Tôi đến Thị xã Rạch Giá vào một buổi chiều. Sau khi trình Sự vụ lệnh cho Ty Tiểu Học xong, tôi tới ngay Trường Trung Học Tư thục Phó Điều, lúc đó khoảng năm giờ rưỡi chiều, cổng trường đã đóng, vắng hoe. Tôi đang bối rối chưa biết phải làm sao thì có một cụ ông hơn 70 tuổi đang hớt trứng nước và lăng quăng để nuôi cá , thấy tôi đang đứng xớ rớ ông hỏi, cháu muốn tìm ai?
Tôi trả lời, dạ cháu muốn tìm ông Lê . Ông nói : Tan học rồi, chắc nó đi đâu đó .
Đợi mãi nhưng ông Lê (ông chủ trường) vẫn chưa về . Ông cụ xếp vợt lại và đi vào một quán nước gần đó, ông gọi tôi : – Cháu vào đây ngồi chờ .
Vâng lời ông, tôi đi vào . Ông kêu hai ly trà đá chanh đường , một cho ông và một cho tôi . Ông bắt đầu hỏi chuyện : – Cháu ở đâu ? Tìm thằng Lê có việc gì ?
Tôi nói : – Dạ cháu học ở trường Sư phạm Vĩnh Long , mới trình Sự vụ lệnh xong , tìm ông Lê để xin nghỉ tạm .
Nghe tôi nói xong, ông liền thay đổi cách nói : – Vậy sao. Quê của toa ở đâu ? Toa quen với thằng Lê lâu chưa ? v.v……
Sau đó ông bắt tay từ giả tôi và nói : – Toa cứ ở đây đợi nó, moa mới gặp nó hồi nảy, thế nào rồi nó cũng về, chỉ không biết sớm hay muộn mà thôi.
Và rồi tôi cũng gặp được người cần gặp. Ông ấy tên Lê , chủ trường nầy . Trước đây tôi có thằng bạn tên Quang là người Kiên Giang , hai đứa cùng thuê một căn gác ở dốc cầu Thiềng Đức, thỉnh thoảng ông Lê tới thăm thằng Quang nên tôi quen biết ông từ đó, ông Lê gợi ý :”Chừng nào mầy ra trường thì xuống sống với tao” . Lúc đó tôi ậm ừ cho qua chuyện , không ngờ hôm nay là sự thật. Sau khi ổn định bên trường Tiểu Học xong (trường cách Thị xã Rạch Gía 6 km)Tôi được phân công dạy lớp Nhứt, mỗi ngày dạy một buổi ) . Ông Lê đề nghị tôi làm tạp vụ trường Phó Điều (trường tư) với thời gian còn lại . Nói là tạp vụ chứ thật ra tôi chỉ quanh quẩn văn phòng như đánh máy hoặc tiếp khách mỗi khi ông đi vắng . Trường nầy cũng khá qui mô, có từ Đệ thất tới Đệ nhị , mỗi cấp có 2 lớp và học sinh của mỗi lớp trên dưới 55.
Văn phòng chỉ có một thư ký làm nhiệm vụ : nhận đơn , thu học phí , phát lương cho giáo viên. Một ông giám thị và một bảo vệ gác cổng. Ba hôm sau,tôi gặp được ông cụ hôm trước ở văn phòng trường . Ông bắt tay tôi rồi hỏi : – Sao toa , mọi việc ổn hết rồi chứ ?
Lúc đó ông Lê cũng có mặt , ngạc nhiên hỏi : – Uả, thầy biết thằng nầy sao ? Ông cụ cười và nói : – Moa biết nó nhiều hơn toa nữa đó
Mấy hôm sau ông Lê giao thêm cho tôi một công việc mới, đó là xếp Thời khóa biểu . Tôi nhận lời ngay vì nghĩ rằng việc nầy chẳng khó khăn gì . Nhưng khi bắt tay vào việc mới biết việc đó chắng dễ dàng chút nào, rất khó khăn và phức tạp .
Bây giờ thì tôi mới biết : Ông là Trần Thanh Vân , nguyên Hiệu Trưởng trường Trung học Nguyễn Trung Trực (Trường Công Lập của tỉnh Kiên Giang) đã nghỉ hưu. Thầy cho mượn pháp nhân làm Hiệu trưởng để xin mở Trường TH Phó Điều .
Ở Thị Xã Rạch Giá có 4 trường trung học : Trường Công lập Nguyễn Trung Trực , Trường Bán công Lâm Quang Ky, Trường TH Thanh Bình ( Công giáo) và cuối cùng là trường trung học Phó Điều . Ngoài trường Công lập ra, không có trường nào có giáo sư cơ hữu cả, nghĩa là việc giảng dạy phải nhờ các GS ở trường Nguyễn Trung Trực. Các vị nầy dùng thời gian còn lại để cộng tác với mấy trường kia , như vậy phải xếp vào những giờ còn trống . Vào thời điểm nầy thời khóa biểu cứ thay đổi liên tục , có khi một tháng 2- 3 lần .Cứ mỗi khi có giáo sư mới đổi về hoặc có thầy đi quân dịch v.v…thì lại phải xếp lại thời khóa biểu . Khổ nổi các trường tư muốn thu hút hoc sinh thì phải thuê mấy thầy dạy hay, có tiếng .Thành thử thời gian của họ rất là eo hẹp . Cái khó tiếp theo đó là khi có thay đổi thì họ lại dành ưu tiên cho mấy trường kia xếp trước ,còn trường Phó Điều thì xếp sau cùng , phải xếp đúng giờ thì mới dạy được , có khi nhận thời khóa biểu trống chiều hôm trước tôi phải thức cả đêm để hôm sau việc học của các em không bị gián đoạn .
Trở lại vấn đề của thầy Vân, thầy ít tới trường lắm , mọi hoạt đông nhà trường do một mình ông Lê lo liệu. Thầy Vân chỉ có ký tên mà thôi. Mỗi tuần thầy chỉ đến trường hai lần và mỗi lần hai giờ . Thầy đến không phải để điều hành mà để dạy lớp. Thầy dạy sử địa hoặc Vạn vật cho các lớp đệ thất , đệ lục .Thời lượng cho mỗi lần lên lớp là hai giờ. Nhưng thầy chỉ dạy nổi 1 giờ rồi xuống văn phòng ngồi thở dốc , có một lần tôi mạnh dạn hỏi thầy: – Trước hết con xin lỗi thầy . Con thấy hoàn cảnh kinh tế của thầy không đến nổi nào , sao thầy đi dạy chi cho vất vả vậy ?
Ông cười rồi đáp : – Tại toa mới vào nghề nên không biết , chừng nào toa ở vào tuổi của moa thì toa sẽ hiểu . Còn moa ngày nào không gặp được mấy đứa nhỏ hình như bửa đó ăn cơm không ngon. Mặc dù nghỉ dạy hơn 30 năm nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn mơ thấy mình đứng trên bục giảng . Bây giờ thì tôi mới thấm thía câu nói của thầy .
Các giáo sư mỗi khi gặp thầy đều xưng là Con và chào một cách trân trọng , còn thầy thì xưng moa và gọi toa (gs Nam) . Thầy thường nói với tôi rằng : “ Theo moa, thì sự giàu có hoặc văn bằng, học vị cao chưa chắc được người ta tôn trọng , nếu có thì chẳng qua đó là biểu hiện bên ngoài mà thôi. Cái quan trọng nhất vẫn là nhân cách . Lời nói của thầy, tôi còn nhớ mãi đến ngày nay.
Lê Tấn Lực
Đệ thất NK1960
Ảnh chỉ có tính minh họa
Con chào Thầy,
Thật sự xúc động khi vô tình đọc được 1 bài viết về Thầy Trần Thanh Vân- ông Ngoại của con
Con là Nghĩa, cháu Ngoại thứ của Thầy Vân, hiện đang làm việc ở phòng khám Victoria trên Sài Gòn. Làm việc xa nhà nhưng con luôn hướng về quê hương Rạch Giá nơi còn rất nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Con sinh năm 1982- năm mà gia đình con phải vĩnh viễn không còn gặp được Thầy Vân, khi lớn lên ở địa phương, con được nghe nói rất nhiều về ông Ngoại mình, như Thầy là 1 người Thầy mẫu mực, rất thương yêu học trò đặt biệt là những học trò nghèo không có điều kiện học. Ông Ngoại con nhận nuôi rất nhiều học trò. Có lần con nghe kể, vì thiếu tiền chợ cho học trò ăn, ông bà Ngoại phải bán đi 1 ít đồ trong nhà để trang trải cho việc này vì sợ học trò mình thiếu cái ăn không tập trung cho việc học. Thầy Lê (con kêu bằng Bác ạ) cũng theo gương ông Ngoại, sau này Bác cũng nuôi nhiều học trò nghèo theo cái cách như thế.
Thiết nghĩ nhờ những người Thầy đáng kính như Ngoại con và Bác Lê mà sau này thế hệ học trò mới tin yêu ngành giáo dục nước nhà Thầy nhỉ?
Hầu hết những kỷ niệm của ông Ngoại con đều được kể lại từ các tiền bối trong ngành giáo dục. Việc con tự hào nhất là ông Ngoại con là 1 trong 5 người kêu gọi trường Trung Học đầu tiên của Rạch Giá đó là trường Nguyễn Trung Trực.
Một lần nữa con xin chân thành cảm ơn những tình cảm mà Thầy dành cho ông Ngoại của con
Mong có dịp gặp Thầy
con, Nghĩa!