Trung Học Chợ Lách

NHỚ PHÀ XƯA RẠCH MIỄU

Ngày đăng: 23/03/2022, 9:54 chiều, ý kiến phản hồi (0)

“Bậu qua phà Rạch Miễu..qua lẽo đẻo theo sau..aó bậu đỏ cánh kiến… da bậu vàng phù sa…” Mỗi lần nghe bài hát, cảm nhận  ca từ với nổi khắc khoải, xốn xang, như dẫn lối đi về một miền  ký ức: Nghèo khó nhưng   thiện lương , và cả những giấc mơ trong veo, mộc mạc cũng chắc nặng chữ tình. Với người  Bến Tre ( hay còn gọi là xứ cù lao) mỗi lần nhắc tới  phà Rạch Miễu , không ít người luôn tràn dâng cảm xúc nhớ thương pha lẫn nổi ngậm ngùi thế sự. Ngày cũng như đêm, chiếc phà ngang lầm lũi nặng nề, tách nước sông Tiền váng đục phù sa chở theo bao nổi bể dâu phận người.

Với người Bến Tre, nhất là những người sinh ra trước ngày đất nước thống nhất, địa danh Phà Rạch Miễu, nó như là một điểm hẹn, một nơi phải đến, và tất nhiên không thể không qua…giống  như  mệnh đề về định số vậy. Là dân xứ cù lao, tôi đã rất nhiều lần phải qua phà Rạch Miễu. Có khi vào buổi bình minh, nước sông và gió ban mai phả lên mát rượi, thấy lòng mình một chốn bình yên; Nhưng nhiều lần buộc trở về bằng chuyến phà khuya giữa lúc mưa rầm sấm giật… sông nước mênh mang một màu đen hoang hoải, có trải nghiệm những giờ khắc ấy,  mới thẩm thấu trọn vẹn về niềm đau ngăn cách. Ở vùng sông nước Cửu Long, qui mô tuyến bến của phà Rạch Miễu là dài và rộng nhất. Bắt đầu từ đất Bến Tre thuộc xã Tân Thạch ,Châu Thành,  phà vượt  sông Tiền ven theo vòng cung cồn Phụng rồi hướng về phía cồn Thới Sơn dài hơn ba cây số thì đến bến bên kia thuộc Mỹ Tho đại phố.Thời chưa có cầu, phà Rạch Miễu được xem là con đường huyết mạch  từ Bến Tre đi các tỉnh thành và ngược lại. Cảm kích với những công lao to lớn mà  phà Rạch Miễu mang lại, nhân gian còn tôn vinh cho nó một  danh hiệu mang  đầy tính biểu tượng    “Người hùng chở cả cù lao ”. Tôi đồ rằng, cho dù hàng trăm năm nữa,  phà Rạch Miễu vẫn được nhiều thế hệ con người Bến Tre nâng niu và cất giữ trong tâm thức bằng một hoài niệm đẹp. Nhắc đến phà Rạch Miễu, tôi lại nhớ đến cái “chợ” tự phát lúc nào cũng tưng bừng ở hai điểm bến. Do hàng ngày có đến vài chục ngàn lượt người và xe cộ qua lại,nhờ đó mà  nhiều  cư dân lân cận có thêm nghề mới: “Tiểu thương lòng lề đường”. Hàng hoá bày bán tại bến cơ bản là các loại đặc sản địa phương, từ bánh kẹo đến các thể loại trái cây. Ai thích béo ngọt đã  có kẹo dừa ,kẹo chuối, muốn thơm dẻo lại giòn xin mời dùng bánh phồng, bánh đậu phụng, bánh tét…Về khoản ẩm thực là rất đa dạng ,  ăn khô có bánh mì, bánh bao, chuối nướng, bắp luộc… còn các món nước như hủ tiếu, bánh canh,cơm gà sườn chả bao giờ thiếu. Tuy nhiên ăn uống ở bến phà  chỉ để  ăn thôi, chứ đòi hỏi phải ngon và hợp vệ sinh thì khó đấy . Phà Rạch Miễu hoạt động suốt ngày và gần như xuyên đêm, thời gian được nghỉ ngơi  rất ít , kết thúc  một ngày quần quật vào lúc  mười một giờ đêm và đùng đùng thức dậy khi mới  ba giờ sáng , riêng ngày lễ tết coi như trọn hai bốn tiếng. Người xưa có câu thành ngữ “Qua sông thì phải luỵ đò”, với xứ cù lao như Bến Tre  đương nhiên phải luỵ phà Rạch Miễu và đây cũng chính là điểm nghẽn kìm toả mọi sự phát triển. Hầu hết các mặt hàng nông sản của Bến Tre tuy chất lượng tốt nhưng năng lực cạnh tranh trên thị trường đều có phần yếm thế vì phải cõng thêm chi phí tàu phà. Có nhiều nhà đầu tư vì yêu mến Bến Tre đã háo hức vượt sông tìm cơ hội, nhưng khi trở về bằng phà khá mất thời gian, nhiều người đâm nổi tâm tư đành gác lại dự án chờ ngày có cầu. Rất nhiều lần tôi từng chứng kiến, những gương mặt âu lo của mấy chị bán hàng  rau trông ngóng con phà cập bến, tôi hiểu nổi lo của họ, sợ trễ buổi chợ lúc đông người. Có một câu chuyện đau lòng đến bây giờ tôi vẫn còn ám ảnh. Tôi có quen với anh Chín Hai nhà ở ngoại vi thành phố Bến Tre, vào mùa mưa năm 2005 trên đường về nhà anh bị tai nạn giao thông . Sau khi được đưa vào bệnh viện tỉnh cấp cứu nhưng do bị tai nạn rất nặng, chuẩn đoán chấn thương sọ não,  phải chuyển gấp lên tuyến trên là bệnh viện Chợ Rẫy. Thời điểm ấy, cầu chưa xây xong vẫn phải di chuyển bằng phà. Đến bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù được cứu chữa tận tình nhưng anh không qua khỏi. Sau này có  lần đi đám giỗ anh Chín,  được vợ anh kể cho nghe câu chuyện trong nước mắt:- Đau lắm chú ơi, bác sĩ cứ chép mệng tiếc, độ mà anh được đưa đến sớm hơn 30 phút cơ may cứu sống vẫn còn. Ba mươi  phút? bằng với thời gian qua phà Rạch Miễu, niềm đau “luỵ phà” nghiệt ngã thế sao?! Những câu chuyện buồn do phải chờ phà đợi bến chắc còn nhiều lắm. Nhưng chính trong những nổi niềm mang nặng năng lượng tiêu cực như đã đề cập, thì tự thân phà Rạch Miễu cũng tạo nên nhiều câu chuyện chứa đầy sắc thái tình yêu, thơ mộng. Ở Bến tre có rất nhiều cặp lứa đôi nhờ quen biết nhau cùng cảnh chờ phà mà sau này nên chồng thành vợ. Anh Sơn bạn tôi quê ở Giồng Trôm là một trong những trường hợp như vậy, anh chị quen nhau từ một lần đi chung chuyến phà và bén duyên từ đó. Bây giờ anh chị đã lên chức ông bà, nhưng mỗi lần xây chừng vài ly Phú Lễ, anh lại khề khà nhại lời bài hát… “Chiếc phà là nơi hò hẹn của đôi ta”…Hát rồi anh  vỗ đùi cười vang , tiếng cười và cơ mặt của anh  tràn trề sự viên mãn. Bây giờ Bến Tre đã có cầu. Cầu vẫn mang tên  Rạch Miễu. Vai trò của người hùng thầm lặng “Chở  cù lao” tạm thời khép lại, khép luôn  nổi khổ  đợi chờ  ngóng trông. Những lần đi qua cầu Rạch Miễu , tôi hay dõi mắt hướng về phía  nơi xa, nơi ngày xưa là bến Phà Rạch Miễu .Nhìn  nước sông Tiền lượn lờ về biển, màu nước sông vẫn vàng vọt  thường ngày . Viết tới đây tôi lại nhớ  người bạn già  nhà thơ La Quốc Tiến. Anh sống trọn một đời bên bến phà Rạch Miễu . Thơ anh nặng trĩu ân tình, thế sự . Có đôi lần tôi cùng anh còn ngẫu hứng, bá vai nhau ra bến phà uống rượu “văn chương”.Anh có những câu thơ như “giữ hồn” cho phà Rạch Miễu. Nhưng, hơn mười năm về trước, anh đã đi xa bằng riêng một chuyến phà! Để lại người thân mà anh vô cùng yêu mến, chàng Lục Vân Tiên thao thức giữa sông Tiền ?!

PHAN TẤN HÀ

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
Xem tiếp...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
Xem tiếp...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 19
Lượt truy cập: