Lại cũng tiếng rao eo éo ấy vào đúng buổi chiều.
– Ba khía đây! Ba khía…
Tiếng rao đúng giờ như cái đồng hồ báo thức. Nhỏ dần rồi lẫn mất trong cái hợp âm hỗn độn nào bánh bánh bao, bánh mì, tiếng karaoké nheo nhéo… Một tuần qua, kể từ ngày tôi dọn về căn gác trọ đầy những gián và muỗi này , ngày nào cũng bị tra trấn bởi đủ loại âm thanh. Trong đó, tiếng rao “ba khía đây” đúng là khủng khiếp đối với tôi. Tôi nhớ ngày nhỏ mẹ thường cho tôi ăn độn khoai lang với ba khía vào những ngày mưa bão, lụt lội không đủ tiền mua gạo. Ba khía – thứ động vật có càng giống như con cua được ủ lâu ngày mang cái mùi khai khái. Không thích, nhưng đói thì cố nuốt cho đầy bụng chứ khái niệm về ăn như một động từ suông. Qua rồi cái thời cơm độn củ khoai củ chuối, theo dòng chảy cuộc đời tôi quên luôn con ba khía như quên cái nhà chòi lợp bằng lá chuối ngày xưa thuở lên năm lên bảy. Mấy ngày nay, tiếng rao ba khía dù vô tình cũng khơi dậy trong tôi ký ức của tuổi thơ đói nghèo. Chợt buồn, chợt xót xa rồi bực mình khi nhớ tới cái mùi khai khái khó chịu để bực mình luôn tiếng rao của ai đó mà không thèm nhìn mặt.
Hôm qua. Chiều. Tiếng rao. Và, tôi quyết định nhìn lén. Từ trên gác tôi chỉ nhìn thấy loáng thoáng phía sau là cái đầu tóc bới rất gọn và chiếc áo bà ba đã phơi bày sự “quê” của dân vùng sâu mới đến thị xã. Tự nhiên tôi tức cười khi nghĩ đến cái đầu tóc mượn của ngoại tôi thường được bà chải chuốt bằng dầu dừa, cười cái dáng mảnh khảnh kia rõ già dù tôi biết chắc đấy là một cô gái. Chỉ có tiếng rao là vô tư rồi như bao lần chìm mất trong những âm thanh phát ra từ cuốn băng cassette thu sẵn.
* * *
Đối dịên với tôi trong lớp Anh văn buổi tối là cô gái có mái tóc dài tự nhiên, đôi mắt buồn như biết nói, ít giao thiệp và tỏ ra kín đáo trong chiếc quần jean áo thun nghiêm túc. lạ. Tôi muốn làm quen với nàng.
Tan học. Tôi cố ý đi gần nàng.
– Không có người đón à?- Tôi hỏi trổng.
Lắc đầu. Nàng lẳng lặng dắt chiếc xe đạp ra cổng, cái dáng cô đơn đến lạ lùng. Tôi bám theo, gợi chuyện.
– Về đâu vậy?
– Phường sáu.
Chỉ vậy thôi rồi nàng lên xe đạp nhanh về phía hồ Trúc Giang. Tôi cụt hứng tản bộ ra công viên ngồi kéo thuốc lá để đối diện với mình, với bóng đêm muôn đời hiền hậu. Có vài cặp trai gái ngồi khuất sau các chậu kiểng, thỉnh thoảnh họ cười lên nắc nẻ rồi chợt im bặt, nhường lại cho đêm và đời những câu hỏi không có sự trả lời.
Tôi bỗng giật mình khi có ai đó để tay lên vai mình.
– Buồn vậy, thất tình à?
Tôi hiểu ngay cô gái đang cần gì. Tôi cười lạnh.
– Không.
– Còn thuốc không?
– Bastion.
– Sinh viên à?
– Xích lô.
– Láo. Sao “lúa” thế, không thích à?
– Còn hai ngàn, được chứ?
Cô ả quày quã bỏ đi không quên buông lại một câu lạnh lùng.
– Đi mua cá cơm đi!
Tôi cười thầm và chợt nhớ đến tiếng rao trong hẽm Thắng Lợi.
* * *
Nếu không có cơn mưa buổi tối hôm ấy thì tôi và nàng vẫn cũng chỉ là hai người xa lạ với đúng nghĩa của nó. Sau buổi học, ngoài trời gió thổi mạnh và mưa như rửa bụi trên không gian. Vài ánh chớp lóe sáng đủ để tôi nhận ra nàng đang co rúm trước hiên trường. Nàng như lọt thỏm giữa đêm và lạnh. Tôi nao lòng.
– Khờ thế! Vào trong phòng, không thì ngày mai bệnh viện thêm một giường đó.
Không đợi nàng phản ứng tôi đưa chiếc áo mưa trước mặt nàng, giọng đùa.
– Bán trả góp, dù sao cũng rẻ hơn đường và sữa.
Và, đêm ấy tôi đưa nàng về. Nàng nói rất ít, chỉ cho tôi biết nàng tên Linh, nhà ở miệt biển, cha mẹ mất hết ở với nội. Lên Thị xã ở trọ để luyện thi và học thêm ngoại ngữ. Hình như tôi yêu nàng, yêu cái trầm lặng buồn như mưa đêm của nàng, yêu cái dáng hao gầy cam chịu và yêu ánh mắt mơ màng có những sợi mi cong cong như móc vào lòng người có trái tim đa cảm như tôi. Nàng lại khác, giới hạn giữa tôi và nàng là những đêm đưa về tới Ngã Năm, không uống nước, không cho đưa về tận nhà, không và… không! Kệ, dẫu sao nàng cũng đã chấp nhận làm bạn với tôi. Ở đời có đôi khi đòi hỏi là một sự xúc phạm. Trong tình yêu cũng vậy, phải cho và nhận đúng lúc.
Chủ nhật.
Tôi buồn vì đã một đêm vắng nàng. Tản bộ ra phố tìm mua tờ báo tôi đến công viên gần Nhà Bảo tàng ngồi nhìn lá rụng và nhìn nắng cháy trên những tán cồng ở trong trường dân lập. Tiếng chuông nhà thờ như khều vào nỗi nhớ mông lung. Vài cô gái trong bộ áo dài trắng tinh khôi đứng cầu nguyện. Cảnh và người làm tôi xúc động nhớ tới nàng. Và, tôi quyết định đêm nay bày tỏ tình cảm với nàng.
Đêm. Tan học. Nàng dắt xe ra cổng, đi chậm lại như có ý chờ tôi. Tôi bước theo nàng, im lặng. Bỗng nàng lên tiếng.
– Đi uống nước nhe?
Tôi lúng túng vì quá đột ngột. Sự thật thì tôi cũng định mời nàng nhưng chưa dám. Không ngờ nàng như đọc được suy nghĩ của tôi. Vậy là có sự liên hệ vô hình nào đó giữa tôi và nàng. Tôi buộc miệng nói đùa.
– Chiếc phao cứu hộ thảy ra đúng lúc, tôi gần đuối rồi đấy.
Nàng cười nhưng lại buồn ngay. Nhiều lần tôi định hỏi nàng về cái buồn muôn thuở ấy nhưng sợ vô duyên, nên thôi. Chúng tôi vào quán cà phê cạnh thư viện tỉnh. Nàng uống cam vắt, tôi ly cà phê đen và nửa gói Con mèo. Sang, nhưng có nàng thì giả bộ có tiền, không ngại.
Ngồi cạnh nàng mùi con gái lấn sang tôi khiến tôi quên mất những dự định ban ngày, chỉ còn lại sự rạo rực, ngây ngây của một cảm giác khó tả. Từ trong quán phát ra giọng Phương Thanh với bài hát “Tình cờ” thật đúng như tâm trạng. Tôi nói vu vơ.
– Bài hát hay quá.
– Gì? – Nàng lơ đãng
– Tình cờ ấy mà.
Nàng e thẹn kéo mái tóc dài ra trước ngực rồi như để khỏa lấp nàng nói lảng.
– Trời sắp mưa.
– Bão càng tốt – tôi nói nửa đùa nửa thật – Mưa để tôi được quen với Linh, bão thì chắc sẽ hơn thế?
Tôi chờ đợi sự phản ứng của nàng từ lời nói bóng gió của tôi. Nhưng không, nàng thu mình lại, lặng buồn. Rồi nàng quay sang tôi nói rất khẽ.
– Ngày mai Linh đi Sài Gòn, chuẩn bị thi đại học.
Tôi bưng ly cà phê hớp vội, đắng nghét. Gió quất vào đêm những âm thanh rời rạc. Ai đã đổi tình khúc Trịnh Công Sơn trên máy nghe buồn da diết. Tôi hỏi nàng một câu hết sức ngớ ngẩn.
– Rồi Linh trở về chớ?
– Về. Vì đây là quê hương của Linh mà. Nam cho Linh địa chỉ nhe!
Trước khi chia tay nàng nói với tôi rằng nếu nàng đậu đại học, khi ra trường nàng sẽ xin về đây làm việc, còn không, nàng sẽ thi vào Cao đẳng sư phạm. Tôi đưa nàng tới Ngã Năm rồi quay lại công viên ngồi nhìn mây trôi dày đặc dưới bầu trời sắp mưa.
* * *
Một ngày qua tôi nằm lì trên gác. 4 giờ chiều, tôi đợi tiếng rao “Ba khía đây” để trút cơn buồn, cơn giận lên đó. Tôi ghét cái âm thanh eo éo ấy như ghét cái quá khứ nghèo của tôi. 4 giờ 15 phút. Tiếng rao bánh bao, bánh mì, tiếng karaoké xập xình hỗn dộn nhưng tiếng rao ba khía thì chưa nghe. 5 giờ, tôi nhỏm dậy ngóng cổ xuống đường. Trống trơ. Vài bà hàng xóm rỗi việc tụm đầu nói chuyện. Giọng một ai đó phàn nàn.
– Con nhỏ bán ba khía đâu mất tiêu mà giờ này không thấy?
– Ủa, bà không hay gì sao? Chiều qua nó nói lời từ giã xóm này để đi Sài Gòn. Nghe đâu chuẩn bị thi đại học. Con nhỏ nghèo mà dễ thương ghê, buôn gánh bán bưng để kiếm tiền đi học.
Gió bất chợt táp vào mặt tôi, mây đen kéo đến nhanh kinh khủng. Chuyển nam. Tự dưng tôi thèm nghe lại tiếng rao “Ba khía đây” dù chỉ một lần.
Ngọc Vinh
Ko biết “Con nhỏ Ba Khía” sao này trở thành Kỹ sư, Bác sĩ…..hay gi đây hỡi nhà văn…….