Trung Học Chợ Lách

Mê cải lương (kỳ 1)

Ngày đăng: 04/07/2014, 2:09 chiều, ý kiến phản hồi (3)

 Năm 1991, tôi thi đậu vào lớp đào tạo diễn viên cải lương Trần Hữu Trang, khóa ba. Lớp này là sự liên kết đào tạo giữa trường Trung học Văn hóa nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh và nhà hát Trần Hữu Trang. Hai khóa trước, một dàn diễn viên cải lương được đào tạo chính qui từ đây đã thành danh như Ngọc Huyền, Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, Chí Linh, Ngân Hà, Tấn Giao… Ra trường, họ làm mưa làm gió trên các sân khấu cải lương thành phố, trong đó, Nhà hát Trần Hữu Trang với ba đoàn hát trực thuộc là cơ hội cho những diễn viên mới ra trường có đất dụng võ. Còn trường Nghệ thuật sân khấu II do Bộ giáo dục quản lý cũng có khoa đào tạo diễn viên cải lương nhưng các diễn viên trẻ của trường này khi tốt nghiệp phải tự bươn chải tìm cho mình đất sống ở các đoàn tỉnh hoặc phải trầy trật ở các đoàn hát lớn một thời gian dài mới mong được đóng đào kép… phụ!

     Cái tin tôi đậu vào lớp đào tạo cải lương Trần Hữu Trang là đề tài bàn luận sôi nổi của nhà trường, bạn bè, chòm xóm, dòng họ… Bởi, tôi lặng lẽ chọn cho mình một ngành thi “không giống ai” trong mắt nhiều người, lặng lẽ xách túi đi thi và lặng lẽ… đậu! Trước đó, khi còn học phổ thông, mấy chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống, líu, ú tôi còn chưa biết, nói gì tới một lớp Bắc và hai câu vọng cổ như yêu cầu của trường này về phần thi năng khiếu. Khi đã đặt bút ghi vào hồ sơ thi tuyển vào trường nghệ thuật sân khấu tôi có nửa tháng đi tìm thầy dạy hát và đúng… ba ngày để được truyền “nghề”! Anh Mẫn ở chợ Phú Phụng, Chợ Lách, người có ngón đờn bén và mùi, từng là nhạc công ở các đoàn lớn của khu vực đồng bằng sông Cữu Long là người thầy dạy hát đầu tiên của tôi đã phán một câu xanh dờn: Mầy mà thi đậu vô trường này về nhà tao bỏ nghề! Số phận, tôi đậu vào trường cải lương còn anh thì thật sự bỏ nghề vì một tai nạn nghề nghiệp. Yêu cầu của cuộc thi tuyển vào trường là thí sinh phải hát hai câu vọng cổ, một lớp trong sáu bài Bắc và diễn một tiểu phẩm có thời lượng dưới mười phút. Ngoài ra còn phải thi tự luận môn văn học. Ở phần thi năng khiếu, khi được giới thiệu ban giám khảo, tôi đã rùng mình định bỏ cuộc vì toàn là những tên tuổi lớn trong giới sân khấu cải lương như nghệ sĩ Phùng Há, Tấn Đạt, Thanh Vy, Ca Lê Hồng, Nguyễn Thị Minh Ngọc … Tôi dám chắc là phần thi hát và diễn của tôi là ẹ nhất trong trên dưới ba trăm thí sinh đăng ký dự thi. Vớt vát lại, tôi có một tiểu phẩm tự sáng tác được giám khảo khen là “được” và môn văn tự luận cũng không đến nỗi làm khó tôi. Nhà văn kiêm đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc sau phần thi tiểu phẩm có đến gặp tôi an ủi: Em tinh tế hơn các bạn nhưng chưa biết chuyển sang hành động. Diễn gì không một chút hồn vía làm sao người xem xúc động. Thôi, về ráng tập dợt lại cho nhiều vô, hy vọng… lần sau, hén! Trời xui đất khiến thế nào mà tôi lọt qua khe cửa hẹp, đàng hoàng có tên trong danh sách gần ba mươi trên ba trăm thí sinh dự thi trúng tuyển. Và, tôi nghi rằng tôi đậu là nhờ vào môn văn và cái tiểu phẩm lếu láo tự nghĩ ra trước khi đi thi… hai ngày cùng sự đam mê cải lương cháy bỏng của người miền Tây rặt, dù trước đó tôi đã từng chứng kiến nhiều thảm cảnh đoạn trường của các đoàn cải lương tỉnh lẻ khi phải tan đàn xẻ nghé giữa chừng như lục bình sau bão. Tin tôi đậu vào trường sân khấu cải lương nhanh chóng được phát tán. Nhóm người có tư duy nghề nghiệp “thời thượng” thì mỉa mai, xỉa xói, trề nhún rằng tôi là đồ… cải lương! Còn lại, phần đông là người ở quê xem chuyện tôi trúng tuyển vào trường sân khấu là một hiện tượng đặc biệt. Cả xóm nhốn nháo truyền miệng nhau, tôi lúc đó là nhân vật trung tâm của những câu chuyện bàn luận thường ngày. Nhiều bà, nhiều cô, háo hức đến nhà tôi chúc mừng như tôi vừa trúng số độc đắc! Bà Hai Sang ở tận vàm kinh Bổn Sồ già lụm khụm vẫn ráng chóng gậy đến nhà nắm tay tôi vuốt ve: Ráng nghen con, học cho giỏi rồi mai mốt lên truyền hình hát cho bà coi. Mồ tổ cha nó, thằng coi vầy mà giỏi, bây! Nhiều đứa trẻ ở xóm coi tôi là thần tượng, cứ tụm năm, tụm ba đứng đằng xa lén nhìn mỗi khi tôi bước ra đường rồi xì xào bàn tán: Trời đất ơi, mai mốt ảnh trở thành “nghệ sĩ” cho tụi bây coi. Ừ, chừng nữa ảnh lên truyền hình hát cho mình coi nè… Tôi chưa học cải lương ngày nào đã trở nên nổi tiếng, thật buồn cười nhưng đầy cảm động. Mới thấy người quê họ quí nghệ sĩ vô cùng. Ngày tôi chuẩn bị lên Sài Gòn nhập học, ngoại tôi bán một chỉ vàng trao tiền tận tay tôi rưng rưng dặn dò: Không phải dễ gì “được’ vậy nghen con, ráng học rồi hát hay như Minh Vương, Minh Phụng cho ngoại coi. Có thiếu thốn gì thì viết thơ về cho ngoại… Bà Tám Thắng ở gần nhà thì lần trong chiếc khăn tay cũ xì lóm đóm màu cổ trầu những tờ bạc lẻ nhét vào túi tôi rồi sụt sịt: Chèn ơi, không ngờ bây giỏi thiệt nghen, mấy đứa nhỏ của tao nghe nói đậu vào trường cao đẳng cao điếc gì đó không biết mai mốt làm cái giống gì chứ bây thì rồi đây thành kép chánh, thiệt giỏi!

     Tôi nhận ơn huệ của cả xóm trước khi bước vào cuộc phiêu lưu chưa hề chuẩn bị, hành trang là nỗi khao khát đam mê ánh đèn sân khấu, là những minh quân, là những bậc trượng phu, là những đấng anh hùng hào kiệt, là các lãng tử hành hiệp giang hồ, những kiếm khách ngang dọc tung hoành… ánh hào quang lấp lánh quyến rũ tôi ngay cả trong những giấc mơ để tôi quyết định dấn thân không hề kiểm soát hay trang bị cho cái hành trình mà đích đến chưa thật rõ ràng.                                                                  *     

     Đam mê. Tôi chắc chắn như vậy khi nhiều lần chất vấn mình lúc mới bắt đầu nhập học. Không có đam mê sẽ không có cảnh tượng đau lòng khi nhiều lần tôi chứng kiến cảnh gánh hát rã đoàn giữa chừng, họ táo tác nhìn nhau cảm thông, chia sẻ, mặt của người nào cũng nặng trĩu suy tư dù đó là kép chánh hay chỉ là một quân sĩ chuyên cầm cờ chạy loanh quanh trên sân khấu. Biết rằng thế nào rồi họ cũng tiếp tục tìm cách đầu quân cho một đoàn hát khác theo nghề, theo nghiệp, đeo đuổi đam mê mặc cho phía trước bẫy đời có luôn rình rập nhưng sao vẫn thấy bùi ngùi.

     Như nhiều đứa trẻ khác lớn lên trong thời bao cấp, tuổi thơ tôi gắn liền với những cái đói triền miên. Nhưng, cái đói sinh học thì có thể ăn qua loa một thứ gì đó cho qua ngày, còn cái đói tinh thần thì không thể có thứ gì thay thế được. Rồi, có vài cuộc vui nho nhỏ đã nuôi dưỡng ước mơ tôi cho dù lúc đó hai tiếng “nghệ thuật” đối với tôi là vô cùng xa lạ. Cuối thập niên bảy mươi, đầu thập niên tám mươi của thế kỷ trước, lúc mà nhiều nhu cầu hưởng thụ của người dân đất Việt bị ngăn chặn, thậm chí bị triệt tiêu, sự đói khát văn hóa văn nghệ của người dân đã đến mức nghiêm trọng. Người dân cứ phải “ăn” mãi loại văn nghệ tuyên truyền, ngán tới cổ vẫn phải cố nuốt, không thì phải biết “nhai” thứ gì cho qua bữa bây giờ? Mấy năm đó, xóm tôi có tự phát “thành lập” một “đoàn” hát mà diễn viên là con Thu bánh ú, chị Sáu bánh cam, thằng Chánh coi trâu, thằng Hoàng chăn vịt… Sân khấu là những tấm ván ngựa ghép lại. Ánh sáng sân khấu là hai cái đèn măng sông tù mù, phong màng thì đem mền mùng đủ màu ra treo cho có vẻ… sân khấu một chút! Rồi thì diễn viên quẹt vôi, lọ nghẹ lên mặt, lấy giấy tập học sinh cắt dán để làm mũ mão, không có giày dép thì đi chân không, có sao đâu, vừa mới lùa trâu vô chuồng chỉ kịp tắm táp qua loa là chuẩn bị “sắm tuồng” rồi! Chân phèn không, móng chân thúi quắc, mùi bùn đất, mùi cỏ, thậm chí là mùi… trâu vẫn còn dính trên người vậy mà lát nữa trên sân khấu họ sẽ là quân vương, là mẫu hậu, là công chúa, là hiệp khách giang hồ võ công cái thế… Ở “đoàn hát” này có ông Ba Võ chuyên đóng kép độc. Một lần, ông đang đóng vai phản diện trên sân khấu, tới đoạn mâu thuẫn gay gắt quyết liệt giữa hai nhân vật chánh tà, bất ngờ từ dưới đất bà Tư cùng xóm với “kép” Ba Võ nhào lên sân khấu nắm đầu ông này lôi xuống mắng té tát vào mặt rồi đánh túi bụi. Chưa đã giận, bà xách đuốc ngoe nguẫy đi về để… đốt nhà “thằng mất dạy”! Hoàn hồn, ông Ba Võ chỉ còn biết cười trừ với gương mặt méo xẹo. Tuồng tích cho những đêm hát ở đây đa số là những tuồng hát nổi tiếng trước giải phóng đã được nhiều người thuộc lòng soạn lại như: Người câu bóng trăng, Đêm lạnh chùa hoang, Sơn nữ Phà Ca, Người tình trên chiến trận… Nhiều lần các vị lãnh đạo văn hóa của xã đã đến giải tán “đoàn hát” vì tội “truyên truyền văn hóa đồi trụy(!?)” nhưng chính cha mẹ ông bà các vị ấy lại khuyến khích anh chị em “nghệ sĩ” chân đất kia cứ hát, “có gì tụi tao chịu trách nhiệm cho!”. Và, tôi dám chắc trong tâm hồn những “nghệ sĩ” nhỏ kia có chứa đựng những đam mê nhỏ đã “mớm” cho chúng tôi một món ăn tinh thần cũng nhỏ như vậy nhưng cần thiết trong cơn đói quặc quẹo nhiều ngày của thời buổi nhiễu nhương đó.

      Sự nghèo đói văn hóa văn nghệ cũng ngột ngạt, bứt rứt, khó chịu như đói nghèo những thứ khác. Cho nên, từ khi có “đoàn hát” nghiệp dư này thì đêm nào sân lúa của ông Tư Trà cũng chật ních người. Già trẻ bé lớn đốt đuốc, bưng đèn dầu, xách đèn mủ u lặn lội một hai cây số để coi hát. Có khi trời mưa bất tử, cả “nghệ sĩ” và khán giả đều ướt chèm nhẹp nhưng họ vẫn dứng dưới mưa hát, ngồi dưới mưa coi cho tới giãn tuồng. Họ cùng buồn vui hờn giận với số phận của các nhân vật trong tuồng hát để quên đi nỗi âu lo nhọc nhằn thiếu thốn đang bũa vây họ. Sau đó ít năm thì trong ấp có một vài gia đình sắm được ti vi trắng đen, người dân dồn vào loại hình giải trí mới mẻ này vì được tận mắt xem các nghệ sĩ nổi tiếng ca diễn. Vậy là “đoàn hát” của ấp bắt đầu ế khách và giải thể. Sự giải thể này nhẹ hều bởi họ không mất mát gì và cũng chẳng có gì để mất khi mà họ thật sự vô tư lấy lời ca tiếng hát phục vụ cho niềm vui của nhiều người cũng là tạo niềm vui cho chính mình sau một ngày vất vã với ruộng đồng, vườn tược.

     Thập niên sáu mươi và đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ trước được coi là thời kỳ vàng son của cải lương Nam bộ. Sau đó một thời gian dài tưởng đâu lụi tàn theo thời cuộc thì đến giai đoạn cuối những năm tám mươi đến đầu thập niên chín mươi thế kỷ hai mươi nó lại được phục hưng. Lúc này luồng gió đổi mới của đất nước tạo không gian mở cho nhiều lãnh vực của cuộc sống, trong đó có văn hóa nghệ thuật dù vẫn còn có những hạn chế nhất định. Không kể các đoàn cải lương lớn ở Sài Gòn phát triển mạnh mẽ, những đoàn tỉnh cũng rầm rộ được thành lập. Các diễn viên khóa một, khóa hai của Nhà hát Trần Hữu Trang may mắn ra trường trong thời điểm này “sống được” với nghề mà không phải bôn ba lận đận như các đàn em khóa sau. Sân khấu cải lương Nam bộ trở lại thời hoàng kim của nó nhộn nhip từ thành thị tới nông thôn. Ăn theo, các đoàn huyện, đoàn xã cũng bon chen xin phép thành lập. Thời gian đầu thì các đoàn nhỏ cũng kiếm ăn được ở các vùng nông thôn, các thị trấn, thị tứ. Nhưng, sự cạnh tranh và đào thải bắt đầu phát huy chức năng của nó khi đất nước bước vào nền kinh tế thị trường. Các đoàn lớn nhận ra ngay”thị trường” của mình không chỉ ở những thành phố lớn hay thị xã mà là những trung tâm văn hóa của huyện. Vậy là họ “tấn công” ngay khu vực này giành lấy khán giả. Các đoàn huyện, đoàn xã lập tức bị dồn về vùng sâu, vùng xa với lượng khán giả ngày càng bị thu hẹp. Rồi, chuyện gì đến sẽ đến, trụ không được thì phải rã gánh.

(còn 1 kỳ nữa)

Ngọc Vinh

(trích bút ký Đam mê )

                                                             cải lương Sơn nữ Phà ca

 

3 bình luận

  1. Đây rồi, lại là NGỌC VINH,bài tường thuật mê cải lương của bạn làm cho tôi chợt nhớ đến một người bạn thơ của mình, xin phép bạn ấy viết lại những câu thơ nầy

    Tôi biết em hội kỳ yên năm trước

    Tuổi tròn trăng đã vướng nghiệp cầm ca

    phiêu bạt tha phương đất khách không nhà

    Đời xuôi ngược hoa trôi nhiều bến lạ………

  2. Thật ngại quá, không biết xưng hô thế nào với một đọc giả mới, thôi thì tạm gọi bằng chị cho tiện vậy. Chị Ngọc Hoa mến, cảm ơn chị đã đọc và quan tâm tới bài viết của em! Cảm ơn luôn mấy câu thơ chị gởi, hy vọng sẽ được đọc thêm của chị những tác phẩm mới. Chúc chị vui!

  3. Ngọc Vinh ơi! riêng tui thì lúc nào cũng cảm thấy mìh là đàn chị, nếu hỏng phải thì gọi lại, có sao đâu. Bài viết của Ngọc Vinh lôi cuốn làm người đọc khó dừng lại. Mong rằng trangTHCL sẽ vui hơn, xôn xao hơn, chúng ta sẽ cùng cố gắng Ngọc Vinh nhé

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...
Xem tiếp...
Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Xem tiếp...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Untitled
GẶP GỠ CUỐI NĂM
Ngày cuối năm, họa sĩ Nguyễn Quang, cộng tác viên trang nhà từ Đồng Nai về thăm anh em, thế là hẹn nhau...
ran-hoa-mai
TUỔI TỴ- RẮN Ở TRÊN CÂY
Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ… Hết Thìn tới Tỵ, Nhâm Thìn đi thì Quý Tỵ (2013) đến; Giáp Thìn qua...
Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 11
Lượt truy cập: