Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà cho khách theo kiểu trà đạo, nơi thưởng thức các loại trà trong nước và trên thế giới.?
Trà quán Ông đồ ra đời năm 2009 do thư pháp gia Nguyễn Hiếu Tín làm chủ, nhằm mục đích “Chia sẻ đam mê – Kết nối bằng hữu”. Quán hoạt động đến nay đã 14 năm , trong đó có thời gian ngưng hoạt động do chủ nhân còn công tác ở một trường đại học.
Tôi nhớ lần đầu đến Trà Quán ông Đồ cùng với một số nhà văn ở nước ngoài về, các bạn hẹn với chủ nhân trước nên có sự đón tiếp chu đáo. Đề tài hôm đó là khuynh hướng văn chương Việt hiện nay, mọi người trao đổi vui vẻ. Có một số sinh viên ngồi lắng nghe các nhà văn nói chuyện, tôi nghĩ với khung cảnh trà quán có cuộc sinh hoạt thế này thật là lý tưởng.
Một lần khác , tôi đến vào dịp đầu xuân, chỉ có tôi với chủ nhân trà quán. Gọi là Ông Đồ chẳng qua chủ nhân là nhà thư pháp, anh viết chữ rất đẹp, có những ngày cận tết anh ra phố Ông Đồ ở nhà Văn Hóa Thanh Niên để cho chữ. Tôi quen anh trên 20 năm khi anh còn là sinh viên được giải thưởng về tem con ngựa của ngành Bưu Chính Việt Nam; sau đó năm 2008 anh có tặng tôi quyển :” Thư Pháp là gì?” do anh biên soạn.
Do chỗ thân tình, lần này tôi đi đơn lẻ để có nhiều thơi gian mặc sức mà trao đổi, ngắm nghía hiện vật trong quán cho thỏa thích. Ở ngoài cửa bước vào tầng trệt là phòng trưng bày về ông địa, tượng Bồ đề Đạt Ma đây là đề tài mà tôi thích, sẳn dịp để hỏi tên tác giả tác phẩm, mua ở đâu, những câu hỏi không có gì là trí tuệ nhưng thỏa mản được cái biết của mình. Không biết khách tham quan có những thắc mắc như tôi không , nhưng đứng nhìn hàng trăm pho tượng của Tổ Thiền Tông Trung Hoa bằng những chất liệu khác nhau: Gỗ, gốm, đá.. là thấy thích rồi.
Có một gian trưng bày các thư họa, tranh thủy mặc và thư pháp của các tác giả đương đại, phần đông là bè bạn của chủ nhân, do vậy mà tôi được biết thêm khuynh hướng sáng tác, tuổi tác họa sĩ cỡ nào, có gặp bao giờ chưa? Không gian kế tiếp của trà quán là gốm, chủ nhân sưu tầm các gốm sứ của Việt Nam, tôi nghĩ đây có thể là một bảo tàng nhỏ về gốm sứ giúp ích cho người mới sưu tập hay giới sinh viên yêu thích thú chơi này.. Những tuợng gốm tiên ông chúng ta thấy ở các hòn non bộ ở khắp nơi, nhưng bộ gốm về danh nhân nước Việt như Trưng Trắc cưỡi voi, Nguyễn Huệ, Trần Hưng Đạo , Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thích Quảng Đức thuộc dòng gốm Biên Hòa chỉ hội tụ nơi này làm người xem thích thú, khác với tương Phật, tượng Quan Âm, tượng Quan Công có trong dân do nhu cầu tâm linh.
Đến đây được xem nhiều sản phẩm của gốm Cây Mai vùng quận 11 xưa, gốm Đồng Nai, gồm Lái Thiêu; gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng ở miền Bắc, gốm Chăm ở Ninh Thuận và gốm đỏ Vĩnh Long. Phải nói là nhờ xem gốm ở trà quán mà tôi có hứng thú để viết bài về gốm Biên Hòa.
Nằm trong không gian trà quán còn có góc đọc sách. Sách trưng bày trên các kệ thiên về văn hóa, tín ngưỡng, du lịch , phục vụ cho nhu cầu giảng dạy của chủ nhân; chúng ta là khách cũng được nhìn những quyển sách lạ cho mãn nhãn.
Đã mang tiếng trà quán, tất nhiên Ông Đồ có rất nhiều loại trà, từ trà trong nước đến danh trà của Trung Quốc, khách có thể yêu cầu chủ nhân pha cho bình trà mà mình thích hay mình chưa từng biết, còn chi phí thì khách khỏi bận tâm vì mục đích của chủ nhân là chia sẻ đam mê : Mê trà, mê tranh, mê chữ…Mong ước của chủ nhân là kết bạn với khách đồng điệu, mà đã là người điệu nghệ đến chơi thì cũng nên để chủ nhân có một ít ấn tượng về khách: Mong ước của chủ nhân là muốn mọi người đến thăm và mãi nhớ nơi này.