Sáng nay 15/3, gặp HS Lê Triều Điển trong cuộc triển lãm tranh tại Hội Mỹ thuật TPHCM, anh nói với tôi Chợ Lách mình có HS Trần Trung Tín. Tôi định hỏi anh Tín giờ ở đâu nhưng vì khách đông quá không tiện hỏi, gặp họa sĩ gần nhà quận 12 cho biết Trần Trung Tín là bậc thầy về hội họa Việt nam, một thời với Bùi Xuân Phái
Trần Trung Tín sinh ngày 18/10/1933 tại Chợ Lách, Bến Tre, tập kết ra Bắc năm 1954, mãi đến 1969 ông mới bắt đầu tự mày mò vẽ tại Hà Nội. Sau này nhìn lại, giai đọan 1969-1975 với chủ đề Thiếu nữ và súng, vì thiếu màu và toan, nên ông vẽ với bất kỳ thứ gì mình có, thường là trên các tờ báo cũ, lại tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Thời này ông vẽ những phụ nữ mờ ảo để ngực trần ôm súng – nay đã trở thành cột mốc trong suy tư và ẩn dụ về chiến tranh.
Tháng 9/1975, ông trở lại Sài Gòn và sống cuộc đời của một họa sĩ. Từ tháng 5/1989 đến khi mất năm 2008, ông đã triển lãm 12 cuộc trong nước và quốc tế và 15 triển lãm chung khác. Tác phẩm của ông được trưng bày trong bảo tàng mỹ thuật Singapore, Nhật Bản, Anh và các bộ sưu tập tư nhân rải rác tại Mỹ, Pháp,Hong Kong…
Sinh thời ông quan niêm “phải giữ tranh lại càng nhiều càng tốt, vì vẽ là vẽ cho mình”. Bởi vậy, bà Huỳnh Nga (vợ ông, và là chủ gallery Không Gian Xanh – chuyên về nghệ thuật đương đại), còn giữ lại của chồng 120 bức, nhiều nhất hiện nay.
Theo nhà sưu tập Lê Thái Sơn thì: “Trần Trung Tín gần như không vẽ tranh khổ lớn, kích thước phổ biến vào khoảng 50cm x 60cm, những bức có khổ 20cm x 30cm đã đạt đến giá trung bình là 7.000USD khi ông còn sống. Sau khi ông chết đi, giá này có thể tăng lên gấp đôi gấp ba, vì các nhà đấu giá ở Anh, Hong Kong, Singapore… đang có nhiều quan tâm. Đây là một trường hợp khá hiếm hoi khi tranh đang được giá ở quốc tế thì gia đình lại có chủ ý giữ lại tất cả”. Cũng theo thông tin từ nhà sưu tập này, ngoài gia đình họa sĩ, TGĐ Prudential toàn cầu Mark Tucker ( một “tay” sưu tập có tiếng và có truyền thống ở Anh) là người sưu tập nhiều tranh Trần Trung Tín nhất với khoảng 25 bức.
Sherry Buchanan, nhà nghiên cứu mỹ thuật người Anh viết trong cuốn sách của mình như sau:“Bằng hình ảnh, Trần Trung Tín diễn tả một phong cách đương đại mà chưa bao giờ thấy ở Việt Nam trước đó, cái mà chính ông gọi là “chất lạc quan bi kịch” của thế kỷ 20. Những hình ảnh ấy là nhật ký thị giác của người đàn ông đang vật lộn tìm lại sự sống và sự tự diễn đạt giữa thời chiến, sự đói nghèo, một thế hệ nhiều lo lắng trong lịch sử gần của đất nước”.
HM
(Viết lại theo tư liệu báo Văn hóa –thể thao)
Và đây là nhận xét của Nguyên Hưng (*)
Cả một thời gian dài, chẳng có mấy người thừa nhận Trần Trung Tín là một hoạ sĩ.
Nhưng rồi, Trần Trung Tín đã là một hoạ sĩ nổi tiếng. Không chỉ nổi tiếng, ông còn là một hoạ sĩ tạo được nhiều ảnh hưởng. Nhiều, rất nhiều hoạ sĩ Việt Nam đã xem ông là một tấm gương “dám sống hết mình cho nghệ thuật”, một khích lệ cho hành động dấn thân. Và, cũng nhiều, rất nhiều hoạ sĩ, đã nợ nần ông một cách nhìn, một cách biểu hiện trong hội hoạ. Thậm chí, còn nợ ông đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất về hình hoạ, về màu sắc v.v…
Trần Trung Tín chưa hề bước qua trường lớp Mỹ thuật. Tuy nhiên, đó không phải là điều quan trọng. Ông sáng tác bằng bản năng. Với ông, ban đầu, hội hoạ chỉ là một phương tiện. Phương tiện tỏ lộ những ưu tư triết lý, các cảm thức mang tính thơ ca. Nhưng độc đáo là Trần Trung Tín đã không sa vào lối minh hoạ giản đơn. Vẽ theo “cảm, nghĩ”, và bằng “thiên tư”, ông đã tạo ra một thế giới hình hiệu rất riêng cho mình. Một thế giới vừa mang đậm màu sắc duy lý vừa hết sức trữ tình. Hình người trong tranh Trần Trung Tín có ý nghĩa thuần tuý như khái niệm “người”. Nội dung tranh ông, được tạo thành bằng thế, bằng dáng nhân vật, và, sự liên hệ với những hình ảnh mang tính khái niệm khác. Xem tranh Trần Trung Tín, không thể không lưu ý đến tên tranh. Nhưng, nếu chỉ căn cứ vào đó mà diễn giải tranh ông, thì lại là điều “nguy hiểm”. Chính cách tạo hình như ngô nghê, như vụng dại lại chứa đựng những ý nghĩa biểu xúc khó tả. Nó mở ra nhiều liên tưởng như khi đối diện với tranh vẽ của trẻ con, của người nguyên thuỷ. Nó tác động trực tiếp. Tất nhiên, còn phải kể đến màu sắc của ông. Không chỉ đẹp. Nó còn là tiếng nói nhiều âm vang của cảm xúc, tình cảm. Bùi Xuân Phái đã từng phải nói: “Màu của Tín là màu trời cho”
Do khó khăn của hoàn cảnh, thiếu thốn mọi bề, nhưng quan trọng hơn, do quan niệm, vẽ chỉ như một sự tự giải thoát, “đạt ý thì quên lời”, nên sáng tác, ông không quan tâm nhiều đến phương tiện thể hiện, và cả các “nguyên tắc vẽ đúng”. Nhiều người, căn cứ vào đó mà phủ định, hay tỏ ra nghi ngờ tư cách hoạ sĩ nơi ông. Tuy nhiên, có thể nói, đó là một sai lầm. Nếu đặt trong điểm nhìn Hậu Hiện đại (Post-modern), xem trọng sự thông đạt ý tượng, bất kể phương tiện, thì sứ mệnh nghệ thuật Trần Trung Tín đã hoàn thành. Thực tế, không chỉ có ý tượng mà cả hình tượng trong nghệ thuật của ông đã thực sự hiện hữu. Không phải ngẫu nhiên mà hiện tại, giới thức giả châu Âu-những người quen sống trong môi trường văn hoá Hậu Hiện đại-biết ông, đều tỏ ra yêu thích ông…
Như đã nói, Trần Trung Tín vẽ theo cách ông quan niệm, cảm nhận, chứ không phải theo cái ông thấy. Và vẽ như một hành động giãi lòng, chứ không phải là hành động sáng tạo theo quan điểm truyền thống. Bởi vậy, cơ sở để cảm nhận và đánh giá nghệ thuật của ông, không phải là những đóng góp về hình thức, về kỹ thuật mà chính là cái đẹp trong bản thân hành động, trong những điều ông quan niệm, cảm nhận. Xem tranh Trần Trung Tín là đọc cái mã đời sống ần đằng sau và bên ngoài những điều được thể hiện. Kể cả những câu chuyện về cuộc đời Trần Trung Tín. Về cái quảng không gian, thời gian mà Trần Trung Tín đã sống qua…
Nếu như cho đến ngày nay, vẫn có nhiều cách nhìn nhận khác nhau về Trần Trung Tín, thì căn bản, đó là do khác nhau trong quan niệm về nghệ thuật. Ai quá yêu tính bài bản, hàn lâm của hội hoạ truyền thống thì không thích được tranh Trần Trung Tín. Ai coi hội hoạ là tiếng thét tức thì của lòng người thì nhập cảm và thế giới của hoạ sĩ dễ dàng…