Hôm qua BS Sửu ở An Giang có hỏi tôi vài chi tiết về đình Sơn Định. Tôi sống tại Chợ Lách từ 1960 đến 1967 rồi rời khỏi nơi nầy, nên đầu óc già có quên, biết gì đâu mà nói. Mà thật ra lúc đó tôi là học sinh tiểu học, bước vào ngưỡng trung học đệ nhất cấp thì nào biết quan sát !
Nhắc chuyện hát cải lương xưa tại đình, hầu mong có người cùng thời còn nhớ nhắc lại vài chi tiết, nào ngờ người cùng thời, người lớn tuổi không vào phây, còn người nhỏ tuổi thì không biết ! Viết bài này cũng vậy, không hy vọng bậc trưởng thượng xem, nhưng cho đàn em sau này hình dung ra được vài cái hay ở quê hương mình.
Mặt tiền đình , sau lưng võ ca
Năm 1960, phía sau đình là khoảng đất trống để cỏ mọc, tụi nhỏ tôi chơi đùa trên sân này (gọi là Sân đình) , đối diện là cơ quan cái đồn lính, hàng rào tre giống như ấp chiến lược, sau 1975 trở thành cơ quan UBND xã Sơn Định trước khi chuyển giao cho Huyện Đoàn. Sân đình để có mọc thỉnh thoảng có đoàn chiếu phim đến chiếu các phim thời sự, phim tình cảm tâm lý chiến của VNCH cho bà con xem. Năm 1967, giữa sân có xây cái trụ để máy Truyền hình cho dân chúng coi miễn phí khỏi đến nhà hàng xóm.
Chơi đánh trận giả trên sân đình đôi lúc bất đồng, tụi nhỏ đứng thẳng người thề: Đứa nào nói dóc, sai trái cho ông thần Bình Sơn bẻ cổ. Đình thì đình Sơn Định mà thề với ông thần Bình Sơn cũng lạ đấy, mãi sau này xem địa chí tỉnh Vĩnh Long xưa mới biết. Tổng Bình Xương có 7 làng: Bình Chánh, Bình Sơn (Sơn Định) Phú Đa (cù lao nhưng là 1 làng) Phú Vĩnh, Phước Định ( gần cầu bắc Đình khao giờ thuộc xã Bình Hòa Phước), Tân Thạnh và Thới Định . (hình như phần đất Định Bình kênh cũ ?)
Thì ra đình này của làng Bình Sơn, tên này theo thời gian ít ai biết.
Phía trước đình hướng về rạch Cái Mít, qua bên kia là Bù Cạp (Phụng Châu) giờ có cầu đình. Phía bên trái đình là nhà khói. Đây là nơi để bà con trong làng có chỗ nấu nướng mỗi khi cúng đình. Nhà Khói cũng 3 gian dài khoảng 12 m , sâu 6 mét, Vậy mà tôi nhớ lúc đình Sơn Định sửa sang lại là có gánh hát bội vào hát ở nhà khói. Đoàn hát bội nhỏ nên hát kiếm cơm, khán giả lúc đó cũng giảm ghiền hát bội nên hát ở nhà khói mà đầy cũng được rồi. Trong nhà khói họ tận dụng ghế đẩu, chừng trăm cái ghế cho khán giả ngồi xem. Nhìn buổi diễn tôi thấy toàn là trẻ em , ít người già , ấy vậy mà ký giả Vũ Bình cũng bỏ áo vô quần ngồi xem một cách nghiêm túc. Ông Vũ Bình là ký giả của báo Tự Do, Buổi Sáng …ở Sài Gòn, có vợ là cô giáo tiểu học nhà ở gần đình. Ông lên lên xuống xuống Sài Gòn- Vĩnh Long chứ không ở thường xuyên Chợ lách. Sau dọn nhà về Vĩnh Long.
Nhìn một người trí thức ngồi nghiêm chỉnh giữa đám con nít ồn ào, tôi thấy mắc cười, mãi đến sau này gặp GS Đinh Bằng Phi, GS Hoàng Châu Ký thì tôi mới biết đây là loại hình nghệ thuật cao cấp.
Cách nhà khói không xa là quán cà phê ông Chín Vàng, đây là điểm tụ tập chuyện trò của người dân khóm 4. Mấy học trò nhỏ tiểu học như tôi, Phi Hổ, Văn Thông… cũng bày đặt chặp tối là lại đây thưởng thức. Tưởng ngon ư, ba –bốn tên mỗi đứa một ly xây bạc xỉu , uống hết rồi về không biết thú ngồi quán, không chuyện trò chi cả. Vậy mà không đêm nào thiếu cả.
oOo
Năm 1975 trở về lách, Phía sau đình bị chiếm xây một dãy nhà của cơ quan huyện và rồi sân đình bị xẻ ra manh mún. Đất đình là đất làng, xưa những nhà ở khu vực này hàng năm cũng đóng tiền cho làng thông qua cúng đình (?) Nay được phân bổ lại cũng không ai khiếu nại, chỉ có những kẻ hoài cổ thấy có vẻ thiếu thẩm mỹ mà thôi.
Phía nền quán ông Chín Vàng được xây dựng một chùa Ông Quan Đế, chùa này từ bên chợ Lách giải tỏa di dời qua. Đây cũng là một di tích hình thành Chợ lách, nhưng không thấy ai bảo tồn kể cả người Hoa ở địa phương. Con cháu Hoa Kiều bây giờ là người Việt hết rồi , họ không muốn quản lý cơ sở vật chất của tư chi cho mệt, khác với các Hoa kiều ở các chợ huyện khác. (mong các anh chị góp ý bổ sung và cho hình thêm)
Lương Minh
Cám ơn anh Lương Minh đã cung cấp thêm một số chi tiết liên quan đến đình Bình Sơn.
Bảng ghi tên đình bằng chữ Hán là “Bình Sơn Đình”, như vậy cái tên này đã có rất lâu rồi, không phải là “Đình Sơn Định” như cách nói thông thường của người dân.
Đọc đoạn văn bạn Minh Lương viết về hát bộ ở đình khiến tôi nhớ lần một lần rất lâu rồi có đi xem hát bộ trong một buổi cúng đình. Lúc ấy tôi nhìn những y trang và son phấn màu mè của đào kép trong khi nghe họ gân cổ vừa hát vừa hét vừa múa tay chân điệu bộ… rồi nhìn quanh đám khán giả hầu hết là con nít, tôi cảm thấy thương cho họ!
Tôi cảm thấy luyến tiếc cho một ngành nghệ thuật sân khấu sớm bị mai một!