Ngày trở lạnh, ngồi trong quán vắng, tôi thắm thía nỗi trống trải của kiếp tha hương, tôi nhớ gia đình, bè bạn, nhớ má tôi. Những lúc thời tiết thế này, má tôi thường nấu cho chúng tôi bữa cơm canh chua cá lóc ăn với kho quẹt.
Canh chua nấu bằng me trái, cá lóc đồng, giá, cà, bạc hà với khóm, canh nêm bằng muối và đường, người miền Tây ăn ngọt, canh chua nêm thật chua thật ngọt, nồi canh khi nhắc xuống khỏi bếp được cho rau om ngò gai và tỏi phi. Canh được chấm với nước mắm nguyên chất không pha, ăn phải có ớt cay, mùi nước mắm, mùi ớt, bốc lên khi chấm cá quyện trong mùi thơm của tô canh chua…”Trời không mưa tôi cũng lạy trời mưa…”
Thịt kho quẹt làm theo cách đơn giản. Thịt, mở xắt hạt lựu, chấy vàng, tỏi phi vàng, để ra tô riêng, cho nước mắm vừa phải, tiêu, ớt, đường vào nồi thắng lên hơi xệch, cho thịt, tốp mở vào, chấy cho cạn xong cho chén tỏi phi vào, món kho quẹt thành công góp phần vào công cuộc tống tiễn món canh mau hết…
Hôm trước ra Hà Nội, tôi cũng bắt chước má tôi làm cho bọn trẻ món canh chua và thịt kho quẹt này. Rồi mùa đông Hà Nội cũng sẽ có những đứa trẻ ngồi nhớ má, nhớ nồi canh chua kho quẹt như tôi.Hơn trăm cây số từ Saigon về Sađec khi đến cầu Mỹ Thuận dù đã đi, về suốt hơn ba mươi năm nay nhưng lòng tôi vẫn còn nguyên vẹn một cảm xúc như ngày đầu về lại nhà. Ngày rời quê lên thành ăn học, tôi không nghĩ rằng tôi sẽ xa mãi vùng đất thân thương này
Đến cầu Cái Xếp, xe dừng cho tôi ăn xế, quán hủ tiếu Văn Vĩ có tiếng xưa nay, từ ngày tôi chưa lấy chồng, quán ở bên vệ đường cập theo tường chùa Ông Quách trong thị xã, bây giờ quán lưu lạc về đây. Hương vị đặc trưng của món hủ tiếu Sađec là nấu bằng xương ống, tôm khô, khô mực và củ sắn…Cọng hủ tiếu tươi dai, mềm và thơm…ăn no mà không biết ngán…!
Sađec còn có thêm món mắm cá linh của dì Sáu Chi, bánh phồng tôm Sa Giang và bột Bích Chi…
Trời xuống thấp, đến cầu Xã Vạt nhìn qua bên kia ẩn hiện mấy cái lò gạch bỏ hoang. Dọc hai bên đường người ta quét lá…lá khô, lá tươi gom lại đốt lên một ngọn lửa nhỏ yếu ớt từ đó một làn khói xám bay cao lẫn vào cùng đám khói bếp từng nhà, mùi lá cháy thơm…mùi của thời trẻ dại
Nếu về quê nhằm mùa gặt, đồng lúa trơ gốc rạ. Chiều chiều đạp xe chạy dọc theo đường làng ôm quanh ruộng ngắm mặt trời xuống thấp sau làn khói rơm người nông dân đốt đồng lấy màu cho vụ kế
Tôi thích ngửi mùi thơm rạ cháy và mê mẩn nhứt là mùi cá nướng lửa rơm. Bạn bè về thăm quê tôi luôn được thiết đãi món cá lóc nướng rơm tự tay tôi làm.
Cá lóc tát đìa hoặc đi câu ở bờ sông, mỗi con nặng chừng nữa ký hơn…đem về rửa sạch với nước muối. Để nguyên con cắm vào miệng cá một cây sã và một cọc tre. Dọn một chỗ đất phẳng khô ráo lót phía dưới mặt đất ít que củi, trải rơm lên…ta cắm cọc cá thẳng đứng trong đóng rơm, chất rơm phủ lên cá…đốt lửa nướng, ăn mấy con nướng mấy con, nóng mới ngon và thịt cá rất thơm…Mùi cá khét cháy quyện với mùi thơm của rơm ta hít lấy hít để mà nước miếng chảy ròng như trẻ đang độ…mọc răng…!!!Trong lúc chờ cá chín, ra sau vườn hái mớ đọt xoài, mớ đọt bằng lăng, ít lá mơ, lá cách, bước qua mé mương ngắt mớ húng lủi, mấy nhánh húng huế, nắm lá giấp cá…trở vô nhà ngang cây ớt hái vài trái đỏ trái xanh
Ngâm rau vô thau nước cho chút muối rồi đi đâm tỏi ớt, ai ăn chấm nước mắm tỏi ớt thì ăn, tôi ăn với nước chấm cơm mẻ..Món cá lóc nướng rơm ăn phải có chút rượu nếp mới thì bắt lắm…Còn ăn mà uống bia thì không thú bằng…
Đây là một trong những món ăn dân dã, lúc nông nhàn, khi mùa lúa đã xong, người nông dân rảnh rang và thư thái…Món này khi ăn ngồi giữa trời, chung quanh là mấy cây dừa thấp lùn trĩu quả cạnh con rạch nhỏ chạy ngang qua hông nhà…gió chiều thổi vi vu như gọi màn đêm xuống…
Có đi cùng trời cuối đất, tôi vẫn luôn muốn trở về. Tôi nhớ mùi thơm rạ cháy..
Khi xe đi vào trong thị xã, tôi hay nghiêng người nhìn những hàng cây, sau hàng cây thấp thoáng vài ánh đèn đã bật sáng, lòng tôi nôn nao như ai giục giã gọi về mau cho kịp buổi cơm chiều.
Dù đi bao xa, ở bao lâu, lớn ngần ấy tuổi nhưng khi trở về nhà tôi vẫn mang hình hài và tâm hồn của đứa con lưu lạc
Bài và ảnh Kiều Phương