Trung Học Chợ Lách

VỚI KHỔNG HUỲNH PHONG

Ngày đăng: 24/01/2015, 4:40 chiều, ý kiến phản hồi (4)

  Khổng Huỳnh Phong là một cây bút văn xuôi quen thuộc của Tạp chí Hàm Luông. Anh mất cách đây gần 5 tháng ở tuổi 46. Sự ra đi của anh là niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, nhất là bạn bè văn chương của anh. Ngọc Vinh là một trong những người bạn gần gũi, thân thiết với anh nên có bài viết về những kỷ niệm với anh. Xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết này.

     Anh ghé nhà tôi, cởi giày, lột vớ bưng cái rỗ bằng tre cũ lom khom hái mớ rau tập tàng bên hông nhà. Anh ở trần mặc quần dài… Tổi hỏi: “Hái rau làm gì?”. Anh nói, mơ hồ: “Nấu canh hến!”… Và tôi giật mình thức giấc. Một giấc mơ cách ngày Khổng Huỳnh Phong qua đời chừng hơn nửa tháng. Một giấc mơ ngắn nhưng khi tỉnh dậy đủ làm tôi bần thần, đủ để từ đó tới sáng tôi không ngủ lại được. Bao nhiêu kỷ niệm với anh cứ ầng ậc tràn về, nó thôi thúc tôi phải viết một cái gì đó về anh nhưng gỏ được vài chữ thì sựng lại không thể tiếp tục. Tôi không biết có phải do cái dấu ấn về anh quá lớn, hay trong sự hỗn loạn của thời khắc hoài niệm làm tôi mất tập trung mà ngồi hoài vẫn không viết được một chữ nào. Và bây giờ. khi mọi chuyện đã được an bày, đã qua đi, đã lắng xuống, tôi có đủ bình tỉnh để  ngồi mà nhớ những kỷ niệm với anh trong hơn mười năm qua.

     Anh tới chơi với anh em văn nghệ sớm hơn tôi, biết nhiều hơn tôi, trải nghiệm nhiều hơn tôi và chắc cũng… buồn nhiều hơn tôi! Tôi gặp anh khá lâu ở Hội văn nghệ (lúc đó còn ở số 6 Lê Quí Đôn) nhưng lần nào gặp cũng chỉ là những cái gật đầu xã giao, rồi thôi. Một hôm, trên tấm bảng ngay phòng trà của Hội phát đi một tính hiệu từ anh Từ Văn Hà: Tâm (một mủi tên) Táo. (Tạm địch là Tâm đến quán Cây Táo). Tôi thấy những người ngồi đọc báo chung lần lượt xách xe chạy đi. Anh Phong là người cuối cùng, anh nhìn tôi một cái thăm dò và hình như anh biết tôi đang buồn nhưng vẫn lên xe phóng đi. Anh đi, còn tôi ở lại một mình cảm thấy hụt hẫng, buồn tẻ nên định ra về thì chợt thấy anh quay lại:

     – Đi, lên chở lại đây chơi!

     Đó là quán Cây Táo. Tại đây có ba người đang ngồi uống rượu với mấy cái hột gà

sát và dĩa đậu phọng rang. Ngoài anh Từ Văn Hà tôi gặp hôm Tết nguyên đán còn có Tâm Liên Xô và Hắc Sơn. Đây là lần thứ hai tôi đến cái “địa danh” nhiều giai thoại này của giới văn nghệ sĩ Bến Tre sau cuộc hội ngộ với các “bạn già” hôm Tết (có Tô Nhược Châu). Thấy tôi ngồi ngây ra chưa chịu nhập cuộc, Khổng Huỳnh Phong thúc:                                             

     – Chơi đi, anh em văn nghệ không mà ngại gì!

     Nói vậy nhưng anh vẫn chủ động “dẫn” tôi vào cuộc bằng những cái cụng ly chân tình. Sau này, trong những cuộc nhậu tôi có nhắc lại chuyện này, anh nửa đùa, nửa thất:

     – Lúc đó thấy mầy ngồi, rầu thấy mẹ, nhờ Từ Văn Hà nói: “nó biết uống rượu” mới quay về chở mầy chứ nhìn mầy là thấy không ham!

     Khổng Huỳnh Phong là vậy, thẳng thắn, bộc trực không kềm chế đối với những người bạn thân. Anh tự tin khi nhận xét một vấn gì đó, phản biện một lập luận nào đó và bảo vệ nó một cách dứt khoát có khi hơi bảo thủ. Xong, anh cũng chủ động nhượng bộ khi những tranh luận nhỏ có nguy cơ trở thành một cuộc cải vã lớn rồi giải quyết nó bằng cách láy câu chuyện sang một hướng khác rất thông minh.

     Thời gian đầu tôi quen anh, anh còn đi tiếp thị sing – gum và trọ ở Mõ Cày. Lúc này anh còn gầy gò, “mỏng manh” nhưng tươm tất. Tươm tất luôn là tiêu chí quan trọng trong giao tiếp của anh ( có lẽ đó cũng là một trong những lý do anh tạo ấn tượng tốt cho những đối tượng làm việc của anh để anh luôn thành công dù ở lãnh vực kinh doanh nào” và anh tuân thủ nó nghiêm ngặt trong tất cả các cuộc ngoại giao. Anh ham làm việc nhưng cũng ham chơi. Cật lực với công việc tiếp thị để kiếm tiền nhưng hễ buông ra là anh chơi, chơi một cách hào sảng phong trần, chơi buông tay, chơi trượng phu với anh em bè bạn. Và, hình như anh là người luôn chủ động trong các cuộc chơi, luôn biết “vẽ kế hoạch chơi” cho bạn bè. Thí dụ như đi nhậu ở đâu cho vừa túi tiền, gọi ai, từ chối ai, ai hùn tiền vào, hùn bao nhiêu… Cũng chính trong những cuộc chơi đó tôi mới nhận ra cá tính của anh, bản ngã của anh để dần dần quí anh vốn không có nhiều ấn tương trước đây.                                                            *

     Khi anh giao việc tiếp thị sing – gum cho người cháu để đi bán bảo hiểm nhân thọ, tôi nhiều lần có dịp cùng đi tiếp cận khách hàng với anh. Tôi học được ở anh tính cách chịu khó chờ đợi, chịu khó lắng nghe, thậm chí chịu khó đón nhận thái độ lạnh lùng của khách hàng. Tôi có giới thiệu cho anh một số khách hàng, trong đó có một khách hàng đặc biệt sau này trở thành thân thiết với anh và giới văn nghệ. Kỷ niệm của ngày gặp gỡ này cũng vô cùng ấn tượng. Khổng Huỳnh Phong hẹn ghé tôi cho biết nhà, tôi “mách lẽo” với anh có thằng bạn chơi cũng được lắm, rủ nó tới chơi luôn, nghen? Anh có chút do dự nhưng cuối cùng vẫn gật đầu. Tôi điện thoại cho Nguyễn Đăng Khương, Khương cho hay đang trong tiết dạy kêu tôi dẫn anh Phong vào quán thịt bò Trung Nhơn ngồi đợi. Đây là quán thịt bó mà chủ quán làm bò tại chỗ để phục vu khách hàng cho nó tươi ngon. Khương tới, anh Phong chưng hửng: “Tưởng ai, có đọc mầy rồi, khá lắm nhưng… không hiểu”(!?). Anh em tay bắt mặt mừng, Khương gọi một dĩa bò tái chanh và một dĩa lòng bò luột. Rượu rót qua một vòng cạn ly mừng ngày hội ngộ thì… Phía sau quán, người thanh niên có gương mặt của một tên đồ tể dắt con bò cột vào cây cột cố định cách bàn nhậu của chúng tôi chừng mười mét, con bò đưa đôi mắt hiền lành vô tư nhìn mọi vật xung quanh không một chút đề phòng. (hình như nó có nhìn chúng tôi thì phải, nhưng tôi chưa kịp quan sát để cảm nhận mà phân tích “ngôn ngữ” trong đôi mắt của nó). Bất ngờ, người thanh niên ban nãy từ trong nhà chạy ra ghí cây xuyệt điện vào mình con bò, con bò ngã gật ra run bần bật vài cái rồi im lặng. Sự im lặng nặng nề lan sang bàn nhậu. Khổng Huỳnh Phong đứng bật dậy một cách dứt khoát:

     – Đi, kêu tính tiền, mình kiếm quán khác chơi!

     Tôi cũng có chút bàng hoàng khi chứng kiến cảnh “tử hình công nghiệp” loài vật nhiều đam này nhưng tỏ thái độ bất nhẫn đầy nhân văn như anh thì tôi chưa đủ bản lĩnh! Và chúng tôi đi nhậu ở một quán khác, không có thịt bò,  nhưng cuộc nhậu hình như vẫn luôn bị ám ảnh, nặng nề nên cuộc nhậu tuy có kéo dài vẫn kém vui.                                                   *

 Những lần có dịp đi công tác ngang Chợ Lách là anh ghé tôi. Lúc thì mang theo miếng khô đuối nướng sẵn, lúc thì chục hột gà giữa, khi thì vài trái cà tím… Ghé chơi, anh ít khi để tôi tốn kém và anh nhìn mặt tôi để coi có nên… đưa tiền mua rượu không! Điều anh ít khi quên nữa là: “Mầy gọi cho thằng Khương cái coi, điện hoài nó không bắt máy”. Anh thừa biết là anh gọi Khương không bắt máy thì tôi gọi cũng vậy thôi, nhưng vì ở Chợ Lách nhậu mà thiếu Khương anh không… cam tâm! Lúc tôi chuẩn bị làm nhà, anh nhắn tin liên tục, hỏi kích thước nhà, hỏi vật liệu đủ không, hỏi có lót nền không… Sự quan tâm của anh làm tôi ấm lòng trong rất nhiều lần tôi gặp “tai nạn”. Những tai nạn nhỏ cá nhân, anh luôn là người đầu tiên an ủi tôi, động viên tôi. Có lần ngồi uống rượu ở nhà tôi, anh nói: “Tao cũng một thời trần thân chứ có sướng ích gì. Ráng lên, anh em thương mầy lắm, đừng để anh em thất vọng!”. Tôi hiểu anh đang nói gì nên rất cảm động.

     Năm 2007, mẹ tôi bệnh nặng phải chuyển lên bệnh viện Y học dân tộc Vĩnh Long. Thật đau lòng, khi đóng viện phí xong trong túi tôi chỉ còn hơn một trăm ngàn, bạn bè thì đã hết lòng nhiều rồi, không thể nhờ vả nữa, tôi hoang mang cực độ. Đang lúc rối bời chưa biết xoay sở cách nào thì anh gọi điện: “Mầy có nhà không chút tao ghé?”. Tôi thông báo nhanh tình hình sức khỏe của mẹ, anh phản ứng vội vàng : “ồ, vậy à? Đang ở đâu?”. Anh ghé, an ủi tôi mấy câu rồi móc túi dúi vào tay tôi năm trăm ngàn: “Cầm mà lo cho cô Ba, mai mốt tính. Cố gắng lên, có một mình mầy đó, suy sụp nữa thì tai hại lắm!”. Năm trăm ngàn với tôi trong thời điểm đó là vô giá, là không thể đo đếm bằng giá trị vật chất. Tôi khóc, khóc như đứa trẻ trước mặt anh. Cho tới bây giờ cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn trong tôi, nó nhắc tôi rằng cuộc đời còn có những ân nhân mà sự hàm ơn bằng lời là không bao giờ đủ!                                                                  *

     Tôi có dịp nhiều lần cùng anh đi thực tế sáng tác, đi dự trại. Ở đâu anh cũng chủ động trong việc tiếp cận mục tiêu để khai thác tư liệu, không như tôi cứ thụ động ngồi… chờ thời! Anh quan sát tinh tế, ghi chép cẩn thận. Vì vậy mà, những bài ghi chép của anh sau những chuyến đi luôn đầy ắp dữ kiện, đầy ắp cảm xúc, tạo dấu ấn cá nhân trên mỗi trang viết. Đi vùng kinh tế mới ở Đắc Lắc, anh xống xáo vào tận nơi nhưng người dân di cư đang lao động tìm hiểu về hoàn cảnh sống của họ. Đi Hà Tiên, tới quần đảo Hải Tặc, anh “bám” vào các đồng chí bộ đội biên phòng để khai thác tư liệu. Đi Đồng Nai, anh theo sát chân người hướng dẫn ở rừng Nam cát tiên mà ghi chép… Anh không bỏ lở một cơ hội nào để thu thập thông tin cho mình nên vốn sống tích lũy được là nền tảng vô cùng quan trọng để anh có những trang văn xuôi có chất lượng.

     Riêng chuyến đi Côn Đảo, có một kỷ niệm vui mà tôi không bao giờ quên. Một buổi tối, cơm nước xong, dù nhà ăn cũng có đãi rượu nhưng hình như chưa đủ “đô” nên anh rủ mấy thằng trẻ chúng tôi ra ngồi quán vĩa hè “sương sương” tiếp. Quán lộ thiên ở dưới một tán cây cổ thụ, bán bún riêu. Quán vắng teo. Côn Đảo vào đêm nhìn vào đâu cũng thấy rờn rợn. Bốn thằng trẻ ngồi uống rượu nhìn phố đêm Côn Đảo vàng vọt dưới ánh đèn đường. Anh chưa say nhưng thấy vợ chồng người chủ quán nhấp nhỏm vì đêm đã quá khuya, anh xin chủ quán miếng mồi còn dang dỡ, mua thêm chai rượu kéo chúng tôi về trước Công quán ngồi uống tiếp. Anh say. Chúng tôi kéo về nhà trọ thì anh thật sự thấm rượu, cởi đồ rồi lăn đùng ra ngủ không kịp giăng mùng. Tôi về giường của mình, ngủ không được nên lang thang tiếp ngoài sân nhà trọ. Lát sau trở vào, tôi thấy Ngyễn Đăng Khương ngôi kế bên Khổng Huỳnh Phong chăm chú… đặp muỗi cho anh! Tôi nhẹ nhàng về giường mình không dám kinh động đến hình ảnh đầy xúc động đó. Sáng ra, tôi kể chuyện này cho anh nghe, anh ngại ngùng:

     – Trời, vậy hả? Bất nhơn hôn!                                                                   

 *Và bây giờ, nếu khoa học cho phép, tôi sẽ cắt một phần ký ức có giai đoạn anh đột ngột ngã bệnh rồi mất đi. Tôi chỉ muốn thấy anh lúi húi bên bếp nhà Cát Hoàng luột hột gà giữa, ngồi xếp bằng bên nhà anh Từ Văn Hà với câu cửa miệng: “vô đi chứ, tới quận rồi”. Muốn thấy anh tất tả với mớ giấy tờ liên quan tới công việc, thấy anh chửng chạc làm MC trong ngày thơ Việt Nam. Và, thấy anh bưng cái rỗ tre cũ lom khom hái mớ rau tập tàng bên hông nhà tôi trước khi thấy anh ngồi chăm chú đọc báo ở văn phòng Hội thỉnh thoảng ngước lên buông một câu ta thán:

     – Trời đất, “nó” tầm bậy tầm bạ nữa nè!

                                                                                                          Ngọc Vinh

Xem thêm

http://tongphuochiep-vinhlong.com/2014/09/bai-tho-viet-o-quan-cay-tao-nho-khong-huynh-phong/

 

 

 

 

 

 

 

4 bình luận

  1. NGỌC VINH MẾN,

    ĐỌC QUA CÂU CHUYỆN NGỌC VINH KỂ VỀ MỘT NGƯỜI BẠN VỪA MỚI RA ĐI Ở TUỔI 46, MỘT NGƯỜI BẠN TUY CHƯA GẶP MẶT LẦN NÀO, CHƯA BIẾT TÍNH CÁCH RA SAU NHƯNG QUA CÂU CHUYỆN CỦA NV KỂ THÌ MÌNH CŨNG ĐOÁN ĐƯỢC ĐÂY LÀ NGƯỜI BẠN BIẾT SỐNG CHO NHỮNG GIÁ TRỊ THẬT. ĐỂ KHI CÓ ĐI XA THÌ KHÔNG BAO GIỜ TIẾC NUỐI. GIÁ TRỊ ĐÓ ĐẾN BÂY GIỜ NV CŨNG KHÔNG THỂ ĐEM RA “CÂN ĐO ĐẾM ĐƯỢC” DẪU BIẾT RẰNG “SINH, LÃO, BỆNH, TỬ” NHƯNG Ở CÁI TUỔI ẤY, TÍNH CÁCH ẤY SỰ RA ĐI ĐÓ CHẮC ĐỂ LẠI NHIỀU NUỐI TIẾC. THÔI THÌ TA HÃY GỞI ĐẾN BẠN ẤY MỘT NÉN HƯƠNG LÒNG, CẦU MONG CHO BẠN ẤY SỚM ĐƯỢC SIÊU THOÁT.

  2. Đúng vậy anh Tùng à! Anh ấy rất kiên cường khi đối diện với căn bệnh giãn cơ tim độ 4 nghiệt ngả. Và, anh ấy chuẩn bị tâm lý cho lúc ra đi một cách bình thản đến khó tin. Vì vậy, dù có đau lòng nhưng cũng được an ủi bằng chính những tâm sự của anh trước khi mất, rằng: “Đã sống hết mình, làm hết mình thì không có gì phải ân hận khi “ông Trời” lấy lại hình hài mà Ông đã cho chúng ta trên trần thế. Chỉ tiếc là chưa thực hiện hết những dự định, chưa làm tròn bổn phận một người con, người chồng, người cha….” Cảm ơn anh có sự đồng cảm với bài viết này. Chúc anh vui!

  3. Cảm ơn chú Ngọc Vinh. Nhờ chú mà con biết một phần cuộc sống bên ngoài gia đình của chú ấy. Chú ấy thật tuyệt vời phải không chú!

  4. Hơn bảy năm rồi, bất chợt nhớ đến anh Khổng Huỳnh Phong, tôi mới nhờ Google tìm lại xem có thông tin nào giúp tôi hiểu về anh hơn. Khi đọc bài viết này của Ngọc Vinh, tôi được hiểu thêm về người anh mà tôi được gặp một dịp duy nhất khi tôi có chuyến công tác ở Bến Tre.

    Cảm xúc nhớ về anh Phong lại ùa về với những hình ảnh thân thương, gần gũi. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi gặp anh, cũng để lại trong tôi những hình ảnh khó quên về anh…

    Biết đến khi nào có dịp trở lại Bến Tre, đến được mộ thắp cho anh nén hương, để bày tỏ tình cảm và cầu mong nơi suối càng anh được bình anh!!!

    Cảm ơn tác giả Ngọc Vinh, người bạn tri kỷ của anh Khổng Huỳnh Phong.

    Hà Nội, ngày 10-11-2021

    Khổng Văn Chiến (0988653278)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...
Xem tiếp...
Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Xem tiếp...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Untitled
GẶP GỠ CUỐI NĂM
Ngày cuối năm, họa sĩ Nguyễn Quang, cộng tác viên trang nhà từ Đồng Nai về thăm anh em, thế là hẹn nhau...
ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...
Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 4
Lượt truy cập: