Ở miền Nam có nhà văn Ngọc Linh viết tiểu thuyết hay, các tiểu thuyết của ông đăng nhiều kỳ trên các nhật báo lớn, ông là nhà văn có nhiều tiểu thuyết dựng thành vở tuồng cải lương, phim…như : Nắng sớm mưa chiều, Ngã rẽ tâm tình, Bây giờ em ở đâu, Yêu trong hoàng hôn, Đôi mắt người xưa….sau 1975 ông lại là soạn giả tuồng cải lương…Trong số các tiêu thuyết này, tôi thích nhất quyển Trên sông hoàng hôn, quyển này lại được các trường trung học cho phép học sinh thuyết trình trong lớp….Trong truyện có một số địa danh như chợ Vĩnh Long, cầu Thiềng Đức, làng Bình Hòa Phước….Chợ Vĩnh Long thì tôi biết, nhưng cầu Thiềng Đức và làng Bình Hòa Phước thì chưa có dịp đi ngang …. Nước chảy, bèo trôi…
đến năm 2011 nước đưa cánh bèo trôi về đến xã Tân Thành Bình (Mỏ Cày bắc), xã Minh Đức (Mỏ Cày nam), đi ngã Vĩnh Long qua phà Đình Khao đi ngang cây cầu Thiềng Đức, qua phà là đến làng Bình Hòa Phước ….Khi ngang qua hai nơi này thì nhớ ngay đến anh Thọ, cô Dung, cô Hà Anh….các nhân vật trong “Trên sông hoàng hôn”, cũng như khi đến cầu Tân Ngãi, nhìn chợ Trường An nhớ ngay anh kép Út Trà Ôn và cô đào Bạch Tuyết vậy….. Mỗi sáng uống cà phê ở Láp Vò với anh Năm Triều, cựu giáo chức, anh khoe có làm sui ở Cái Mơn, tôi xin địa chỉ làm quen…sui gia cũng là thầy cô giáo : anh Quang, chị Hà. Tôi ghé chơi đôi lần, có lần dẫn đoàn khách Long Xuyên sang chơi…. Chụp ảnh lưu niệm tại tấm bia sinh ông Trương Vĩnh Ký . Ghé Cái Mơn mua ít cây giống, hoa kiểng… Giữa năm 2016, cánh bèo tôi gặp phải giề lục bình to tướng là Lương Minh, Kha Tiệm Ly…ở nhà hàng Cò Lã ( khu chợ Bà Chiểu) dịp nhà văn Vũ Ngọc Tiến từ Hà Nội vào họp mặt bạn bè ra mắt bỏ túi quyển tiểu thuyết Quỷ Vương. Hai người bạn mới quen ở gần tôi nhất là Lương Minh (Chợ Lách), Kha Tiệm Ly (Mỹ Tho)…kết bạn vào dịp đó,… Đầu năm 2017, Lương Minh rũ về Long Hồ (Vĩnh Long) dự họp mặt cựu học sinh trung học Tống Phước Hiệp, rủ thêm Ngô Khắc Tài…năn nĩ miết, anh ta mới chịu đi, lý do là không quen biết ai cả, đến đấy kỳ lắm, không ngờ đến đấy bạn quen thân của anh ta lại nhiều quá, nhà thơ lão thành Phong Tâm (Cái Mơn), vợ chồng nhà văn Ngọc Hiệp – Ngọc Hải. Tôi thì chỉ quen mỗi Lương Minh mà thôi….Biết anh Phong Tâm ở Cái Mơn, là nhà giáo, tôi hỏi thăm cặp nhà giáo Quang – Hà…anh Phong Tâm : “À ! cặp này thân lắm, họ nên vợ chồng là nhờ tôi đấy” Qua buổi họp mặt có quen thêm số mới như Ngọc Minh, Phi Rôm, Tiểu Miêu, mỗi lần về Mỏ Cày, khi có Lương Minh ở Chợ Lách thì ghé lại mang theo chai rượu cà na, vợ chồng chủ nhà thì mồi màng và luc nào cũng có thêm nhà văn Đào Ngọc Vinh, nhà gần đó…. Đầu tháng 5/2017, tôi từ Mỏ Cày về ngang Cái Mơn, ghé thăm anh Phong Tâm , được anh giới thiệu ở Cái Mơn vừa xây xong trường trung học Trương Vĩnh Ký. Hôm đặt tượng ông Trương Vĩnh Ký có nhà sử học Dương Trung Quốc về dự…Tôi và anh đi bộ đến trường, được mấy thầy giáo mời uống trà và chụp hình lưu niệm…Nghĩ mà thương cho ông Trương Vĩnh Ký, một nhân tài của nước Việt Nam, tuy ông làm quan cho Pháp, nhưng ông góp phần rất lớn trong việc phổ biến chữ quốc ngữ, vậy mà sau này xem ra hễ ai làm quan cho Pháp đều có vấn đề cả, con đường và cả cái trường to đùng mang tên ông ở Sài Gòn nhường lại cho ông Lê Hồng Phong, ở Long Xuyên của tôi thì Trương Vĩnh Ký sang lại cho bà Nguyễn Thị Minh Khai…..
Bạn Chợ Lách mới kết được bấy nhiêu, đến tháng 10/2018 đến nhà Lương Minh chơi lần nữa gặp được số cựu học sinh Chợ Lách như : anh Trần Văn Ngoạn, anh Phạm Văn Hòa, anh Bửu, chị Kim Ngọc, chị Đoàn Thị Ngọc Phấn. Bữa tiệc nhẹ nhàng, ấm cúng. Chia tay chị Ngọc Hà , Chủ tịch hội cựu giáo chức xã Vĩnh Bình tặng Giai phẩm Xuân 2018….
Trong Giai phẩm Xuân của Hội Cựu giáo chức Vĩnh Bình có thấy cái này nè …. thật đáng khen và đáng phục vì ở cấp xã mà lam ấn phẩm không thua báo ngành của tỉnh. À ! Chị Kim Ngọc và Đoàn Thị Ngọc Phấn là tốp học sinh trường trung học Chợ Lách đầu tiên, sau đó tốt nghiệp Sư phạm về dạy tại trường đến khi về hưu….Khoa Văn đấy quí vị ạ ! Tôi thì nghĩ học sớm (thi rớt Tú Tài 1), nên không được làm nhà giáo, lại không phải nhà văn…nhưng thích văn thơ nên đeo theo mấy vị nhà văn, nhà thơ học hỏi và viết cho vui …. Toàn tập, nhiều bài thơ, có bài “Nỗi lòng cô giáo về hưu” của cô Lê Thị Ri , làm tôi xúc động, nhớ đến anh bạn già thầy giáo Hồ Văn Ưng, ở Long Xuyên, ở Hội Cựu giáo chức trường TH Thoại Ngọc Hầu , khi về hưu, anh ta cũng có bài “Phút 89”, xin đăng lại 2 bài thơ này ….
NỖI LÒNG CÔ GIÁO VỀ HƯU. của Lê Thị Ri.
Tôi đi dạy học sớm chiều.
Nắng mưa nào quản, ít nhiều nào than!
Mái đầu đã nhuộm thời gian.
Vẫn chồng sách vở trên bàn đêm khuya
. Ngọn đèn ơi, hãy sớt chia.
Nỗi lo văn bàn, lời phê của người.
Nầy xe đạp cũ, xe ơi !
Giúp ta đi trọn cuộc đời tiếp theo.
Dù đưa trẻ qua cầu treo.
Riêng mình cuộc sống ngặt nghèo khó quên.
Dẫu nhiều gian khổ kề bên.
Mà lòng vẫn nhớ, không quên mái trường.
Lặng nhìn lớp trẻ mến thương.
Lòng nghe quặn thắt, tình vương không lời.
Bạn ơi ! Đồng nghiệp ta ơi !
Duyên nghề trong sáng, muôn đời vẫn lưu.
Hôm nay ở tuổi về hưu.
Mà sao cứ thấy luyến lưu ngôi trường .
LÊ THỊ RI.
Còn đây bài thơ
“Phút 89” của Hồ Văn Ưng .
Buổi coi thi cuối cùng trước ngày về hưu.
Phút 89 ta đứng trên hành lang vắng.
Coi thi phòng 14 – 20.
Nắng gợn sóng , sân trường im ắng .
Có con chim nghiêng cánh lưng trời.
Phút 89 ta đứng trên hành lang vắng.
Nhìn qua song phấn trắng, bảng xanh.
Nhìn dòng sông lơ lửng uốn quanh.
Ta chợt thấy bước mình đi rất nhẹ .
Phút 89 ta đứng trên hành lang vắng.
Nhìn các em thi bất giác ngậm ngùi.
Ba mươi chín năm tưởng dài, bỗng ngắn.
Đường me xanh loáng thoáng tiếng cười vui.
Phút 89 ta đứng trên hành lang vắng.
Bước phân vân nghe trống đổ dài .
Xin cám ơn phút cuối cùng 89.
Trôi chậm rì như một buổi quá men cay
HỒ VĂN ƯNG.
21/3/2019
Trịnh Kim Thuấn.
H1 anh Phong Tâm và tác giả ở trường Trương Vĩnh Ký
h2 Trước bia sinh Truơng Vĩnh Ký
h3 Trần Văn Ngoạn (NK64) Trịnh Kim Thuấn, Bửu (BHP) Lương Minh
h4 các cô cựu giáo viên Vĩnh Bình
h5
Tui có ghé nhà hàng Cò Lã đôi lần. Bây giờ hỗng biết còn không.