Trung Học Chợ Lách

Giờ mặt trời

Ngày đăng: 12/04/2013, 7:23 sáng, ý kiến phản hồi (2)

 Một Lúa là bút danh của Nguyễn Thế Điển, tay viết văn xuôi của trang TPH-VL nhưng là độc giả thường xuyên của trang trunghoccholach.com do là học trò của thầy Đào Hữu Ngạn khi thầy dạy ở Tam Bình. Truyện Giờ mặt trời (Greenwich Mean Time-GMT-Giờ Mặt Trời.) được tác giả  kể với giọng văn vui nhộn, có hư cấu thích hợp với những người “thương vợ”

Cách nay hơn 30 năm, thời mà Thương xá Vĩnh Long vừa mở cửa khai trương. Tôi chỉ nhớ mang máng là mặt tiền của nó nhìn thẳng qua Đài Chiến sĩ, ngay cả thương xá đó có lầu hay trệt không tôi cũng không dám chắc vì chỉ đến đó có một lần. Tôi nhớ một điều quan trọng là mình bẻ một xuồng đầy dừa khô và chuối xanh ở vườn quê, róc thêm chục bó lá dừa khô bán cho bà con nhóm lửa, lựa và xếp cũng chừng hai ba chục xấp lá chuối lành lặn cho người ta gói nem gói bánh. Gom góp vừa đủ tiền để mua được chiếc đồng hồ điện tử Casio từ một gian hàng điện máy ở gần ngay cửa chính trong thương xá đó. 
        Sắm xong báu vật, tôi quày quả ra bến xe trở về nhà dù tôi biết từ đó tới chiều cũng còn hai chiếc xe đò  chạy về ngang chợ xã. Hành động vội vả hôm đó không giống tánh tôi chút nào hết. Thường là những lần đi tỉnh, tôi nghêu ngao rề rà chợ búa tỉnh thành thiếu điều trễ  chuyến xe tài chót. Bởi nôn nao lo về nhà để khoe cái vật hiện đại với bà con chòm xóm dưới quê. Chiều đó, sốt dẻo tôi rửa hàng mới bằng hai chai nước nếp cao độ cho có tính sát trùng. Tụi thanh niên trong đồng nghe tin xúm lại hỏi chợ đó bán cái gì. Lần đầu tiên tôi ngọng, đâu như hai năm trước có dịp đi thành, tôi về tới nhà là thao thao tả cảnh sinh hoạt Chợ Cũ bán hàng còn mấy chục phần trăm, âm thanh trong Chợ Thiếc và Chợ Đệm khác biệt thế nào. Tôi còn nhớ đám bạn của thằng Bảy Mỏ Nhác dù mới quen tôi. Cũng quây quần như hôm nay, nhưng hôm đó tụi nó ngồi nghe mê mẫn quên cả việc rót rượu ra ly, uống xoay vòng như thường lệ.

       Từ những giây đầu tiên đeo chiếc đồng hồ mới cáo trên cổ tay khi bước ra khỏi chợ, nhỏng nhảnh vài bữa tôi mới nhận ra mình đã lạm dụng chiếc đồng hồ nầy. Mình đâu phải là thầy chú mà cần xem giờ để đi mần việc, cũng không phải dân mua bán có môn bài hay dân chạy mánh, mà cần đồng hồ để phân lượng thời khắc hẹn hò hàng họ. Cũng chưa được là tay bán vé số dạo, có thời giờ trên tay để khỏi bán vé số xổ rồi cho cô bác. Không lẽ cả buổi sáng ngồi đía đá vô tư ở mấy quán cà phê, lâu lâu dở tay lên để biết giờ mà mò về nhà ăn cơm. Chuyện nầy thì cái bụng to kềnh của mình nó chính xác gấp mấy lần cái đồng hồ nhỏ xíu.

        Để ý mấy bữa không thấy chiếc đồng hồ nầy giúp mình bổ khoẻ gì hết, nên có một ngày tôi buồn tình tháo nó ra máng vòng lên cổ chai nước mắm. Đến chiều bà xã của mình vô bếp nấu cơm, lẵng lặng tự tin đeo vào cổ tay. Bả không nói không rằng, coi như món quà Trời ban, kính nhờ các cấp Táo quân sở tại chuyển lại cho đuơng sự, cám ơn.
        Chắc là vô tình mà gặp nhằm giờ tốt, từ khi bà xã tui làm chủ chiếc đồng hồ, thì sinh hoạt nhà tui có tính khoa học và sống động hơn một chút. Mấy đứa nhỏ đi học buổi trưa khỏi phải chờ mấy đứa bạn bà con đi ngang kêu hú. Bà xã của tui biết giờ mà nấu cơm cho đúng cử đói bụng của đám thần dân dưới quyền cai quản. Mới làm quen chiếc đồng hồ một tuần trăng mà bà xã của mình có thể biết được giờ nào của hôm nay nước lớn đầy sông để nhắc cho tui nhớ biết đường về nhà xách nước đổ vô lu vô khạp. Thường thì người ta hay nói, con sông có đầu có đuôi như con cá, con lươn.  Nhưng đặc biệt là sông Mang Thít có những hai đầu.  Đầu đông bắc nhận nguồn nước Tiền Giang tại vàm Cái Nhum, phía tây nam nhận nguồn nước Hâu Giang ngay quê hương của “tình ông bán chiếu” Út Trà Ôn. Người ở quê chỉ xài nước khi mực sông đầy, lúc mà người ta tin rằng dòng nước còn “gin”, chưa  được hoà trộn chất thải gia dụng tuôn ra từ những nhánh kênh rạch như chân rít dọc theo hai bờ, cũng như chưa tiếp xúc với lượng thuốc trừ sâu, thuốc cỏ rò rỉ từ trong ruộng. 
        Cũng kể từ ngày vợ tui có chiếc đồng hồ điện tử, hình như khả năng chỉ huy thiên phú của bả vượt trội hơn bao giờ hết. Thời biểu hàng ngày của tôi được bả ra ni thiệt kỷ hơn thợ may áo dài. Chỗ nào bóp lại, chỗ nào phình ra, chính xác tuyệt đối, không được du di hay lấn sân tùy tiện. Tiêu biểu một ngày như mọi ngày của tôi mẫu mực thế nầy, bất kể thức sớm hay dậy muộn, tôi phải xong việc cà phê cà pháo cà khịa để có mặt tại nhà lúc 7 giờ. Làm cỏ vườn hoặc các công việc tu bổ vườn tược đến 11 giờ mới được vô ăn cơm. Sau bữa cơm hoặc là ngủ trưa hay chạy loanh quanh đâu đó. Đúng 1 giờ trở về nhà để chọn một trong ba khí giới vừa tay, búa đẻo dao chành hay xẻng đào đất, rồi tiếp tục ra vườn tự dùng tất cả trí thông minh nếu có, mà kiếm việc để mần. Yêu cầu đừng hỏi tới lui làm mất thì giờ và sức khỏe cấp chỉ huy, nếu thấy chưa cần thiết.
         Nhớ lại thuở vàng son cách đây cũng không lâu lắm, có lẽ trước khi triều đại điện tử Casio đăng quang. Cứ mỗi lần tôi được đi chợ để mua món gì xem ra để lâu không thiu thúi, chém chết thì tui cũng mài láng mấy ghế quán cà phê. Thậm chí mấy chỗ không ai để sẵn ghế ngồi như sòng cờ tướng, tôi cũng chịu khó đứng lóng nhóng sau lưng các danh thủ để học những thế ác hiểm của người ta. Mỗi lần có dịp thoát thân ra đường như vậy, tôi cũng ráng thu hoạch mang về một chút thế đánh song xa, tiền mã hậu pháo, khi thì khó khăn lắm mới ngó ra chiêu song mã liên hoàn cước, và có lẽ tâm đắc nhất là chộp được thế chốt qua sông có xe pháo chống lưng, tuy chậm mà hung hãn và bất chấp luật giao thông như hủ lô cán lộ. Cơ hội được “sạc pin thành thị” đã làm lé mắt tụi bạn quê như đám thằng Năm Cua đinh, tối ngày không dám rời chân ông táo, vợ con đùm đề mà vẫn còn phảng phất “hương đồng gió nội”.

        Một buổi sáng đẹp trời, giống như những buổi sáng khô ráo có nắng vàng hây hây dìu dịu trên đường quê. Một năm được vài lần, tôi và bà xã có dịp ăn diện tươm tất. Hôm nay vợ chồng chân dép đàng hoàng, tay ôm những hộp bánh hộp trà trên đường về nhà nhạc gia dự lễ giỗ tổ tiên. Cũng con đường thân thuộc, chúng tôi dám chắc có thể đi thầm trong đêm tối. Vừa đi một khoảng khỏi nhà chừng trăm thước là bước qua cây cầu khỉ, mà tôi từng góp công của trong những lần sửa chữa lớn, chưa kể những bảo trì tự nguyện. 
        Sáng nay ngoại cảnh và con người bình yên vui vẻ, hạnh phúc lâng lâng. Niềm hạnh phúc đó sẽ kéo dài mãi nếu đừng có tiếng kêu thảng thốt:

        – Anh ơi, cái đồng hồ của em.

Tôi còn vài bước trên cầu, sắp sửa bước chân lên đường đất bên kia, vội vàng dòm ngoái lại. Bà xã  đang đứng giữa thân cầu, hai tay nắm chặt thân tre tay vịn, cuối người nhìn xuống dòng nước đuc ngầu cuồn cuộn từ trong ruộng chảy ra. Tôi ngẫm nghĩ, viên đá xanh rớt xuống còn trôi, sá gì cái đồng hồ bằng mủ. Chiếc đồng hồ nầy bị hư cây cốt giữ dây đeo, hôm trước có lần nó bị rớt vô lu nước ngâm mấy tiếng đồng hồ. Tôi ráng nói đùa an ủi một câu mà chính tôi cũng cười không nỗi, chắc số của nó là phải chết vì nước.

        Tội nghiệp cho bà xã của tôi. Sau ngày mất chiếc đồng hồ, người bả thờ thẩn như thái giám đánh rơi lệnh tiễn. Sự chỉ huy không còn linh hoạt chi li. Công thức phân công bây giờ giao khoán từng lô đại khái như, ông làm xong mấy việc đó rồi canh nước lớn để về nhà phụ tui xách nước tắm heo. Chiều nay nước lớn lúc mặt trời xuống còn cách chưn vườn chừng 3 sào rưỡi. Hoặc là, ông đi đám thôi nôi xóm dưới, coi xế xế về đạp xe ra chợ mua đồ.

      Từ khi gia đình áp dụng giờ khắc mặt trời, tôi cảm thấy hai tiếng xế xế mà bà xã dùng để phân định thời gian nó đáng yêu làm sao ấy. Nhờ cái “Nắng chia nữa bãi chiều rồi” đầy bí hiểm mà tôi có thể dãn ra hay thun lại một hai giờ đồng hồ thực tế mà bà xã dù quá “rắc lô” cũng không một lời cự nự. Tôi tạm rút ra bài học của một gia đình hai con vợ, chồng bé tí nị nầy. Nếu có chiếc đồng hồ Casio thì chân lý nằm trên đầu ngón tay của bả, không có chiếc đồng hồ đó thì lẽ phải nằm dưới ngón chân tôi. 

Một Lúa

 

2 bình luận

  1. Trời ! bửa nay mới biết Anh Một Lúa là Nguyễn Thế Điển, là Lí Lắc …là tác giả của nhiều bài viết rất đặc sắc, em hay giới thiệu những bài viết của anh cho tụi nhóc ở cơ quan em xem nó cũng “khoái” lắm. Bài viết của anh thật vui, thường hay gợi nhớ về quê hương, bạn bè thầy cô… Đọc bài này em nhớ Thương xá VL lắm, hồi trước khi còn ở Chợ Lách em hay theo nội qua Thương xá Vinh Long mua sắm, đồ bán rẻ, bánh lại rất ngon…cheeky

  2. Chào bạn Kim Thơi,

    Cám ơn bạn đã đọc bài của tụi tui và viết bình luận. Ông LM chỉ biết một hai người chúng tôi. Nhóm chúng tôi còn có Hai Chích, Năm Cua Đinh, Năm Tông Đơ, Sáu Bờ-rô, Thằng Tí, Lí Lắc, Một Lúa và tui. Mỗi người  góp vài câu là đủ bài văn dài thòn rồi. Kim Thơi có để ý nhiều bài của họ bố cục thời gian đảo lộn chất giọng già trẻ pha trộn, họ đang tả-pí-lù đó. Chúc bạn và các bạn vui trẻ khỏe.

    Đại diện liên danh, Một Lúa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
Xem tiếp...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
Xem tiếp...
unnamed
Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ
Nhớ năm 1964, khi dự thi môn Văn của bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi đã phải trả lời câu hỏi giáo khoa...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 24
Lượt truy cập: