Hơn một năm trước, trên FB của Cựu học sinh Trung học Chợ Lách tôi có đọc một bài thơ của thầy giáo Võ Hiệp kèm theo bài dịch thơ ra tiếng Anh của chính ông. Thấy hay, tôi đã dự định sẽ viết về hai bài thơ đó, nhưng lại có nhiều đề tài khác cần viết lúc ấy nên tôi cứ phải lần lữa. Nay có giờ rảnh, đã tới lúc tôi phải viết thôi!
Thầy Võ Hiệp tại nhà Lương Minh 9/2/2019
Tựa của bài thơ tiếng Việt là “Trở Về”:
Phần tư thế kỷ đã trôi qua.
Tôi trở về đây viếng nước nhà.
Đi lúc hăng say, đời tuổi trẻ.
Về khi lụm khụm cảnh năm già.
Nhìn dòng nước đục còn như cũ.
Ngắm kẻ thân tình đã khác xa.
Dừng trước ngôi trường rêu mốc phủ.
Nhớ thời dĩ vãng đã phôi pha.
Chợ Lách- ngày 26-4-2001
VÕ HiỆP
Tôi được biết ông Võ Hiệp là cựu giáo viên của trường Trung học Chợ Lách trước đây. Sau 75 ông đã đi Mỹ. Những năm gần đây ông có vài lần về thăm Chợ Lách, thăm ngôi trường xưa và gặp lại các học trò cũ.
Ý thơ của bài “Trở Về” rất rõ, phù hợp với tên cái tựa bài thơ, chắc được viết trong một lần trở về thăm quê hương. Điều tôi lưu ý là tuy ông xa quê hương đã lâu nhưng bài thơ được viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật rất chuẩn. Rất đúng niêm, luật và luật đối. Bố cục gồm đề, thực, luận, kết làm rất đúng chức năng của từng câu. Ông cũng chọn cước vận là vần [a] với năm chữ cuối của các câu một, hai, bốn, sáu, tám: qua, nhà, già, xa, pha… hợp vận với nhau rất rõ.
Võ Hiệp có bài trong sách Trang nhà đất Vĩnh
Thật ra bây giờ không ai bó buộc nhà thơ phải “ép mình” trong một khuôn khổ “khá cứng” của luật thơ Đường, nhưng cho đến hiện nay nhiều nhà thơ người Việt, trong và ngoài nước, như ông Võ Hiệp, vẫn thích làm thơ Đường luật. Điều này cho thấy thể thơ này vẫn còn ảnh hưởng lớn đến tâm hồn những nhà thơ của chúng ta.
Điều đặc biệt khác là ông đã tự dịch bài thơ của mình ra tiếng Anh, dưới dạng cũng là một bài thơ tám câu (nhưng không thể bảy chữ được vì tiếng Anh không đơn âm). Hơn nữa, vì viết thơ dịch bằng tiếng Anh nên bài thơ không thể đúng niêm, luật, đối như của thơ Đường, tuy vậy ông cũng cố gắng làm cho có vần. Cụ thể ông đã chọn cước vận là vần [ai] với năm chữ cuối của các câu một, hai, bốn, sáu, tám: by, mine, tired, kind, flied…cũng hợp vận với nhau. Do đó bài thơ rất “dễ đọc”, dễ ngâm nga đối với người Việt!
Returning home country (Võ Hiệp)
A quarter of a century has passed by.
I return to visit the country of mine.
When leaving, I was active at a young age.
As returning, I’m old, weak and tired.
The river is still miry as before.
But friends have changed to a different kind.
Return to the former school to admire.
And recall the memories that have flied.
Khi đọc bài thơ này tôi khá thích thú khi thấy ông Võ Hiệp “khai phá” một thể thơ tiếng Anh “lai” với thơ Đường bát cú bởi “cước vận”, khiến tôi đọc bài thơ nghe êm tai như khi đọc thơ tiếng Việt!
Tuy nhiên, cũng nên biết ngay trong văn học Anh hay Pháp, thơ cũng có vần. Luật về vần điệu trong thơ của họ khác của ta, nhưng thơ Anh có một luật gọi là “falling rhythm” (xuống giọng) khi ở cuối câu thì khá giống với “cước vận” của ta. Có vẻ ông Võ Hiệp đã dùng “cước vận” trong thơ Việt áp dụng vào “falling rhythm” của thơ tiếng Anh-Mỹ!
Kỳ tới tôi sẽ đưa ra hai thí dụ, một là bài thơ tiếng Anh, hai là bài thơ tiếng Pháp.
Long Xuyên, tháng 3/ 2023
KHƯƠNG TRỌNG SỬU
Nghe nói hiện giờ ông thầy Võ Hiệp đang bệnh nặng, chắc không còn dịp về VN nữa! Anh Lương Minh còn lưu giữ vài hình ảnh của ông ấy; thật tốt!
Tôi thấy hình của anh Hai Nghĩa đang trò chuyện với ông thầy Võ Hiệp tại nhà anh Lương Minh. Anh Hai có ý kiến gì không?