Bình Minh, con gái cưng của ba! Thiệt tình, nếu như con không theo nghề y thì ngày hôm nay, 27/2, với ba chắc cũng bình thường như bao ngày kỷ niệm khác trên đất nước mình. Nhưng “lỡ” con đã gắn với nghề ấy rồi, nên với ba cái ngày này tự nhiên có cái gì khang khác. Ba tự nhủ trong lòng: chà, cái ngày này là ngày của con gái tui đây mà…
Vậy là bác sĩ Nguyễn Khoa Bình Minh, con ba, đến nay cũng đã có đến 12 năm thâm niên trong nghề chớ bộ. Nhớ hồi tốt nghiệp xong chương trình bác sĩ đa khoa trường Đại học Y Dược TP. HCM năm 2008, con về hỏi ba nên đi xin việc đâu, ba nói cứ nộp đơn ở đâu con muốn, có điều khi người ta chất vấn mình thì mình nên trả lời một cách chân thật chớ đừng có nói dóc. Vậy là con mình ên vác hồ sơ đi quanh Sài Gòn. Tới BV Việt Pháp chưa nộp hồ sơ đã biết “ao” (out): tiêu chuẩn vào đây, ngoài rành tiếng Pháp (điều này mà ráng thì chắc cũng khắc phục được) còn phải có tay nghề ít nhứt 5 năm, điều này thì bó tay vì con đã có phút hành nghề nào đâu. Cũng may, không lâu sau đó, BV Nhi đồng 2 TP.HCM có nhu cầu tuyển người và con may mắn được lọt vào mà không phải dựa vào một sự nhờ vả nào hết. Cái may mắn ấy rất tức cười như lời con kể lại. Sau khi lọt qua vòng thi viết, con phải đối mặt với vị chánh chủ khảo (CCK) trong vòng chất vấn. CCK: Còn cái cô này ở Bến Tre sao không về quê hương phục vụ mà ở lại đây. Con: Dạ thưa, em nghĩ ở đây em sẽ có nhiều thử thách để có nhiều kinh nghiệm hơn. Với lại em cũng nói thiệt, em ở lại đây để lo cho đứa em trai em sau này lên đại học nữa… CCK bật cười… và sau cái bật cười ấy, con thành con cá vượt… vũ môn!
Nhưng niềm tự hào thầm lặng và lớn nhứt trong lòng ba về con là con vẫn bền bĩ giữ vững lòng yêu thương con người trong tiến trình hành nghề. Ba nhớ có lần con vừa điện thoại cho mẹ vừa khóc ròng vì bất lực khi không thể góp phần cứu sống cho cháu bé 12 tuổi nhà ở quận 5. Tiền nhà cháu ấy không thiếu để chi phí cho điều trị nhưng có những trường hợp y học phải bó tay. Ba quý những giọt nước mắt của con, vì con đã không quay lưng lại với nỗi đau của con người. Đối với một thầy thuốc, bệnh nhân là bệnh nhân, không phân biệt người ấy giàu hay nghèo. Đó có phải là tinh thần của Hippocrates, ông tổ của ngành y. Vì vậy, sau đó, ba không ngạc nhiên, khi ba làm nghề viết báo, con đã không ít lần nhờ các anh, các chú ở Báo Thanh Niên đến BV Nhi đồng 2 viết bài phản ảnh tình cảnh nghèo khó của không ít bệnh nhi để nhờ sự hỗ trợ của cộng đồng vào việc điều trị có hiệu quả cho các bệnh nhân ấy. (Nhân đây, với tư cách 1 người cha của con gái tôi, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến quý báo Thanh Niên đã hỗ trợ cho con gái tôi được thể hiện vai trò 1 bác sĩ đúng nghĩa, trong đó đặc biệt cảm ơn quý nhà báo Trần Thanh Bình,, Huỳnh Thanh Đông….)
Điều cuối cùng ba muốn nói ở bài viết này là ba biết ơn mẹ con đã sinh ra con cho ba, mẹ cũng rất nhạy cảm khi đặt tên con là Bình Minh. Ba cũng biết ơn con khi con góp phần dạy cho ba bài học về lòng thương người là chỗ dựa vững chắc để dù có lận đận, lao đao bao nhiêu, ba cũng xứng đáng là ba của con.
Ba hôn con
Nguyễn khoa Chiến
ảnh Tác giả