Trung Học Chợ Lách

ĐÔI ĐIỀU VỚI NHÀ THƠ PHONG TÂM

Ngày đăng: 03/11/2013, 5:27 chiều, ý kiến phản hồi (0)

 

   Nhà thơ Phong Tâm quê ở Cái Mơn, Chợ lách, có nhiều thơ đăng trên trang nhà. Vừa qua, anh đã trao đổi với nhà thơ Hồng Băng (Trà Vinh) về chuyện đời của tác giả cũng như chuyện “bếp núc” trong sáng tác. Qua cuộc trò chuyện này, độc giả có thề biết thêm về hành trình sáng tác thơ của PT trong khoảng thời gian hơn bốn mươi năm, sự ẩn nhẫn chờ thời để ngày nay tiếp tục có mặt trên thi đàn. HM                          

       Hồng Băng và Phong Tâm

HỒNG BĂNG(HB) Biết nhau trên thi đàn cũng tròn trèm trên 40 năm, chừng ấy cũng đã là nhiều, cũng đủ để hàm hồ khoác vai tâm sự. Thưa anh Phong Tâm: Biết nhau cũng đủ lâu rồi /  Chốn thăng trầm tỏ đôi lời để sau.

PHONG TÂM (PT) Trong một lần vui miệng, thi sĩ Kiên Giang đọc mấy câu thơ diễn tả về tôi. Rất tiếc,  tôi chỉ còn nhớ mang máng câu thơ đầu: “Phong Tâm có máu trong thơ”… Có lẽ can cớ đưa tôi đến với thơ có một phần cảm nghĩ này của anh. Bởi sự đam mê ấp ủ thơ trong tôi có từ rất sớm. Dầu vậy, mãi đến thập niên 50 mới làm quen với thơ. Bài đầu tiên đăng trên báo “Tiếng chuông” ông Đinh Văn Khai chủ nhiệm, vào khoảng năm 60, đây chính là năm tôi thật sự sáng tác.

Vào năm 1962 cùng với nhóm bạn sinh viên họp lại thành lập Thi văn đoàn (TVĐ)  Phương Ngàn (BT). Buổi đầu có 7 cây viết sáng tác, sau đó tăng thêm tổng số được 14, hoạt động tới năm 1965 do nhiều hoàn cảnh nhóm này tự tan rã.

Đầu năm 1969, kết nối được một số bạn viết có nhiều thành phần, tôi đứng ra thành lập TVĐ Mai Vàng – Cái Mơn (lấy địa danh Cái Mơn làm đặc điểm cho Mai Vàng). Lúc đầu có 9 thành viên, sau những trang mục của các báo Sài Gòn giới thiệu về bút nhóm, TVĐ thì các nơi từ Quảng Ngãi trở vào miền Tây- Đồng bằng sông Cửu Long gửi thư và bài vở về gia nhập, đạt số bạn TVĐ trên 40. Phần đông là sinh viên học sinh đang ngồi ghế nhà trường. Người đỡ đầu cho TVĐ Mai Vàng là thi sĩ Kiên Giang và nhà văn Sơn Nam. Anh Kiên Giang cũng đã xây dựng một chương trình đặc biệt giới thiệu những khuôn mặt của TVĐ Mai Vàng trong chương trình thi văn Ban Mây Tần phát sóng trên đài phát thanh Sài Gòn do anh phụ trách. Bài viết của nhóm thường đăng trên các báo Sài Gòn và thường xuyên trên tờ báo Điện Tín thời bấy giờ. Nhà báo Mặc Tuyền, nhạc sĩ Bắc Sơn trực tiếp ủng hộ tạo cho nhóm phát triển, hoạt động đến đầu năm 1975 .

Sau năm bảy lăm, tôi chính thức về lại quê nhà xứ Cái Mơn (Bến Tre) tham gia vào ngành giáo dục. Bài thơ tôi viết sau đêm 30/4 là bài “Hoa vàng năm cánh nở”, thầy Tô Phước Hậu phổ nhạc, tập cho học sinh trung học hát dưới cờ, có lẽ thầy Hậu vẫn còn nhớ riêng tôi nay đã quên mất cả nhạc lẫn lời thơ, Không hiểu vì tình cảm, tâm lí, hoàn cảnh hay chưa kịp thích nghi với thời đại mới lúc này hoặc có nhiều trăn trở về nhận thức đã ảnh hưởng đến sáng tác mà tôi không thể viết được nữa? Có một điều tự nhận biết được là không tìm được cảm xúc thật, chưa thấy an tâm. Viết mà phải cố gò nắn cho đúng hướng, cứ lo sợ sơ xuất sai lạc bị hiểu lầm. Có những bài viết xong, đọc lại thấy ca ngợi trống rỗng không xuất phát rung động từ trái tim, tự thấy trơ trẽn thì sao gọi được là thơ, có mảnh đất nào tiếp nhận tự nó không lối thoát, đành từ bỏ thói quen mê thơ và làm thơ.

Tất cả thơ đăng báo viết về tình yêu, tình quê hương, cả bản thảo, bản nháp lưu tồn để kỉ niệm trước bảy lăm lần lượt cân ký bán gói đồ, làm giấy vệ sinh, thất lạc chỉ còn một vài bài chưa rớt ra khỏi kí ức là còn.

Đến năm 1988 – 1989, do một cơ duyên đưa đến, có hai người khách lạ không biết từ thông tin nào đã đến trường trong giờ dạy học tìm tôi, sau đó mới biết Nguyên Tùng, Hàn Vĩnh Nguyên là hai nhà văn ở hội Văn học Nghệ thuật BếnTre, gợi ý động viên tôi viết lại và gởi bài tham gia tạp chí Văn nghệ Bến Tre (tiền thân của Văn nghệ Hàm Luông hiện nay). Cũng chính Hàn Vĩnh Nguyên từng lặn lội đến tận nhà góp ý chọn bài, đúng vào lúc tôi có bài viết cho tờ báo địa phương “đặc san Chợ Lách” vì nhận lời Nguyễn Tân ở Phòng văn hóa thông tin và Lương Minh – nay là nhà báo đang công tác tại tờ “Thời báo Tài chính Việt Nam” TPHCM.

Với Hội Văn học Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre, nơi giúp tôi thêm động lực trở lại với thơ. Ban biên tập đầy tình cảm ưu ái tạo mọi điều kiện cho tôi sáng tác và đi bài. Các bạn nhà văn, nhà thơ Hồ Trường, Vũ Hồng, Kim Ba, Nguyên Tùng, Hàn Vĩnh Nguyên đến Nhật Nam, Mỹ Lệ… là những người đồng hành giúp tôi có cảm hứng sáng tác được nhiều người biết đến. Tôi luôn nhớ nhà văn Vũ Hồng, ở Cần Thơ có nhà thơ Lê Chí chuyên trách tạp chí Bông Sen.

Khuynh hướng sáng tác của tôi thuộc loại thơ trữ tình nhắm vào quê hương , gần gũi nhất là cha mẹ, tình yêu. Về thế sự, không thích ngợi ca vì đã có nhiều người làm, tránh va chạm đến chuyện phức tạp, những điều chưa biết. Tôn trọng nghệ thuật mài mò tìm kiếm hướng đi mới cho thơ mình, nhờ vậy mà may cho tôi, không bị tai nạn nghề nghiệp như vài bạn thơ khác,  bị gán về quan điểm hoặc vô tình “phạm húy” người đương thời mà sau thời mở cửa họ là những người viết bị hàm oan.

Không phải ngẫu nhiên tôi thành lập TVĐ Cái Mơn lấy hoa mai ghép địa danh làm biểu tượng cho nhóm. Bởi khi thấy mai vàng nở là nghĩ đến Tết cổ truyền của dân tộc, nghĩ về quê hương là nhớ nơi chôn nhau cắt rún, nơi nhà bác học Trương Vĩnh Ký sinh ra. Lấy Mai Vàng Cái Mơn là một biểu tượng cho tình yêu quê hương, vì vậy trong thơ tôi vương mang chất trữ tình mộc mạc từ quê xứ sở mà không phải đòi hỏi đề tài lớn lao nào khác.

H B :Cái Mơn cho những dòng sông, những ngàn hoa khoe sắc… Những kí ức đã chuyển thành thơ ca. Điều gì khiến anh vẫn mài mò và tiếp tục thể hiện?                

                         Hoa và sông trải trong thơ

                   Mai sau còn đọng trên tờ giấy trinh.

PT: Sinh ra, lớn lên và sống quanh năm với sông nước nơi vùng đất kinh mương đào ngang xẻ dọc để tháo nước rửa phèn, ươm cây, hái trái qua bao đời của tiền nhân và đời sau liên tục chuyển đổi giống cây trồng. Giờ đây khắp nơi biết đến Cái Mơn như một địa chỉ hoa kiểng cho du khách tìm về. Với tôi, hồi còn nhỏ đã biết được cha mẹ vất vả, nghèo nàn trong tay không có được nắm đất chọi chim, mở mắt trong mái nhà lợp lá, dừa tre xiêu vẹo, lại tiếp cận sớm với sông rạch để kiếm sống, với bao nỗi bất công vây quanh bên những con người tốt bụng… hình thành trong tôi nhiều ấn tượng nằm sâu trong kí ức đã nuôi dưỡng tâm hồn. Kết hợp với tình yêu thương có được trong đời là những thứ tạo nguồn cảm hứng chuyển thành thơ ca mà tôi dựa vào đó để làm nên tác phẩm của mình.

Thơ vốn là nghệ thuật đầy màu sắc, đẹp như tình yêu, có sức hấp dẫn đầy quyến rũ khó giải thích được. Thật ra tôi làm thơ chưa bao giờ nghĩ đến sẽ trở thành nhà thơ, cũng chưa bao giờ dám mang danh xưng này vào người dẫu là kì vọng, bởi vì tôi làm thơ chỉ xuất phát từ sự đam mê, viết để cởi mở tấm lòng thỏa mãn niềm yêu thích, làm thơ cũng là cách để tu dưỡng tâm hồn nói lên được cái đẹp,  cũng có nghĩa là loại dần được cái xấu  đang tiềm ẩn tồn tại trong bản thân.  Làm được một bài thơ hay có người đọc, chia sẻ là niềm hạnh phúc. Tôi có gần 20 bài thơ được những người thân thiết hoặc sơ giao như nhạc sĩ: Bắc Sơn, Xuân Hòa, Kiều Tấn Minh, Trần Thế Kỷ và Hà Xuân Hiệp phổ nhạc. Tuy rằng chỉ để kỉ niệm,  ít phổ biến, cũng đã khích lệ tạo thêm cho tôi nguồn cảm hứng sáng tác.

Tình yêu tình quê hương nói chung ngấm sâu vào máu thịt ,lay động cảm xúc không ngừng cho tới giờ này vẫn còn rung cảm trong tôi. Chính câu mở đầu trong chương trình thi văn ban Mây Tần của thi sĩ Kiên Giang: “Người ta có thể cất bước rời khỏi quê hương, nhưng con tim  không thể tách rời quê hương được”. Câu này đã theo tôi suốt,  và trong thơ tôi nó tiếp tục thăng hoa.

HB: Xin chân thành cảm ơn Nhà Thơ đã  tỏ bày với tấm lòng chơn chất. Rất mong được đọc những sáng tác mới thấm đẫm tình yêu quê hương dân tộc.

                                             Cái Mơn, 28/10/2013

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
Xem tiếp...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
Xem tiếp...
unnamed
Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ
Nhớ năm 1964, khi dự thi môn Văn của bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi đã phải trả lời câu hỏi giáo khoa...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 11
Lượt truy cập: