Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt
Theo kiến thức thông thường về khuôn phép và quy củ luật lệ của thi ca cổ, thì một bài thơ phải có ít nhất là bốn câu, như Thất ngôn Tứ tuyệt gồm có bốn câu bảy chữ, vị chi là hai mươi tám chữ; hay như Ngũ ngôn Tuyệt cú gồm có bốn câu năm chữ, vị chi chỉ có hai mươi chữ; như các ví dụ sau đây :
* Thất ngôn Tứ tuyệt như bài Chinh Nhân Oán 征人怨 của Liễu Trung Dung 柳中庸 đời Đường :
歲歲金河復玉關, Tuế tuế Kim Hà phục Ngọc Quan,
朝朝馬策與刀環。 Triêu triêu mã sách dữ đao hoàn.
三春白雪歸青冢, Tam xuân bạch tuyết quy thanh chủng,
萬里黃河繞黑山。 Vạn lý Hoàng Hà nhiễu Hắc Sơn.
Có nghĩa :
Kim Hà rồi Ngọc Môn Quan,
Năm năm chinh chiến lan tràn đôi nơi.
Xuân tàn cỏ úa tuyết rơi,
Hoàng Hà muôn dặm chẳng rời Hắc Sơn !
Bốn câu thất ngôn nói lên hết cái bôn ba vất vả dãi tuyết dằm sương của người lính thú vùng biên tái xưa hết năm nầy qua năm khác từ Hoàng Hà cho đến Ngọc Môn Quan xa xôi cách trở để bảo vệ cương thổ của hoàng triều.
* Ngũ ngôn Tuyệt cú như bài Đăng Quán Tước Lâu 登鸛雀樓 của Vương Chi Hoán 王之渙 cũng ở đời Đường :
白日依山盡, Bạch nhật y sơn tận,
黃河入海流。 Hoàng Hà nhập hải lưu.
欲窮千里目, Dục cùng thiên lý mục,
更上一層樓。 Cánh thướng nhất tằng lâu.
Có nghĩa :
Mặt trời chen lặn núi xa,
Đổ về biển cả Hoàng Hà chảy mau.
Muốn nhìn mút mắt lên cao,
Non sông ngàn dặm muôn màu xa xa !
Chỉ có bốn câu hai mươi chữ đã nói lên cái khí thế của núi sông hùng vĩ trong cảnh trời chiều, mặt trời chen lặn xuống núi trong khi nước sông Hoàng Hà đang cuồn cuộn chảy xuôi về biển cả. Cái chí hướng cao xa và cái triết lý nhân sinh trên bước đường tiến thủ :”Dục cùng thiên lý mục, Cánh thướng nhất tằng lâu !”.
Đó là thơ “Tứ Tuyệt”, bài thơ chỉ có bốn câu. Còn “Tam Cú Thi” là bài thơ chỉ có “ba câu” thì hiếm vô cùng. Bài thơ mà mọi người thường biết đến và nhắc nhở nhiều nhất là bài “Đại Phong Ca 大風歌” của ông vua khai sáng ra nhà Tây Hán là Hán Cao Tổ Lưu Bang 劉邦. Sau khi chiến thắng loạn quân cuả Anh Bố (256-195) trên đường về Trường An ngang qua quê hương Bái Huyện, Lưu Bang đã ghé lại thiết yến để chiêu đãi những cố tri và phụ lão ở quê nhà. Khi rượu ngà ngà say ông đã gỏ vào cây đầm để đập đất mà hát rằng :
大風起兮雲飛揚, Đại phong khởi hề vân phi dương,
威加海内兮歸故鄉。 Uy gia hải nội hề quy cố hương.
安得猛士兮守四方! An đắc mãnh sĩ hề thủ tứ phương !
Có nghĩa :
Gió lớn nổi lên mây cuốn bay,
Uy trùm bốn biển về quê này.
Sao có dũng sĩ giữ bốn phương ngay !
Bài thơ tuy có ba câu nhưng bao quát cả hoài bão của nhà vua từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Câu đầu là qúa trình khởi nghĩa và chiến đấu như mây bay cuốn theo chiều gió lớn; Câu hai chỉ chiến thắng bình định thiên hạ về thăm lại quê hương; Câu ba lo lắng cho sự ổn định lâu dài của đất nước. Chỉ có ba câu với lời lẽ mộc mạc chất phác bày tỏ được nỗi lòng của một ông vua có chí lớn biết sáng lập và gìn giữ cơ nghiệp đế vương của mình.
Lời thơ được xuất phát một cách tự nhiên trong cơn tửu hứng, không theo một quy luật thơ ca nào cả, vì đời Hán niêm luật thơ chưa thành hình, chỉ dựa vào ngẫu hứng, nhưng lại biểu hiện được sự hào hùng khảng khái tự nhiên như thơ ca dân gian. Người đời Hán gọi bài thơ nầy là “Tam Hầu Chi Chương 三侯之章”, người đời sau mới đặt tựa là “ĐẠI PHONG CA 大風歌”. Dần dà niêm luật thi ca mới thành hình, đến đầu đời nhà Đường thì hoàn chỉnh. Nhưng…
Trong thời kỳ Đường Tống; thời kỳ cực thịnh của thi ca; khi tất cả thi nhân làm thơ điền từ đều tuân theo niêm luật một cách chặc chẽ, thì cũng chính trong thời kỳ nầy một thi nhân “vô danh tiểu tốt” lại đi ngược lại với quy luật thi ca, làm ra bài thơ chỉ có hai câu duy nhất, nhưng lại cho kết quả thực tiễn ngay trước mắt mà còn hình thành một thành ngữ để “Lưu danh thiên cổ” cho đến hiện nay nữa mới là lạ chứ !
Mời tất cả cùng nghe giai thoại sau đây :
PHẠM TRỌNG YÊM 范仲淹(989-1052)tự là Hi Văn. Tổ tịch ở Phần Châu, sau di cư qua Ngô huyện của Tô Châu. Ông là một nhà chính trị kiệt xuất, đồng thời cũng là một nhà văn học nổi tiếng với câu nói bất hủ trong bài phú “Nhạc Dương Lầu Ký 岳陽樓記” là :”Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu; Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,後天下之樂而樂”. Có nghĩa là : Làm quan thì phải “Lo cái lo trước hơn cái lo của thiên hạ, và Vui cái vui sau cái vui của thiên hạ”. Ông nổi tiếng thanh liêm chính trực và luôn luôn để ý đề bạt cất nhắc những quan viên nhỏ bên dưới của mình để cho họ được đãi ngộ xứng đáng với chức trách và cống hiến của bản thân họ, nên rất được mọi người thương yêu kính trọng. Khi ông phát động cải cách tân chính không thành bị biếm làm Tri phủ Hàng Châu, thì tất cả quan viên lớn nhỏ ở Hàng Châu đều được ông đề bạt cất nhắc giúp đỡ, duy chỉ có một người giữ chức Tuần Kiểm 巡檢 là Tô Lân thì bị lãng quên.
TÔ LÂN 蘇麟 (969 – 1052) Ông là người kín tiếng chất phác hiền lành. Sau khi đậu Cử nhân thì giữ chức Tuần Kiểm cho một huyện nhỏ trong phủ Hàng Châu, Do chức vụ Tuần Kiểm luôn luôn di chuyển nên ít khi diện kiến quan Tri Phủ Phạm Trọng Yêm, nên không được chiếu cố đề bạt lên chức vụ mới. Dần dà ngày tháng, ông cũng cảm thấy mình như bị lãng quên một cách thiệt thòi, trong khi mình cũng luôn luôn hoàn thành chức trách được giao phó, nên trong một lần đến trình báo công vụ với quan Phủ Phạm Trọng Yêm, ông đã trình lên hai câu thơ “khiếu nại” một cách nhẹ nhàng và… vu vơ như sau :
近水樓台先得月, Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt,
向陽花木易為春. Hướng dương hoa mộc dị vi xuân.
Có nghĩa :
– Những lâu đài được cất gần nước (sông hồ biển cả) sẽ thấy được ánh trăng mọc trước hơn là những nơi khác. Và …
– Những hoa cỏ cây cối hướng về ánh mặt trời thì sẽ dễ dàng đón nhận mùa xuân hơn là những cỏ cây hoa lá khác.
Gần nước lâu đài trăng ngắm trước,
Hướng dương cây cỏ dễ chào xuân !
Phạm Trọng Yêm và Tô Lân
Ý bóng gió là : Những người làm viêc gần gũi với quan lớn thì dễ được chiếu cố cất nhắc hơn là những người làm việc di động ở xa. Người ở trên lâu đài gần bến nước thì sẽ thấy trăng mọc trước. Còn những người làm việc ở xa, tuy vẫn làm việc tích cực nhưng lại hay bị quên lãng vì ít ai nhớ tới, như cây cỏ ở xa ánh nắng mặt trời thì sẽ đón mùa xuân muộn hơn vậy !
Bóng gió vẩn vơ là thế, những lời lẽ như than thân trách phận mình bạc bẽo hơn người khác mà thôi, thế mà ngài quan lớn Phạm Trọng yêm cũng nhận ra được cái tâm tư hoài bảo ấp ủ trong lòng của Tô Lân, nên lần cất nhắc sau cũng đã trình lên triều đình đề cử thăng chức cho Tô Lân từ Cửu phẩm lên thành quan viên Thất phẩm. Hai câu thơ “khiếu nại” có tác dụng ngay trước mắt và sự tích của Tô Lân cũng theo hai câu thơ được truyền tụng rộng rãi trong dân gian như một giai thoại mãi cho đến hiện nay.
Câu thơ “Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt 近水樓台先得月” được rút ngắn lại thành một thành ngữ bốn chữ là CẬN THỦY LÂU ĐÀI 近水樓台 để chỉ những ưu tiên của người có vị trí gần gũi với những người hay sự vật mà mình mong mõi hay muốn có được. Ví dụ như :”Vì nó là thư ký của xếp, cận thủy lâu đài, nên được tăng lương sớm hơn là những nhân viên khác”. Một ví dụ khác…
Hai chàng theo đuổi một nàng, chàng nào ở gần nhà nàng là “Cận thủy lâu đài” sẽ có nhiều cơ hội và sẽ dễ dàng chiếm được quả tim vàng của người đẹp hơn. Ở một tình huống nào đó thì “Cận thủy lâu đài” tức là cái tiện nghi của “Địa lợi” đó. Ngoài ra…
CẬN THỦY LÂU ĐÀI cũng có mặt tiêu cực của nó, khi dùng để chỉ những người hay dựa vào sự gần gũi với người có quyền thế để ức hiếp người khác. Ví dụ như : Nó ỷ mình là phụ tá cuả xếp, cận thủy lâu đài, nên hay bắt nạt hiếp đáp những nhân viên khác.
Trở lại với xuất xứ của bài thơ chỉ có HAI CÂU, vì căn cứ vào Du Văn Báo đời Tống 宋·俞文豹 viết trong《Thanh Dạ Lục 清夜录》:“Phạm Văn Chính công trấn Tiền Đường, binh quan giai bị tiến, độc tuần kiểm Tô Lân bất kiến lục, nãi hiến thi vân 范文正公镇钱塘,兵官皆被荐,独巡检苏麟不见录,乃献诗云:” Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân 近水楼台先得月,向阳花木易為春”. Có nghĩa :
“Phạm Văn Chính công (tức Phạm Trọng Yêm) khi trấn thủ ở Tiền Đường (Hàng Châu), các quan binh đều được tiến cử, chỉ có tuần kiễm Tô Lâm là không có trong danh sách, nên mới dâng thơ lên rằng : Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân”.
Theo thiển ý, thì đây là hai câu đầu hoặc hai câu cuối của một bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt. Phải có “cái gì đó” trước hoặc sau của “Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân”. Nhưng vì “cái nhà ông anh” Du Văn Báo đời Tống “lười biếng” chỉ ghi lại có “Hai Câu Thơ” nầy mà thôi, nên BÀI THƠ HAI CÂU nầy được gọi là “ĐOẠN CÚ THI 斷句詩”, là “Thơ bị ngắt quãng”, và Tô Lân cũng bị người đời gọi là “Nhà Thơ Lười Biếng” nhất trong các nhà thơ cổ. Vì ngoài bài thơ hai câu nêu trên, các nhà nghiên cứu sưu tập vẫn không tìm ra được thêm câu thơ nào của Tô Lân nữa cả !
So với Thi Tiên Lý Bạch làm đến hơn hai vạn (20,000) bài thơ, thì Hai Câu Thơ của TÔ LÂN thật qủa đáng giá ngàn vàng. Chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ mà thành công “Một đơn khiếu nại”, chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ mà được “Thăng quan tiến chức”, và đáng nói nhất là “Chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ mà hình thành được một Thành Ngữ và Lưu Danh Thiên Cổ !”. Mặc dù tiếng tăm không bằng được Thi Tiên Lý Bạch, nhưng Tô Lân vẫn nghiễm nhiên là một vì sao lắp lánh trong bầu trời cực thịnh của nền thi ca cổ đương thời.
Bài thơ “Hai câu” của Tô Lân nêu trên đến năm Vạn Lịch đời Minh được các Nho gia biên tập vào quyển “Tăng Quảng Hiền Văn 增廣賢文” với dị bản như sau đây :
近水樓台先得月, Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt,
向陽花木早逢春. Hướng dương hoa mộc TẢO PHÙNG xuân.
Câu sau có nghĩa :
– Hoa cỏ hướng dương, tức là hướng về ánh mặt trời thì sẽ ĐÓN NHẬN mùa xuân ngay từ ánh nắng ban đầu SỚM HƠN là những hoa cỏ khác không… hướng dương !
Gần nước lâu đài trăng ngắm trước,
Hướng dương cây cỏ sớm chào xuân !
Xin được khép lại Giai thoại Bài thơ để đời chỉ vỏn vẹn có HAI CÂU mà thôi !
Hẹn bài viết tới !
杜紹德