Trung Học Chợ Lách

Tình người Long Thới (Kỳ 2)

Ngày đăng: 06/08/2014, 8:09 chiều, ý kiến phản hồi (2)

Năm 2001, tôi về thăm quê hương lần đầu. Kể từ năm 1976, tôi rời khỏi đây đến nay 2001 vừa đúng một phần tư thế kỷ. Tôi nhờ một cậu cựu học sinh đưa tôi đến nhà Nguyễn Tri Lộc ở Long Thới bằng chiếc xe gắn máy của cậu. Đối với cậu này đây là một nơi xa lạ, và cậu cũng chưa bao giờ lại gặp ông bạn tôi kể từ thời ấy, nên chúng tôi ghé nhà này hỏi thăm, dừng nhà kia tìm hiểu. Chúng tôi đã phải lần mò một thời gian lâu mới tìm ra nhà người bạn này.

Xe dừng trước nhà, tôi thấy một người đàn ông, tóc bạc bạc, ngồi ở một bàn giữa nhà. Ông này ngẩng đầu nhìn khách lạ hơi ngạc nhiên. Tôi biết y là bạn cũ vì cặp kính cận đặc biệt. Tôi lầm lũi bước vào nhà, cúi đầu chào không nói, để xem phản ứng ông bạn cũ này ra sao.

Lộc nhìn tôi chăm chú vài giây rồi chợt cười vang: Võ Hiệp chứ ai đâu!

Tôi cười đáp:

– Hay thật. Hai mươi lăm năm mà vẫn nhận ra tôi.

– Ông nhìn vẫn trẻ như xưa, da trắng và mập hơn một chút. Phải nói là ông tráng kiện.

Hỏi thăm một lúc, tôi đặt câu hỏi về cô bé thủa xưa:

– Này cậu, cậu có biết một cô học sinh, nhà trên đường mòn gần nhà thờ. Năm 1967 cô bé độ 15, 17 tuổi, nhìn đẹp người.

Lộc nói:

– Làm sao tôi biết nổi người con gái ấy. Vào thời gian này tôi cả ngày lo làm vườn ông ạ.

Ngừng một vài giây, Lộc tiếp:

– Ông có việc cần tìm cô ấy sao? Tên mà ông không nhớ à?

–  Ừ tôi muốn tìm thăm lại cô ta. Cô ta đã làm tôi in sâu một kỉ niệm, trong khi tôi ở tận đáy cuộc đời. Quả tình tôi không biết tên. Nhưng giờ chắc cô đã theo chồng chốn phương trời nào ấy.

Lộc gật đầu tán đồng:

– Ừ đúng đó, với tuổi này thì con cô ta cũng đã lớn hết rồi.

 

                                     x      x

 

 

Năm 2005, tôi về thăm quê lần thứ hai, nhưng tôi không tìm cô bé ấy vì tin rằng cô đã lập gia đình và đi xa. Về thăm gia đình, gặp gỡ các học sinh cũ, viếng vài nơi, rồi quay về Mỹ đi làm trả nợ.

 

Một hôm vào buổi chiều mùa đông, khi đi ra khỏi hãng một đoạn thì trời đổ mưa nặng hạt. Vì đi làm bằng xe lửa, nên tôi phải đi bộ một đoạn khá xa để đến nhà ga. Dù là có dù che, nhưng tôi vẫn bị ướt chút đỉnh. Ác nhất là đoạn đường trước khi tới sân ga. Đoạn này là nơi nước từ đường xe lửa đổ xuống, và từ sân đậu xe của phi trường Burbank đổ ra, nên nước dâng cao đến đầu gối. Không còn cách lựa chọn, tôi lội qua ao nước làm ướt quần áo như chuột lột và một đôi giày đầy nước.

 

Lên đến xe lửa, tôi cởi đôi dày ra,  vào nhà cầu trên xe, trút nước ra, rồi đi chân không đến chỗ ngồi. Còn đôi giày, tôi đem úp xuống sàn cho ráo bớt. Xe lửa từ đây về down town Los Angeles rất vắng nên chẳng ai cười tôi cả.

Ngồi buồn một mình, chợt nhớ lại chuyện năm xưa, tôi làm bài thơ Mưa Lạnh.

Mưa lạnh

Mưa lạnh chiều nay, đâu lại về.

Nhớ thời lận đận ở nơi quê.

Lúc còn gian khổ đi làm cá.

Nhớ vợ, thương con, dạ não nề. 

 

Một ngày xin phép được thăm nhà.

Sáng sớm, khởi hành ở bến xa.

Suốt một ngày dài, đường vất vả.

Bước ngang Long Thới lúc chiều tà. 

 

Lúc ấy, trời buồn tôi bước qua,

Đường mòn vắng lặng, dưới mưa sa.

Lối đi trong xóm đầy bùn ướt.

Lầm lũi, nhanh chân trở lại nhà.

 

 

Bất chợt vang lên một tiếng chào.

Tiếng người con gái giọng thanh tao.

Một cô be bé, bên kia dậu,

Môi đỏ, má hồng dáng cao cao.

 

Em ra trước cổng, hỏi thăm tôi.

Bất chợt, lặng thinh chẳng ngỏ lời.

Thấy áo quần tôi đà rách nát.

Mắt dưng dưng lệ, bặm vành môi.

 

Tôi nhìn cô bé, mắt cay cay.

Chẳng biết có gì nói nữa đây.

Chỉ biết dơ tay chào vĩnh biệt.

Quay đầu cất bước, dạ như say.

 

Mấy chục năm qua vẫn chẳng quên.

Tiếng chào như vẫn mãi gần bên.

Khi nao gặp lại người con gái?

Chẳng biết làm sao để biết tên?

 

Mấy lần thăm lại chốn quê nhà.

Đường đến nơi này cũng chẳng xa.

Nhưng nghĩ biển dâu đà biến đổi,

Chắc rằng cô bứơc với xe hoa. (VHKT)

Lần về quê cuối là tháng 12 năm 2009. Gia đình tôi đi xe đò về thị trấn Chợ Lách. Người tài xế xe tìm thuê cho chúng tôi một chiếc xe chở hàng nhỏ để về nhà vợ. Tìm mãi một hồi thì được một xe chở heo, mà cạnh tài xế chỉ đủ cho bà xã và hai cháu nhỏ. Tuy tôi chẳng ngại gì ngồi vào chỗ mấy con heo, nhưng đồ đạc đầy nhóc, nên đành chờ xe gắn máy của mấy đứa cháu lên đón về. Đó là thật trong lòng chứ không phải sợ người đồ tể nhận lầm đem tôi đi làm thịt. Hơn nữa nếu họ làm thịt thì cũng tốt. Cái sợ nhất là họ không làm thịt mà đem thiến thì quả là một tai họa.

Lúc ấy là giữa trưa, trời quá nóng.

Tôi tìm một cửa hàng vào mua một ly cà phê đá giải khát, trong lúc chờ đợi. Cửa hàng này khá lớn, và tôi đoán vị trí loanh quanh khu nhà chú Mười Chỏi. Ông này làm tổng giám thị cho trường trung học, khi tôi làm hiệu trưởng năm 1969.

Hỏi thăm cô bán hàng thì ra cô ta là cháu ông này. Tôi cầm ly cà phê ra trước cửa để đứa cháu nào lên đón dễ nhận diện. Đang loay quay quậy ly cà phê, thì một chiếc xe gắn máy chạy qua. Xe vừa qua tôi, đột nhiên dừng lại. Tiếng một phụ nữ vang lên:

– Ai nhìn giống thầy mình quá ta.

Tôi không thể biết người này vì cái khẩu trang trên mặt. Người đàn bà này, xuống xe quay đến tôi, một tiếng nói vui mừng:

– Thầy! Thầy về hồi nào?

Tôi nhìn người đàn bà nhận ra đó là Trương Thị Lý. Cô ta học với tôi lớp 12 năm 1973. Lý là một cựu học sinh giúp tôi rất nhiều khi tôi gây quỹ cứu học sinh nghèo từ 2001 đến nay.

– Ồ Lý! Thầy mới về.

Nói chuyện một lúc, Lý mời: Khi nào rảnh, thầy ghé em chơi.

– Được chứ. Nhưng tìm sao ra nhà em?

– Thày về Long Thới, hỏi nhà cô giáo Lý thì ra ngay.

– Vậy tốt. Thầy sẽ ghé thăm em.

Vài hôm sau, tôi có việc đi lên Sàigòn. Lúc quay về xe đò ngừng ở Long Thới cho một ông già hành khách xuống. Thấy vậy tôi cũng xuống theo.

Người hành khách thấy tôi lạ, nên hỏi:

– Ông xuống nhà ai ở đây?

– Tôi ghé thăm cô học trò cũ của tôi ở đây.

– Ai vậy ông?

– Cô Lý thưa ông.

– Vậy ông dạy cô giáo Lý sao?

– Vâng trước kia tôi dạy ở Chợ Lách.

– Vậy ông là thầy Hiệp phải không?

– Dạ.

– Tôi nghe mấy em cháu nói, thầy tụi nó về. Đâu dè người đó là ông. Để tôi gọi thằng xe ôm kia, nó cũng là cháu cô Lý đó.

Nói xong ông vẫy cậu thanh niên xe ôm lại và dặn đưa tôi đến nhà Lý. Tôi ngạc nhiên khi thấy cậu chở tôi chạy vào sân nhà dòng.

Tôi hỏi:

– Sao cậu lại đưa tôi vào đây? Bộ cô Lý đi tu sao?

– Dạ không, đi đường này gần hơn.

– Ừ tốt! Cô Lý không tu thì hay, mà tôi cũng không muốn đi tu nốt.

Chỉ vài phút sau tôi tới nhà Lý. Nhà cô cũng trên đường mòn gần nhà thờ.

Thày trò gặp nhau thật vui mừng.

Nói chuyện một hồi tôi nói: Lý à, năm 1977, thày đi ngang một nhà quãng này. Hôm ấy trời mưa rào, thày gặp một cô bé. Cô ra chào thày. Cô ta khóc khi thấy thày quần áo lam lũ…

Lý ngắt lời:

– Con bé đó là em của em. Nó tên là Út. Sáng nay nó mới kể sơ sơ chuyện ấy cho em nghe.

Tôi hỏi:

– Vậy cô ta có đây không?

– Để em gọi nó lên, chào thầy.

Nói xong em gọi: Út ơi !

Cô vừa dứt lời thì thấy Út bước ra.

 

 

Người con gái thủa xưa nay là một người đàn bà trung niên. Gương mặt vẫn còn đẹp, có da thịt hơn xưa. Cô chào: Thầy !

– Chào em. Đến hôm nay thày mới biết tên em. Không ngờ câu chuyện trên 30 năm mới có lời giải.

Chiều hôm ấy, Út  nói:

– Hôm nay phá lệ, em làm tài xế xe ôm đưa thầy về nhà.

Nói xong cô chở tôi về nhà với chiếc xe gắn máy của em.

Trên đường, tôi hỏi em về gia cảnh. Em cho biết đến giờ phút ấy em vẫn độc thân. Em chẳng thấy ai thật vừa ý, và gia đình người anh ruột gặp chuyện chẳng may. Em cùng hai chị đều hy sinh không lập gia đình, ở vậy nuôi cháu. Giả sử chỉ là các cô gái tầm thường thì tôi không ngạc nhiên, nhưng mấy chị em của Út đều là người xinh đẹp, đó là điểm đáng nói. Ôi một gương sáng đáng để mình suy nghĩ.

Hôm cựu học sinh tụ tập ở đào Viên Quán đón tôi. Út cũng lên tham dự dù là em chưa phải là học sinh chính thức của tôi ở trường Trung Học. Lúc nửa chừng, Út lại nói:
– Ai thì chẳng cần, nhưng em phải chụp một hình với thầy để kỷ niệm.

Chì vì tính tình và quá khứ trong một bộ quần áo quá đơn sơ đã làm cô bé xúc động.

Sau khi về lại Hoa Kỳ, tôi làm bài thơ tiếp theo:

 

Mãi đến năm qua ghé một nhà,

Chuyện trò nơi ấy để dò la.
Mới hay người ấy là em út,
Cô gái trong buồng chợt bước ra.

 

Thày trò nhắc lại chuyện năm xưa.

Cứ nghĩ rằng đây một giấc mơ.
Em kể lại ngày qua để nhớ.
Chiều mưa năm ấy chẳng phai mờ.

 

Giờ đây em vẫn cảnh chưa chồng.

Nuôi cháu, hy sinh chịu giá đông.

Vứt cả tuổi xanh cùng sắc đẹp.
Để rồi đêm đến với buồng không. 

 

Cầu nàng mọi chuyện sẽ hanh thông.

Sẽ có người thương với tấm lòng,
Thành thực giúp nàng khi cấp bách.
Đền bù mất mát tuổi hoa hồng.

 

 VHKT-2010

 

Thày chúc Út cùng các chị của em suốt đời may mắn.

 

 

2 bình luận

  1. Kính thầy Võ Hiệp, ai rồi cũng phải về lại cội nguồn, tuy không phải là học trò của thầy, em đã rời THCL năm 1966 để về học Đệ Tam ở TPH, mãi đến năm 2012 em mới về họp mặt cựu hs Chợ Lách, gặp bạn nhưng kẻ nhớ người quên, em có nghe bạn bè nhắc đến tên thầy nhiều lắm, hôm nay đọc đượ tâm sự của thầy, em rất cảm kích, xin được chia sẻ cùng thầy. Hôm nhạc mẫu của thầy qui tiên, em có nghe các ban rủ nhau đến viếng, em thì ở mãi tận Tam Bình, với lại chẳng biết ai nên không đến, khi nào thầy về nước , em nhờ các bạn cho hay để một lần được diện kiến thầy.

  2. Thưa thầy! Thật lòng rất cảm động khi đọc những dòng tâm sự của thầy  … và hôm nay thấy ảnh thầy, em rất vui vì như gặp được thầy. Em luôn kính chúc thầy  thật nhiều sức khoẻ , mãi an – vui trong cuộc sống. Chúng  em rất mong được xem nhiều chuyện  kể của thầy , Kính chào thầy .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

d92ab2a7-5d6c-49a4-8b59-87bb3265d276
BẾN TRE DƯỚI THỜI GIA LONG:
Từ năm 1757, Bến Tre được gọi là tổng Tân An thuộc châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Đời vua Minh Mạng, miền...
Xem tiếp...
H3
CHUYỆN ĐÒ XE VỀ CHỢ LÁCH
Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi về Chợ Lách thăm bạn học cũ, ngồi trên chiếc xe Honda chạy bon bon...
Xem tiếp...
pHAN LE
TÔI ĐÓNG VAI PHÀN LÊ HUÊ
Năm 1963 thầy Nam dẫn tôi và chị Dễ (chị Tư) về Chợ Lách đi học, tôi vào lớp nhất học với thầy Châu,...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 3
Lượt truy cập: