Giải ngủ về lẽ ra đi kinh tế mới, tôi may mắn có bà con ở quê làm nghề kinh doanh nên dựa dẩm nương thân. Chú tôi có lò bánh mì ở Chợ Lách, Bến Tre nên tôi về đó phụ việc nhờ vậy có cơm ăn, cà phê uống và tiền mua sách báo. Năm 1980, theo anh em văn nghệ ở Vĩnh Long học đòi viết văn nhờ vậy nuôi dưỡng được cái sở thích viết báo của mình. Ở quê thấy nhiều điều trái tai gai mắt nên viết mấy chuyện nho nhỏ gửi báo tỉnh, báo Thanh Niên, móc lò cho vui vừa thỏa chí vừa có tiền cà phê.
Chuyện địa phương viết ra ắt huyện và tỉnh biết, nếu để tên thật thì hậu quả khó lường, bằng để tên khác thì không muốn (vẫn còn ham danh mà) nên lấy họ Trần ghép vào tên thật để đánh lạc hướng. Với bút hiệu này rôi viết hàng loạt tiểu phẩm trên Thanh Niên và những bài phóng sự cho báo Sài Gòn Giải Phóng.
Sống ở thôn quê đất ít khó khá được, buôn bán thì không vốn, có người bạn giúp đỡ sắm cho bè xăng ở khu vực chợ huyện, đưa xăng dầu bán kiếm lời. Tối ngày ở dưới bè, lúc ế ẩm thì viết bài gửi báo. Trong giai đoạn này, tôi quan sát và viết phóng sự về nghề hạ bạc (cào cá dưới sông) lấy titre là Nghề đâm Hà bá cũng gây tiếng vang.
Chợ Lách là xứ chuyên sản xuất hoa kiểng, cây giống nên tôi viết bài Nghề làm cây kiểng, bài này gửi báo Thanh Niên, chê không đăng, lấy gửi cho văn phòng đại diện SGGP ở miền Tây lại được đăng và được người phụ trách khen. Chừng đó mới biết, bài hay dở là do cảm nhận của người đọc nên không còn sợ hay mặc cảm chi nữa.
Năm 1994, tuổi đã vượt qua nguỡng “tứ thập nhi bất hoặc” biết mình không thể làm giàu được, kinh doanh thì bạn hàng mua đồ của mình chiếm dụng vốn không trả, chịu không nổi liền khăn gói tìm đường cứu bao tử.
Nhờ cộng tác với nhiều báo ở Sài Gòn nên cũng có quen với nhiều bạn làm báo , gỏ cửa tìm gặp nhà báo Hữu Nguyên , từng làm thư ký tòa soạn báo Thanh Niên khi anh ta mới 35 tuổi. Tôi hỏi Hữu Nguyên nếu tôi chọn nghề báo có thể sống được ở thành phố này không? Anh ta hỏi lại tôi: “Anh có thể viết mỗi tuần hai bài được không? Có máy ảnh không. Nếu được thì sống được. Tôi chưa từng làm việc với áp lực bài vở như vậy, nhưng nghe qua cũng gật gù nói được, chứ biết sao bây giờ. Máy ảnh thì không có, cái đó có thể mượn được. Thế là mỗi tuần tôi nộp cho Hữu Nguyên hai bài hoặc hơn, còn anh gửi đăng báo nào thì tùy anh. Lúc đó, anh được bốn tờ báo giao cho phụ trách bài vở về kinh tế.
Viết bài, đề tài thì tôi chọn. Sở trường của tôi là thị truờng, chợ búa, chọn mãng này tôi ít đụng chạm với ai và chưa đến chợ thì phân nửa tư liệu đã có sẳn trong bụng tôi rồi. Viết xong là tôi chạy lại nhà anh giao bài, giao hình rữa ở tiệm đem lại. Hồi đó đâu có email, nên toàn chạy xe đạp đem đến.
Bài tôi gửi, Hữu Nguyên chuyển cho báo Doanh Nghiệp, Vũng Tàu chủ nhật, tòa soạn đăng xong, khi có nhuận bút thì anh lãnh dùm chuyển lại cho tôi. Một bài viết khoảng 900 từ được một trăm đến một trăm hai chục ngàn đồng, nếu chăm chỉ cũng được tám trăm ngàn đồng/ tháng, tương đương hai chỉ vàng. Sống được.
Cộng tác với báo Vũng Tàu chủ nhật chừng hai tuần, thì nhà báo Nguyễn Triệu Hải, thư ký tòa soạn báo gặp tôi. Lúc đó tờ tuần báo này có lượng phát hành rất lớn, tôi đi công tác ở Bạc Liêu, Cần Thơ thấy có mặt ở các sạp báo vì nội dung của báo nghiêng về văn hóa, xã hội, kịch trường, độc giả thôn quê rất thích .. .Anh Triệu Hải bảo tôi, kể từ hôm nay làm việc trực tiếp với anh để anh đặt bài tôi viết phù hợp với tôn chỉ báo. Tôi không đồng ý vì không muốn mình đi ngang về tắt, trong khi mình đang cậy nhờ Hữu Nguyên. Anh Triệu Hải phải nói với Hữu Nguyên rằng làm việc thẳng với báo sẽ đỡ phải đi gửi bài lòng vòng , nhất là việc lãnh nhuận bút phải chuyển qua trung gian mà anh thì cũng không có hưởng phần trăm gì.
Không biết Nguyễn Triệu Hải nhận xét về tôi như thế nào mà những loạt bài đầu tiên anh đặt tôi toàn là văn hóa vùng Chợ lớn, anh nóí tôi có lối viết cà kê giống Sơn Nam nên khai thác tôi cho đúng với sở trường. Thế là loạt bài Chấn vản của người Hoa; Tìm trong thư pháp; Hát Hồ Quảng ở Chợ Lớn; Tôi đi xiếu dẹ …lần lượt đăng hàng tuần.
Tôi viết cho Vũng Tàu không được bao lâu, thì Hữu Nguyên được báo Con Thoi (Bộ Tài Chính) mời về làm nội dung cho báo, nhờ vậy tôi được theo về đây. Phải nói đây là dịp may, nhờ làm ăn thất bại ở quê nhà mới bước được vào làm báo một cách chính thức, chứ còn ở Chợ Lách dù có học đại học, tôi xin dạy cấp một hay làm nhân viên văn hóa quèn ở huyện cũng không ai nhận vì lý lịch đen ngòm.
Viết báo cho ngành tài chính lẽ ra phải tốt nghiệp ngành kinh tế – tài chính hay ngân hàng mới thích hợp còn tôi thì chỉ có chút kiến thức về văn hóa xã hội nên viết cũng khó khăn, phải đọc và tra cứu khá nhiều. Ngày xưa , nhờ ham đọc sách của TS Nguyễn Văn Hảo, Nguyễn Cao Hách nên cũng đủ để học thêm về kinh tế và thị truờng chứng khoán. Năm 2000, khi Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM mới hoạt động, Huy Nam một sinh viên khoa quản trị Kinh doanh Đại học Đà Lạt trở thành một chuyên gia lãnh vực này, được nhà nước và các nhà đầu tư trọng vọng, mời đi giảng dạy và thuyết trình các nơi. Tôi cũng tập tểnh vào nghề viết chứng khoán cho các báo. Thú nhận rằng viết báo mà không có bằng cấp, nói không “ linh” dù anh có nghiên cứu sâu và biết nhiều. Do vậy, không lấy gì làm lạ khi hàng khối người đi học để lấy bằng, có bằng thiệt, bằng giả không quan trọng, miễn sao có chữ TS trước tên mình là ngon rồi. Có nhiều vị tiến sĩ làm giám đốc cơ quan này, viện nọ nhưng ít ai biết bằng tiến sĩ của ông ta về lãnh vực gì !
Viết về thị trường chứng khoán lúc cao trào, một ngày tôi viết cho 6 báo, kết quả hàng ngày giống nhau nên chỉ cần sửa chút nội dung bên trong là được, nhuận bút không cao nên không ai giành “mảnh đất” khó ăn này, còn mình nhờ theo dõi một bảng , viết cho sáu báo nên cũng còn ngon ăn.
Viết báo mà bài của mình đọc rồi không ai nhớ, sáng xem chiều vứt với những con số thay đổi không ngừng, việc tiên đoán cũng không chính xác nhưng vì viết kiếm cơm nên phải làm, lại còn ngụy biện khi có ai vặn vẹo dự đoán không chính xác. “Nếu tôi biết chính xác thị trường tăng giảm thì tôi sẽ chơi chứng khoán nhiều chứ viết báo làm gì?”
Cùng thời điểm đó, thị trường có tờ Doanh Nhân Sài Gòn (DNSG), một tờ báo dành cho giới kinh doanh của Hiệp Hội Doanh Nhân TP.HCM ra hàng tuần, in ấn khá đẹp. Tổng biên tập báo là chị Minh Hiền, một nhà báo yêu nghề. Chị đặt tôi mỗi tuần viết về một chợ trong thành phố hay ở tỉnh, chợ càng xưa có nhiều chi tiết đặc biệt càng tốt và tôi nhận lời. Nhà báo Các Ngọc, phóng viên của DNSG cũng mê đề tài này nên đã cùng tôi giong ruổi khắp các chợ, từ chợ đầu mối đến chợ đêm, từ chợ thành đến chợ tỉnh.
Chợ thì chợ nào cũng giống như chợ nào, cũng có hàng bách hóa, vải vóc thời trang đến thực phẩm rau quả, thế thì có gì khác nhau mà viết. Đó là cái khó cho chúng tôi, phải viết về lịch sử hình thành của chợ. Những chợ lớn và lâu năm như chợ Bến Thành, chợ Bình Tây có cả trăm năm thì có sử liệu để tham khảo, còn những chợ nhỏ không có một dòng nào trong sách thì phải hỏi han các bậc lão thương trong chợ mà thôi. Rất nhiều người sống lâu ở chợ từ đời ông bà đến đời cha mẹ rồi con cháu. Ấy vậy mà họ có nhớ chợ xây năm nào đâu vì đó không phải là nhiệm vụ của họ. Mãi lo buôn bán kiếm tiền, còn việc xây dựng hay có dời chợ là công việc của chính quyền. Thế nhưng vẫn có cách để họ nhớ mốc thời gian. Chợ này xây lại lúc sinh ra đứa con gái lớn, năm nay nó 62 tuổi thì chợ có chừng ấy năm. Mỗi chợ có bán một loại đặc sản mà nơi khác không có, hoặc có mà không ngon. Có người bán bánh bèo, bánh chuối ba đời, nguời khác trong chợ bán không lại, bánh này không phải chỉ nổi tiếng địa phương mà các nơi lân cận khác cũng nghe tiếng.
Nếu chỉ nghiên cứu về chợ thì đâu có đủ tư liệu hay và hấp dẫn bạn đọc, khi viết cũng còn tìm hiểu về những tiểu thương đặc biệt của chợ mà người mua , kẻ bán ai cũng biết tên. Có người khi mới vào chợ chỉ có vài ngàn đồng làm vốn , vậy mà sau vài chục năm sống ở chợ đã có nhà lầu 3 tầng, lại thêm chi nhánh vì buôn bán có uy tín, hàng hóa chất lượng. Có những chợ dành riêng cho bà con ngoài Trung, ngòai Bắc như chợ Bà Hoa chuyên bán cho người Quảng Nam, Đà nẵng.
Viết về phố chuyên doanh cũng có cái thú của nó, như đến phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông mới biết thuốc nào thật, thuốc nào giả, thuốc từ đâu về và có những món mà thuốc Việt tốt hơn thuốc Tàu. Về chợ Hòa Bình mới biết đây là chợ bán dụng cụ thợ bạc và còn là nơi quy tụ của những người thợ làm mẫu sáp cho khuôn nữ trang. Hay đi đường Nguyễn Duy Dương mới biết nơi xi mạ những vật dụng gia đình. Ban đầu, bài viết chỉ để độc giả mua vui nhưng sau phải cung cấp thêm địa chỉ cho nguời tiêu dùng mỗi khi có sắm sửa hoặc sửa chữa đồ đạt trong nhà.
Nhà báo có rất nhiều loại, ở Việt Nam dân làm quảng cáo cũng gọi là nhà báo, viết báo có vài chục mãng khác nhau Thời sự, kinh tế, văn hóa, thể thao, kịch trường. Nguy hiểm nhất là viết về thời sự chính trị, những vấn đề mà chính quyền cho là nhạy cảm. Thực ra, cũng không có gì là nguy hiểm, vì những vấn đề đụng chạm thì thư ký tòa soạn hay tổng biên tập đã cắt đi rồi.
Là người tự trọng thì không nên xưng mình là nhà báo, vì nhà báo không phải là đệ tứ quyền như các nuớc tư bản, bênh vực quyền lợi cho người dân. Nhiều bà con ở thôn quê bị cán bộ xã lấy đất, hỏi anh có giúp gì được cho chúng tôi không? Nhiều khi thấy chuyện bất bình muốn ra tay, nhưng phải đọc kỷ hồ sơ đất đai, tình tiết vụ tranh chấp rồi viết cho một bài, đưa cho báo , mấy sếp không chịu đăng thì là công toi. Thực ra, cũng có nhiều báo (Pháp Luật, Thanh tra) đăng những vụ tiêu cực về đất về oan sai nhưng người ta cũng nghi ngờ tính trong sáng của nhà báo viết bài này, do vậy mà không ít nhà báo bị ngồi tù.
Lương Minh
(trích Đường về Quán Văn)
NXB Hội nhà Văn 2020