Sau Tết Nguyên đán, miền Nam đi dần vào mùa nắng nóng mà cao điểm nhất là tháng 2, tháng 3. Nhờ hệ thống sông rạch chằng chịt và vườn tược đan xen, thời tiết Chợ Lách có dịu đi phần nào nhưng vẫn có những ngày, những thời kỳ oi bức lắm. Trưa ngồi trong nhà nhìn ra đồng rộng, có lúc thấy mờ mờ sương khói, có lúc thấy trời như đổ sao.
Đồng ruộng đa phần khô nứt nẻ. Có những ” lỗ nẻ ” làm lọt bàn chân con nít chăn trâu! Những chỗ đồng sâu trũng thì um tùm cỏ lát. Cỏ mọc cao tới mức có thể che mất một bầy trâu.Âm v ang ngày Tết dần xa, tiếng pháo đì đùng không còn nữa. Tiền trong túi cạn rồi, mà trời thì khô nóng.
Ai cũng bức rứt, uể oãi chờ đợi một cơn mưa. Làm như mưa xuống thì vạn vật với con người mới thoát cảnh bế tắc, mọi việc mới hanh thông. Năm mới mới thật sự bắt đầu.
Những buổi chiều tháng 3 đã có mây vần vũ. Thỉnh thoảng có tiếng sấm rền xa xa trên không trung. Đôi khi có gió to và mưa rào. Những trận mưa đầu mùa thường không lớn và chưa đều. Tuy nhiên, như dấu báo cho sự chuẩn bị, mọi người đồng loạt thoát khỏi cảnh mơ màng, tất bật lo toan cho một vụ mùa mới.
Nhưng thật ra, ngày gieo mạ, xuống giống còn xa. Mưa nắng đầu vụ xập xoài, đồng không đủ nước. Ông bà ta đợi mưa già, ăn thêm cái Tết mùng 5 tháng 5 mới thật sự vào vụ. Còn bây giờ, trong tháng 3, tháng 4, sau những cơn mưa nhỏ đầu mùa, đất đồng phần nào đã mềm lại, người ta lo cày ruộng.
Buổi chiều trước ngày cày ruộng, chủ ruộng phải lại nhà chủ trâu, hay chỗ nào đó do chủ trâu chỉ, vác cày hay trục về ruộng nhà mình, gọi là rước đàng hoàng chớ hổng phải chơi. Đây là một cái lệ ngộ ngộ ở xứ mình, chắc có từ thời đất rộng nhiều mà trâu ít, chủ ruộng nào cũng cần trâu, rồi giữ luôn thành nếp. Bỡi tới thời ba tôi, tôi nhớ đã có nhiều chủ trâu. Trâu của anh em ông Sáu Chơi, Mười Giuột, trâu của ông Ba Nhiện, trâu Tư Á, trâu Năm Bé…nhưng lệ ấy vẫn còn. Trâu nhiều nhưng chủ ruộng nào cũng có mối trâu riêng. Làm ăn, qua lại nhiều năm, hai bên biết tánh, biết ý với nhau. Nói vậy chớ khi kẹt lúc đong ken, ngày giờ sắp sẵn mà không có trâu, cũng phải chạy kêu trâu khác. Chủ trâu nào cũng xóm giềng quen biết…Ai cũng muốn thiệt tình để có tiếng thơm.
Tiền công cày thay đổi tùy theo giá lúa. Thông thường, tiền công cày một công đất ( công 12 ) bằng một giạ lúa. Mắc nhứt trong các loại công trâu.
Ruộng cày xong, lo đắp bờ đám mạ.
Bờ đám mạ là bờ tạm, đắp nhỏ để khoanh vùng giữ nước cho đám mạ. Sau nầy khi cấy cũng cuốc bỏ đi. Nhưng tánh ba tôi kỹ lưỡng, sau khi tính toán, đo đạc, ông cũng cặm mốc giăng dây đàng hoàng để đắp bờ cho thẳng.
Diện tích đám mạ được tính bằng hồi. Một hồi bằng 1/6 công đất,vào khoảng 210 – 216 m2. Chuyện đo đạc trên ruộng nầy cũng hay lắm, tôi sẽ nói thêm ở phần sau, phần cây tầm. Một hồi mạ gieo trúng, cấy được 5 công lúa.
Bờ đám mạ khi đắp phải dậm, đạp cho chắt để giữ được nước. Tới ngày trục rồi mà không đủ nước, nước không ngập hết đất cày, phải tìm cách đưa nước thêm vào. Khi chưa có máy kohler cải tiến bơm nước, người ta phải dùng gàu dai tát nước vào ruộng. Gàu dai đan bằng tre, mây, hình nón. Mỗi bên miệng có hai sợi dây dài cho hai người nắm, đồng hè múc nước đổ vào ruộng. Cái hay của gàu dai là có thể múc nước ở dưới thấp 2 đến 3 mét đem lên cao và làm được lâu vì có 2 người mà ở tư thế thoải mái.
Căn cứ vào ngày định gieo mạ, người ta tính ra ngày làm các công việc khác như ngâm giống, tát nước, trục đất, tháo nước… rồi sau ngày gieo là ngày vô nước, ngày nhổ cấy..v.v…Ngày xuống giống quan trọng như thế, nên trong quản lý, người ta gọi đó là ngày zéro ( ngày 0 ), những ngày trước đó là ngày -1, ngày -2…những ngày sau đó là ngày 1, ngày 2…
Vậy là ngày -3, phải đi coi ruộng mạ đủ nước để trục chưa? Thiếu thì kêu người phụ tát nước vào, và quên nữa, như nói ở bài trước, ngày -5 là ngày đem giống ra phơi, thức giống. Ngày -4 là ngày ngâm giống. Ngày -2 là ngày trục ruộng mạ.
Ruộng mạ không lớn nên trâu trục không cần nhiều. Tuy nhiên, nếu ruộng nhiều cỏ, người ta thường thêm một đôi trâu bừa, đi sau đôi trâu trục. Trục là một nông cụ do đôi trâu kéo, có bộ phận chánh là một cây gỗ hình trụ tròn, đường kính khoảng 20 – 25 cm, dài khoảng 1,6 – 1,8 m, được đẽo thành khía trái khế, gắn vào gọng trục là một cây gỗ vuông, cạnh 15 – 20 cm làm chỗ cho người đứng trục. Cây gỗ nầy có hai thân tre nhỏ, dài khoảng 2 m mắc vào cái điêu ( ách trâu ), để cho trâu kéo. Trục để cán đất ruộng bể ra, trong khi bừa có mục đích khác. Bừa có hình cây lược to, mà răng là những chốt cây cỡ 5 cm, dài 20 cm, đầu nhỏ lại. Chân răng đóng sâu vào thân bừa là một cây gỗ vuông, cạnh 15 – 20 cm, dài 1,6 – 1,8 m, cũng có hai thân tre nhỏ mắc vào điêu. Bừa để xé đất cày và lấy cỏ trong ruộng. Khi bừa, cỏ vướng vào răng và nằm trước răng, gọi là họng bừa. Lúc cỏ đã vướng nhiều, người đứng bừa bước xuống, nhấc thân bừa lên, trâu đi tới bỏ thân bừa xuống và để lại một đống thân, gốc cỏ trộn bùn. Con nít tụi tui được giao ôm những đóng cỏ nầy ra khỏi ruộng. Oãi nhưng vui lắm. Mặc tình giỡn với bùn mà không sợ bị rầy. Chốc chốc bỏ chạy theo sau cây trục, chụp bắt những con cá bị trục cán qua. La hét um sùm!
Trục bừa khoảng một buổi thì chín đất. Đất ruộng đã tơi nhuyễn ra hết, không còn lục cục lòn hòn. Tuy làm một buổi nhưng lối 7 – 8 giờ sáng, chủ ruộng cũng phải lo một bữa cơm cho người đứng trục. Cơm đơn giản, chỉ cần mắm chưng hoặc kho, ăn với dưa leo được rồi. Vậy mà ở ngoài ruộng ăn ngon ác!
Tiền công trâu trục tính theo ngày. Làm một buổi, tính nửa ngày. Một ngày công trâu bằng 3 giạ lúa. Theo thời giá mà tính ra tiền.
Ruộng mạ trục xong bỏ đó. Sáng sớm ngày hôm sau, khai nước ra cho khô cạn để lượm sạch gốc cỏ.
Mặt ruộng dầu làm kỹ, cũng không bằng phẳng hết. Thế nào cũng còn những vũng trũng lớn nhỏ đọng nước. Những chỗ đọng nước nầy khi nắng nóng trở thành chảo nước sôi, luộc chín giống khi mới vừa gieo xuống. Vì vậy phải vạch những rảnh nhỏ cho nước từ các vũng nầy cạn đi, gọi là đánh đường nước. Những rảnh nước nầy gom về rảnh nước lớn ở chân bờ ruộng, rồi cuối cùng được tháo ra ngoài. Nếu vì một lý do gì đó mà nước không tự chảy, người ta phải tát nước ra, giữ cho ruộng luôn được khô trong mấy ngày đầu gieo mạ.
Khi nước còn lấp xấp, dùng dây kéo một thân cây chuối, đi một vòng khắp ruộng mạ, gọi là trạt đất. Việc làm nầy giúp cho mặt đất bằng phẳng và đùa bùn lấp các lỗ dấu chân.
Ruộng trạt xong, nước đã chắt ra khô ráo mới được gieo mạ. Giống lúa khi đã xổ, tách xong, được lường vô bao để biết số lượng mà phân chia khi gieo. Gieo mạ đi ngược chiều gió. Bưng thúng giống có dây đeo cho đỡ mõi, đi tới 3 – 4 m quay người lại chọi giống. Vừa chọi vừa quan sát sao cho đều. Thời đó phân hóa học chưa phổ biến. Người ta nói nên bón cho ruộng mạ, phân chuồng phân tro bếp tro trấu…nhưng tôi thấy không ai làm. Sau nầy có phân hóa học, chủ yếu cũng chỉ dùng cho lúa Thần Nông. Lúa mùa có bón, bón rất ít.
Mạ gieo xong, trong ngày đầu nếu có mưa lớn, phải đắp chỗ khai nước lại, không thôi nước thoát đi sẽ cuốn theo giống, làm ruộng mạ không đều. Cây mạ lên không tốt, thiếu giống cấy. Hết mưa thì khai nước ra. Ba bốn ngày sau, mạ đã lên xanh đất giữ nước lấp xấp.
Mạ lúa mùa thường gieo hai tháng nhổ cấy. Sớm muộn chút đỉnh không sao. Trong thời gian nầy, người ta lo dọn đất cấy.
Nếu các bạn không chán, xin hẹn kỳ sau nói về cấy lúa và những chuyện bên lề.
QUÁCH ĐÀO
Con trâu xưa là con vật gắn liền với người nông dân Việt nam , Bến tre mình là tỉnh thuần nông nên hồi đó hình ảnh con trâu cùng bác Nông dân thong thả trở về nhà sau một ngày cày bừa cực nhọc là hình ảnh cho ta thấy sự thanh bình , yên ả của làng quê. Trãi qua bao biến đổi của cuộc sống , quê mình bây giờ không còn thấy những cánh đồng xanh rì mạ non hay vàng mơ lúa chín nữa. Thay vào đó là bạt ngàn vườn cây ăn trái, Nhản , chôm chôm đã thay cho ruộng lúa. Và vì vậy , hình ảnh con trâu cũng đã dần biến mất , Có lẽ sau nầy , con cháu của mình sẽ chỉ còn biết con trâu qua hình ảnh mà thôi . Không chán đâu thưa sư huynh Quách Đào, cảm ơn anh về bài viết và xin hãy cho mọi người được tiếp tục đọc nữa về cây lúa và những chuyện bên lề , Vì , đọc bài của anh , Phương Chi nhớ lại hồi nhỏ , lúc còn học lớp 5 hay lớp 6 gì đó thường được má phân công đem cơm ra đồng cho ông Năm – Người nhận cày ruộng cho má ăn trưa -Cũng là cơm đơn giản với mắm chưng , dưa leo vậy thôi , ông ngồi trên bờ dừa , lật ngửa cái nón lá rách làm cái lot ngồi , và nhìn ông ăn rất ngon lành . Bây giờ con trâu và bác nông dân đã thành kỹ niệm rồi . Khi được nhắc lại kỹ niêm , ai cũng sẽ rất thích chứ sao lại nỡ chán kia chứ
Cám ơn Phương Chi nhiều. Đọc phản hồi của Phương Chi, mình thấy rõ một cô bé 11, 12 tuổi, đầu đội thúng cơm, tay xách ấm nước, xa xa trên bờ ruộng. Cô mặc một chiếc áo bông hường, đi thoăn thoắt trên cánh đồng xanh…Cô vui lắm vì được ra đồng, được phụ với Ba Má, làm công việc nặng nhọc của nhà nông. Tiếc là mình chưa đưa được những hình ảnh đẹp như thế vào trong bài viết. Thân, Q Đ,
Chào anh Quách Đào,
Lúa tui chỉ biết lúa chớ không hiểu nhiều về ruộng. Đọc 2 bài kỷ thuật nông nghiệp của anh hay ghê.
Có dịp Lúa cũng thuổng chút ít mạ của anh nghen.
Anh cười cười im lặng là coi như ok rồi hén. Cám ơn nhiều.
Lúa
Anh Một Lúa thân,
Đọc bài ” Đám mạ ba gò ” của anh, đang khoái trong bụng, chưa kịp phản hồi…Những bài viết lúc nầy của anh, tuy có ngắn, có dài nhưng bài nào cũng hay và điệu nghệ lắm! Mong được đọc tiếp. Thân. Sức khỏe. Q Đ,