Những tuần vừa rồi tôi có tham dự hai đám cưới do nhà gái mời, một ở Sài Gòn, một ở Chợ Lách (Bến Tre). Cả hai đám đều vui, tuy có khác nhau về nơi đãi ăn. Ở Sài Gòn thì khách mời được đãi ăn tại nhà hàng sang trọng với những “màn trình diễn” khá hoành tráng một số nghi thức đám cưới na ná giống nhau của các nhà hàng từ thành phố đến tỉnh huyện vài chục năm nay. Ở Chợ Lách thì khách mời được đãi ăn ngay tại nhà sau khi hai gia đình tiến hành các nghi thức đám cưới trước bàn thờ gia tiên, đơn giản hơn nhưng cũng đủ thân mật ấm cúng!
Về lễ nghi, cả hai đám đều cố giữ một số lễ nghi truyền thống, bỏ hay chế bớt một số nghi lễ nặng hình thức, có vẻ “màu mè” không cần thiết hay mang màu sắc mê tín. Tuy nhiên tổ chức thực hiện các nghi thức này tại hai nơi không giống nhau. Thật ra tại nhiều địa phương miền Nam, đám cưới được tiến hành theo những nghi thức trông thì na ná giống nhau nhưng thật sự mỗi nơi khác nhau một ít tùy địa phương. Đã dự nhiều đám cưới, tôi nghĩ nguyên nhân của sự khác nhau này là do cách nghĩ về ý nghĩa các nghi thức của từng người, từng địa phương dầu ai cũng cho rằng mình giữ theo truyền thống.
Dầu sao tại cả hai đám mà tôi đã dự, hai họ đàng trai, đàng gái đều vui vẻ. Sau phần lễ, cả cô dâu, chú rể, hai bên sui gia, họ hàng, khách mời và bạn bè đều tươi cười cụng ly chúc tụng… bia rượu “chảy như suối”, phó nhòm chụp hình không nghỉ tay! Như vậy có thể nói, với cái nhìn “đại khái” không “xét nét” về lễ nghi chi tiết, đám cưới được tổ chức như thế cũng là “được” rồi!
Tuy nhiên có điều cũng nên kể ra đây. Trong phần tiến hành các nghi thức hỏi và cưới cùng lúc; tại một nhà, tôi được chủ nhân mời làm đại diện cho nhà gái, hướng dẫn thực hiện các nghi thức hành lễ truyền thống tại nhà gái. Do từ nhiều năm nay, tôi đã vài lần được mời làm công việc này nên cũng đã tìm hiểu rất nhiều các nghi thức đám cưới, qua sách vở, qua những vị lớn tuổi có hiểu biết ở các địa phương khác nhau… để hiểu cho được cái ý nghĩa truyền thống của từng nghi thức và để soạn sẵn một trình tự thực hiện hợp lý và hợp lễ khi vào đám. Do vậy tại nhà đó, khi đàng trai đem lễ vật đến để hỏi-cưới cô con gái của họ thì tôi đã làm tròn nhiệm vụ chủ trì buổi lễ tại nhà gái. Mọi người đều ra vẻ hài lòng… và nhất là không xảy ra chuyện anh phó nhòm bổng nhiên can thiệp vào để “chỉ bảo” thêm… như thường thấy tại một số đám cưới khác!
Còn tại nhà kia, ông đại diện nhà gái lại giao phần hướng dẫn buổi lễ tại nhà gái cho ông đại diện đàng trai, mà ông này, tuổi cũng khá cao, lại để mọi sự diễn ra theo sự chỉ vẽ của anh phó nhòm. Nếu có ai để ý một chút, sẽ thấy anh phó nhòm “vẽ” những chuyện sao cho anh ta chụp được nhiều tấm hình đẹp theo ý anh ta hơn là để mọi người thấy được cái ý nghĩa văn hóa của những nghi thức cổ truyền còn được tiến hành trong các đám cưới ngày nay! Trong thành phần họ hàng nhà gái ngồi dự lễ có vài người hiểu biết, nhưng chọn thái độ im lặng nhìn anh phó nhòm “đạo diễn tuồng”… Đó là vì họ muốn mọi sự được tiến hành êm ả và để mọi người cùng vui khi bước vào bàn tiệc! Vả chăng, thời bây giờ nhiều người làm đám cưới trước bàn thờ gia tiên chỉ vì muốn làm theo cổ lệ cho giống mọi người chứ ít ai chịu tìm hiểu ý nghĩa của những nghi thức, cho nên ai muốn “diễn tuồng” như thế nào cũng chẳng sao! Tôi lại cũng nhận thấy rằng ngày nay khi mọi người nói tới một đám cưới, họ không nhắc tới các nghi thức được tiến hành trước bàn thờ cho bằng nhắc tới buổi tiệc đãi ăn có ngon miệng, chu đáo, và vui vẻ ra sao?!
Dầu sao, ngày nay nhiều gia đình còn tổ chức thực hiện các nghi thức đám cưới tại nhà trước bàn thờ gia tiên thì cũng tốt rồi! Biết đâu không tới chục năm nữa, người ta đơn giản hóa đám cưới, chỉ làm một lần, nhờ hẵn nhà hàng thực hiện luôn các nghi thức, dù “màu mè” cũng được, trước khi nhập tiệc? Như thế, rồi cũng xong…!
Những nét văn hóa cũ của đám cưới… rồi cũng sẽ mai một dần!
Tháng 7/ 2023
Trong những tấm hình trên, có hình được chụp trong buổi Lễ Xuất Giá tại nhà gái.
Thời nay người ta đã giảm bớt nhiều nghi thức cũ của đám cưới, nhưng theo tôi Lễ Xuất Giá là một trong số vài nghi thức còn nên gìn giữ!