Nhà văn Trần Thanh Cảnh (TTC) quê ở Thuận Thành, Bắc Ninh. Tốt nghiệp đại học Dược, ra trường làm chủ một doanh nghiệp trong 30 năm. Đến năm 2013, (lúc này anh đã 50 tuổi) thì anh bắt đầu viết. Tác phẩm “Kỳ Ngân Lành Ngọc” anh đạt giải Văn Xuôi 2015 của Hội Nhà Văn. Các truyện ngắn như Đại Gia, Kỳ Nhân Làng Ngọc, Mỹ Nhân Làng Ngọc, Cà Phê Phố Cũ… Tất cả đều có liên quan về làng quê Bắc Ninh của anh mà cụ thể là Làng Ngọc, một ngôi làng được anh tạo ra trong tác phẩm của mình. Tôi quen biết dược sĩ TTC khi anh đã là một nhà văn, khoảng năm 2016, khi ra Hà Nội, tôi ngồi trước cổng trường Đại Học Dược chụp hình đưa lên Facebook khoe, anh Cảnh còm vào nói chị đang ngồi trước cổng trường của tôi!…
Sau một vài câu chuyện qua lại với nhau, từ Bắc Ninh anh lái xe ra Hà Nội cà phê với tôi nhân dịp anh lên đài truyền hình, thỉnh thoảng anh có những buổi nói chuyện trên đài truyền hình Bắc Ninh và Hà Nội. Thời gian này tôi ra Hà Nội chơi sẵn đi cúng giỗ anh Phan Thắng Toán với anh Lộc Vàng, một hôm, sau buổi sáng anh Nguyễn Đình Toán đưa tôi đi thăm nhà và mộ nhạc sĩ Văn Cao thì tôi có gặp lại anh Cảnh. Tôi đưa anh xem mấy tấm hình của anh Nguyễn Đình Toàn chụp khi anh Phan Thắng Toán còn sống. Anh mời tôi ra Kinh Bắc chơi, tôi có việc ở Hà Nội nên hẹn với anh dịp khác. Sau này anh Cảnh vào Nam trong khi tôi về quê nên không gặp anh được.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh có trang web “Người Kể Chuyện Kinh Bắc” nói chuyện thời sự hiện nay và giới thiệu tác phẩm của nhà văn.
Tôi luôn nhắc đến tên anh với sự kính mến và ngưỡng mộ. Anh là một dược sĩ có tài, một nhà văn giỏi viết truyện ngắn và tiểu thuyết lịch sử.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh và tác giả Nguyễn Kiều Phương
Vì đam mê với văn chương suýt làm nghề nghiệp chính của anh bị mờ nhạt. Khi trận dịch kinh hoàng xảy đến anh đem tài năng và kinh nghiệm nghề dược sĩ của mình. Anh thường xuyên cập nhật tình hình phát triển của dịch, mọi người ai muốn tư vấn và xin cách phòng ngừa, điều trị sốt ho anh đều giải quyết hết mà không cảm thấy phiền hà.
Có những chỉ thị chính quyền ban hành, những cách điều trị cách ly người nhiễm bệnh bằng phương pháp sai anh mạnh dạng lên tiếng. Thậm chí, có lần VTV1 chụp hình trang Facebook của anh đưa lên làm điển hình trang mạng “gây rối loạn lòng dân trong thời kỳ chống dịch…!”
Anh luôn đúng khi chỉ ra cách làm việc quan liêu và quá chậm của cơ quan chức năng khi giải quyết vấn đề điều trị cho dân. Thời kỳ dịch bùng phát dữ dội khiến người dân cả nước chết vô số kể, cuộc sống người lao động xa nhà gặp nguy hiểm. Anh lên tiếng thẳng về vấn đề giản cách và phòng chống dịch sai.
Tôi nhớ rất rõ, anh dặn dò tôi ghi chú lại những nạn nhân chết do bị nhiễm Covid. Anh phản ứng vấn đề cách ly người bị nhiễm bệnh mạnh mẽ. Facebook anh thỉnh thoảng bị khoá vì anh có quá nhiều ý kiến trái chiều với chính quyền nhưng sau này xét lại thì toàn là những ý kiến đúng và rất nhân đạo. Thời dịch bệnh, anh là thầy thuốc của tôi, của nhân dân. Vì tôi hay lấy những lời anh dặn dò và toa thuốc anh chỉ cho người bệnh đem truyền cho những người bạn không đọc tin trên Facebook.
Ba năm rồi tôi mới gặp lại anh khi trở ra Hà Nội, anh vẫn đầm thắm với chút hiền hoà (!), nhưng rất sôi nổi khi nói đến hiện tình ư đất nước. Tác phẩm mới của anh là tập truyện ngắn tựa “Bến Chia Ly” xuất bản ở Đức. Vì nội dung cuốn sách không thể xuất bản trong nước. Tôi gặp lại các anh chị Văn nghệ sĩ Hà Nội trong thời gian ở đây, khi nhắc đến anh, ai cũng kính nể anh về tư duy và kiến thức. Thực tế khi tôi gặp anh, tôi cũng được nghe anh nói về những nhân vật lịch sử với bao chuyện thâm cung bí sử mà sách ít ghi lại và lưu hành. Anh là người tạo ra niềm đam mê khảo sát về những bí ẩn triều đại nhà Trần đối với tôi. Anh đã xuất bản “Đức Thánh Trần”; “Trần Thủ Độ”; “Trần Nguyên Hãn”…và những câu chuyện về triều đại Nhà Trần trong những tác phẩm khác của anh
Anh nói, mình bây giờ không hoạt động cụ thể ở lĩnh vực nào cả, thỉnh thoảng bạn bè gặp nhau hay mời dự vài buổi họp báo. Khi tôi gợi ý anh viết tiếp truyện tiểu thuyết lịch sử thì anh bảo sẽ đổi sang viết truyện hiện đại. Tôi tiếc lắm bởi vì tôi luôn hy vọng anh viết về Bà Chúa Dâu, bà Chúa Ngọc…
Chúc anh luôn vui khỏe và tràn đầy nhiệt huyết để tiếp tục đi về hướng văn chương.
Nguyễn Kiều Phương.