Phật giáo nhiều nhất Việt Nam”.Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng ông vẫn để tóc. Năm 1959, ông vào Huế trọ ở chùa Báo Quốc và theo học tại Quốc học Huế. Năm 17 tuổi ông được đặc cách thi tú tài…

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
Vừa đặt tách cà phê xuống bàn thì tiếng chuông tin nhắn của chiếc điện thoại vang lên , thoáng nhìn qua...
Xem tiếp...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
  Năm nay, Ban Liên Lạc Đồng hương Chợ Lách họp ngày 24/2 tức 14 tháng giêng tại  Trung tâm Hội...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

ban-doi-ban-tri-ky-ban
Phiếm về TRI ÂM, TRI KỶ.
Có rất nhiều người thắc mắc và hỏi tôi :”Hiểu và phân biệt như thế nào cho đúng về hai từ TRI ÂM...
Thê tài - Copy
CHÚC MỪNG SINH NHẬT NGUYỄN THẾ TÀI
Ngày 24/10 là sinh nhật Nguyễn Thế Tài, GV trường Trung hoc Chợ lách. Hiện nay anh sống ở Úc. Nhân sinh...
unnamed
Thành Ngữ Bị Hiểu Sai Hơn Một Ngàn Năm Qua
 Trong văn học cổ Trung Hoa, thành ngữ đánh giá phẩm bình cao nhất về dung mạo của nữ giới là “Trầm...
Thông van
UỐNG TRÀ CỦA THÍCH THIỆN THẢO
Là nhà sư Phật giáo. CHS Trường THCL  hiện nay sống ở Huyện Mang Thít nhưng có cuộc sống của đạo tiên:...
3
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY ĐOÀN ĐÌNH CẦM
Ngày 16/10 là sinh nhật thầy Đoàn đình Cầm, GS truờng trung học Chợ Lách vào những năm 60, hiện nay thầy...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 14
Lượt truy cập: