Hến… ! Đó không phải là tiếng rao hàng bình thường của những khách thương hồ xuôi ngược trên sông, cũng không phải là tiếng rao của những người khỏe mạnh đầy hơi âm thanh thường vang xa, kéo dài mà là tiếng rao của bà cụ trên bảy mươi tuổi. Tiếng rao ấy cách nay trên mười năm nhưng vẫn còn âm âm trong ký ức tôi, ám ảnh tôi, nó thường tụ lại thành một sức nặng vô hình treo trong tiềm thức, có lúc lại lan ra thành một cơn sóng đồng tâm khuấy dộng tâm hồn tôi mỗi khi mùa hến về.
Nước ròng trên sông Cổ Chiên (ảnh LM)
Mùa hến thường bắt đầu từ tháng Tư âm lịch kéo dài cho đến cuối tháng Năm, nghĩa là nó xuất hiện theo những cơn mưa đầu mùa. Hến không sống được ở những vùng nước lợ hay mặn mà sống rải rác ở các con sông nước ngọt. Với vùng đồng bằng, hến là một món ăn dân dã hay nói trắng ra như nhà thơ Kim Ba thì nó là món ăn của nhà nghèo. Hến là một loài nhuyễn thể nhiều đạm và can – xi, cho nên nếu ai có cái bụng yếu mà ăn hến thì…coi chừng! Hầu hết người dân Nam bộ đều thích ăn hến vì nó dễ ăn, dễ chế biến lại không mắc tiền. Thậm chí, vào đúng mùa hến, vác rỗ xuống sông không đầy mười phút thì đã có một bữa nhậu … tưng bừng! Hến có thể chế biến thành nhưn bánh xèo, hến xào sả ớt, xào củ hành… nhưng đặc biệt là hến vớt ruột ra không làm gì hết, cứ để vậy mà cuốn bánh tráng, rau sống chấm với mắm cá cơm, đơn giản mà tuyệt ngon. Riêng nước hến, vớt ruột xong để nước lắng lại nấu canh rau mồng tơi, bù ngót bỏ chút bột ngọt, tiêu, không chê vào đâu được.
Tôi không có ý định “ quảng cáo” về một món ăn hiếm khi có tên trong thực đơn ở các nhà hàng sang trọng, chỉ sẵn dịp nói thế. Điều mà tôi đề cặp là tiếng rao hến trên sông Cổ Chiên mà chiều nay khi tin bà cụ ấy mất, tôi chợt bàng hoàng. Quá khứ nhanh chóng hiện lên trong suy nghĩ cùng tiếng rao chiều đứt đoạn…
* * *
Bà cụ sống độc thân với cái nghề rất đặc biệt: mò hến. Tại sao không cào, không đãi mà lại mò? Đơn giản là vì cụ không bao giờ bắt hến vào đúng cái mùa của nó mà bắt vào “ mùa nghịch”. Nói mùa hến nghịch là nói cho vui chứ thật ra hến chỉ có mỗi một mùa gói gọn từ tháng tư đến tháng sáu âm lịch. Những tháng còn lại là hến “sót” khi người ta đã đãi, cào trong mùa. Hến sót lại thường là hến lớn nằm trong các kẹt bần, lùm ô rô hay rải rác ở các bãi nhiều mảnh thủy tinh bể nên người ta ngại không cào tới. Chính vì vậy, cơ hội “làm ăn” của cụ là lúc này. Dân xóm tôi gọi cụ là “người cõi dưới” vì sự “chuyên nghiệp” đời mò hến của cụ. Hết mùa nhưng ngày nào cụ cũng mò chừng chục lít hến và thường là không đủ bán. Cụ mò hến bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng, hễ nước xoay cạn vào thời gian nào cụ lại xuống sông vào thời gian ấy. Cụ xuất hiện trên sông lặng lẽ, đơn độc và nhỏ nhoi nhưng bền bỉ với công việc . Ban ngày thì còn có ghe xuồng đi ngang hỏi thăm cụ đôi ba câu hoặc những người dân trên bờ ngồi chờ mua hến tán gẫu với cụ. Còn ban đêm, giữa khuya, khi tôi đang ngồi học bài thấy nhập nhoạng một ánh đuốc trong ngọn đi ra, tôi biết chắc là cụ, cái bóng đuốc đó thầm lặng như chính cuộc đời cụ. Mẹ tôi nói, không ai biết cụ từ đâu tới, lí lịch ra sao, chỉ biết là trong những năm chiến tranh, xóm tôi xuất hiện một người phụ nữ trên bốn mươi tuổi, xuất hiện như từ trên trời rơi xuống và bám vào cái xẻo đất nằm trong cùng một con rạch cất cái chòi nhỏ xíu trú thân rồi kiếm sống dưới đáy sông từ đó. Không ai đi điều tra một con người vốn không có gì bí mật. Chiến tranh, người ta chạy giặc và lưu lạc là bình thường. Hơn nữa, ngoài cái” nghề” đặc biệt để kiếm sống thì cụ cũng chưa hề gây hấn với ai, không can dự vào bất cứ những hoạt động nào của xã hội, có chăng là đối đáp “chọc quê” mấy gã “dê xồm” trong xóm. Lần đó, một gã “dê” nổi tiếng ở xóm thấy cô Năm Hến đơn chiếc góa bụa nên đeo theo gạ gẫm. Cừ đợi cô Năm xuống sông là gã ngồi chò hỏ trên bờ nhìn xuống. Giận, cô Năm nói vọng lên khi thấy gã vừa hớt tóc bảnh bao:
– Thấy anh hớt tóc mà em khóc lu bù
Tưởng đâu thầy thông, thầy ký ai dè ở trong tù mới ra.
Gã rờ đầu và biết cô Năm “chơi xỏ” mình. Cái máu “sĩ” trong người gã nổi dậy, gã buông luôn một câu trả đủa:
– Dầu nay anh chưa đặng chử quan tha
Đầu anh anh hớt chứ hớt đầu cha nàng sao nàng buồn.
Kéo cái thau hến lội qua bên kia bờ sông, cô Năm còn vói lại một câu:
– Xời… Buồn thì mắc mớ gì em phải buồn
Chỉ tội nghiệp cho những kẻ cùng đường nói … ngang…
Lần khác, cũng chính gã, thấy cô Năm ngồi bán hến ở chợ chồm hổm, dạo một vòng rồi đến bên thau hến hỏi một cách cố ý:
– Hến bao nhiêu một… con vậy em?
Ngước lên, cô Năm phản ứng rất nhanh:
– Dạ, mười… dầm một con. Anh muốn mua mấy con?
Nghe nói sau lần đó gã này không dám bén mảng lại gần cô Năm nữa vì… chạy mặt!
Những ngày mưa, nhất là mưa chiều, tôi thường để ý cụ lầm lũi bưng cái nồi gang cũ kỹ, lọm khọm đi từ trong ngọn ra trên lưng là chiếc áo mưa, không, miếng ni-long trắng choàng qua cổ, thắc lưng buộc bằng dây chuối và cái nón lá tưa vành, chỉ đủ che cái chỏm đầu. Cụ ngồi dưới tán gừa già gie ra mé sông chờ nước cạn thêm một chút. Cái lạnh trên người cụ thấm vào tôi, buốt giá. Hình ảnh này làm tôi nhớ đến truyện ngắn “Vết hạc trong mưa” của nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Ừ, cái màu trắng mong manh ấy trong mưa chợt ẩn chợt hiện, chợt hư chợt thực dễ gây một nỗi buồn mênh mông, vời vợi. Hình ảnh dễ gây liên tưởng đến thân phận loài cò…
Bắt hến vào “mùa nghịch” như cụ thường không đợi đến nước cạn sát mà bắt vào những con nước sình nên người bắt phải ngâm mình trong nước tới cổ. Ngâm mình trong nước như vậy mấy tiếng đồng hồ thanh niên trai tráng còn thấy ngán chứ đừng nói bà cụ ở cái tuổi gần tám mươi. Nhưng cụ thì khác, sự chịu đựng đã trở thành thói quen, chỉ đến khi ở giai đoạn cuối của cuộc đời mò hến, mới thấy cụ xuống sức, mới thấy cụ thấm lạnh! Tôi nhớ như in những ngày cuối cùng đó, dáng cụ liêu xiêu bước từ dưới sông lên, cái quần vải ú đen và chiếc áo bá ba màu nước tro vá chùm vá đụp dính chặt vào thân thể teo gầy, nhăn nhúm. Cụ run bần bật. Và, cái dáng liêu xiêu đó loạng choạng bước trên đường mòn bằng đơi bàn chân giao chỉ mĩc cời, mĩc hít. Từ trong cổ thoát ra trên cái miệng thâm tím vì lạnh một tiếng rao:
– Hến…
Tôi chỉ nghe được chữ hến, không có “hơ”. Bởi, thay thế cái tiếng bổ trợ đó là một chuỗi dài những âm thanh khác, âm thanh của sự ứ nghẹn, không thành tiếng nhưng nhìn nó người ta biết cụ đang “hơ”. Tiếng rao hến đứt đoạn đó hình như cụ cũng cố gắng lấy hơi để rao thật lớn nhưng buồng phổi của người gia øchỉ chứa đựng đủ không khí để cụ phát ra một từ hến, còn lại là hai hàm răng liên tục đập vào nhau mà người ta gọi là “đánh bù cạp”. Tiếng rao đó đã quất một roi thật rát vào tuổi thơ đói nghèo của tôi, bởi sau này, tôi là người kê tục “ sự nghiệp” mò hến của cụ để kiếm tiền ăn học. Tôi không ngâm sông dẻo dai như cụ, chỉ hơn một tiếng là phải trồi đầu lên bờ. Có dấn thân vào “nghề” mới thấy kiểu kiếm sống nào cũng không đơn giản. Tưởng rằng công việc mò hến là không có gì nặng nhọc nhưng để có đươc vài đồng mua gạo người ta phải quơ tìm dưới đáy sông từng con hến và thỉnh thoảng tôi cũng nhẩm đếm để đoán rằng bao nhiêu con hến thì được một lít… gạo!
* * *
Bây giờ chưa phải vào mùa hến nhưng tôi vẫn ngồi nhìn xuống dòng sông để nhớ những ngày hến vào mùa. Tôi thích cái không khí ấy. Một đoạn sông hơn cây số đầy người, già có trẻ có, đàn ông đàn bà kẻ cào người đãi âm thanh cuộc sống vang rộn một khúc sông. Những đêm trăng sáng, nước cạn, ngồi trên bờ nhìn xuống sông nghe người ta đãi hến, nghe người ta hì hụp lặn cào hến mà mắc “thèm”! Thèm sống và thèm nhào xuống hòa mình vào cuộc kiếm sống thanh khiết ấy. Cứ xuống, không bắt hến cũng được, có khi chỉ để nằm ngửa cổ trên đất sình giương tầm mắt lên trời cao ngắm thỏa thích vũ trụ bao la mà dưới lưng là… hến!
Chiều nay khi hay tin cụ Năm mất, tôi ra ngồi bên bờ sông nhìn dài theo bãi đất cạn. Cây gừa già chơ vơ gie ra mé sông ngày nào đổ sụp mất. Con sông không vào mùa hến vắng ngắt nhưng hình như đâu đó trong hư không vẫn lẩn quẩn hình dáng một loài cò… Trong bộn bề của cuộc mưu sinh bây giờ và mai kia nữa còn có một người đàn bà lặng lẽ dưới dòng sông đêm kiếm sống? Nghe nói khi đã mất trí nhớ, cụ Năm thỉnh thoảng cũng lấy hơi rao nhưng bây giờ chữ “hến” chỉ còn là hơi gió. Tôi biết mùa hến năm nay tôi sẽ không ăn ngon lành như những năm trước vì tiếng rao chiều trên sông Cổ chiên đã theo gió bay rồi.
Ngọc Vinh
Tôi không biết bà cụ mà tác giả nói có phải là bà cụ mà tôi biết không, nhưng khi đọc xong Tiếng rao chiều trên sông Cổ Chiên tôi lại chạnh lòng nhớ đến bà cụ tôi biết ở chợ chồm hổm gần cầu Thông Lưu ( không biết Sông Lưu hay là Thông Lưu nữa) . Hồi đó cụ có một đứa cháu nội – Con của người con nuôi – giúp việc cho tôi. Tôi biết hoàn cảnh của cụ nên có vài lần ghé thăm. Cụ tội nghiệp lắm , ở một mình trong một căn chòi xiêu vẹo , hàng ngày xuống sông mò hến lên chợ bán , Cụ nghèo lắm, nghèo đến mức buổi tối chỉ dám đốt cái đèn dầu lên để giăng mùng rồi tắt ngay sau đó ( Cụ nói với tôi , cái đèn cóc nầy bắc xài 3 tháng mời hết dầu .) Cột nhà là 4 cây gòn được trồng ngay xuống đất và mọc lá ngay trong chòi , lá mọc đến đâu cụ bẻ bỏ đến đó , cụ nói như vậy cho cột nhà không bị mục . Hồi đó vì hoàn cảnh tôi rời quê lên Sài gòn nên không còn được thỉnh thoảng ghé thăm cụ nữa, Hôm nay đọc bài của Ngọc Vinh tôi nghĩ ngay chắc Vinh viết về bà cụ đó . Cảm ơn em – Ngọc Vinh- Mong sẽ được đọc nhiều hơn nữa những hồi ký , truyện ngắn của em . Thân ái !!
Ngoc Vinh !chi NgT vua doc xong bai Hen , cua Ng Vinh long chi dang l’en cam duc boi hoi , chi nho nha , nho mon hen vot . Cuon banh trang, chi me nhat la mon nuoc het nau chao voi nuoc côt dua , hoac nuoc nau canh rau thap tan an quen thoi, Luc nao cung vay , ve Chợ Lách ban chi (Lieng ) hay cho chi an oc dang , hen la chi me roi ,cam on Ngoc Vinh cho moi nguoi doc nhug tac pham ve que huong . Than ai <Ngoc Thu>
Dạ, chị Phương Chi nhớ không sai, nhân vật trong bài bút ký chính là bà Năm Thiểu nhà ở kinh Bổn Sồ. Bà thường mò hến rồi đi bán từ kinh Bổn Sồ tới cầu Sông Lưu. ( Chừng nào chị có về Chợ Lách cho em hay, em sẽ gởi tặng chi tập truyện).
Chị Ngọc Thu mến! Khi nào thì chị về Việt Nam? Nếu là còn trong mùa hến, em sẽ tự tay bắt đãi chị một bữa… ngán luôn!(nghề của em mà!). Còn cô Nguyễn Thị Triêm mà chị nhắc hiện đang ở gần em, sống độc thân, về hưu lâu rồi. Chắc cô không có dùng những phương tiện thông tin truyền thông nên chừng nào chị về em sẽ hướng dẫn chị tới nhà gặp cô. À, chị có nhận mail và bài ký em gởi chưa?
(nhắn với anh Quang Phước: Đã nhận được phản hồi của anh. Cảm ơn anh đã quá khen! Mong nhận được sự góp ý của anh cho những bài viết sau này)
Ngọc Vinh than mến,
Đọc bài của Vinh, mình thấy gần gủi và xúc động quá….Lối viêt mộc mạc, chân tình về vùng quê, về những con người quê mùa chân chất làm a thich lắm. Hến là cái món a cũng rất thich đó….Hy vọng một ngày đẹp trời sẽ dc ngòi ở bờ sông, nhậu với Vinh, mồi là hến và rượu đế nhe. Than ái
Ngoc Vinh than m’en !!! Doc <xom cau , roi d’en hen> chi thu nho Nha lam muon Thoi gian qua nhanh de ve que an (hen) cho chi hoi co phai em la con co Be , em chu Haï Diet khg !!!! Neu Dung em Ngoc Vinh Thuong chi mot bua an toan hen nha , em nhac chi nho ba nam ban hen roi , phai lui ve qua khu that l’au moi nho ra ba nam , va hoi giut Minh , thay Minh gia roi em nhi ? Gui d’en em cam xuc cua chi qua nhug bai em viet ça duong haï Kim chi cung biet gio duong ay da chet roi em nhi !!!! Mong ngay gap l’ai , chi biet Nha chi Triem , Gan Nha Chiem . Chi Ngoc Thu , chi va Chich Chi moi nhac em toi qua . Chich biet em .
Ngoc Vinh !!! Chi ngoc Thu nhan duoc bai cua Vinh roi , cam on em
Chị Ngọc Thu (hay dì Ngọc Thu), Đúng vậy, con là con của mẹ Bé, cháu 2 Điệc, còn có tên khác là Phương. Thật vui khi khi dì Ngọc Thu “nhớ” ra con!
Anh Quang Phước, Chừng nào, về Việt Nam nhậu trên sông một bữa cho đã thèm nghen anh!
Ngoc Vinh thương !!! di Thu va me Be cua Vinh , khong nhung quen ma còn rất thân nữa. Khi gap lai se noi nhieu hon , giọng tho cua Vinh buon qua ! Đoc roi , doc lai khong thay chán , va ca tho cua anh rể Tam Hoài cung vay , than ai. < NgocThu >