Trung Học Chợ Lách

CÚNG GIỖ BA TÔI

Ngày đăng: 08/06/2023, 9:11 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Tôi ở dưới tỉnh nên vì tiện lợi, mọi năm tôi thường làm đám giỗ ba, má vào ngày Chủ Nhật trước hoặc sau ngày giỗ chính thức để các con, em, cháu… ở xa có thể thu xếp về dự đám. Năm nay lại khác, tôi làm đám cúng đúng vào ngày giỗ ba theo yêu cầu của con tôi, đang sống và làm việc ở Sài Gòn, để tiện với nhu cầu công việc tuần này của công ty. Do vậy, ngày làm đám năm nay không phải ngày Chủ Nhật nên con dâu tôi không thể về vì bận đi làm, hai đứa cháu nội không về vì còn phải đi học, và hai cô em gái tôi, ở Sài Gòn và ở Bình Phước, không về vì bận việc không thu xếp được!

Ngoài con tôi, chỉ có gia đình hai đứa em họ vì ở gần nên đến được. Như vậy dự đám giỗ ba tôi năm nay có mặt không tới mười người. Thiếu vắng người thì tôi cũng hơi buồn nhưng thật ra dòng họ tôi không còn bao nhiêu người, nếu tham dự đầy đủ thì tổng số người cũng chẳng là bao. Hơn nữa tôi lại không mời bạn bè hay người ngoài trong những dịp đám giỗ!

Thật ra tuy tôi thuộc loại người già muốn giữ nếp văn hóa truyền thống ngày giỗ ngày Tết, nhưng lại không muốn nệ cổ trong việc thực hành theo phong tục. Trong khi một số gia đình đến nay còn giữ việc làm đám giỗ tận năm đời mà lần nào cũng long trọng, rất đông con cháu và khách mời. Một số đông hơn thì tinh giản còn ba. Riêng tại gia đình tôi, mỗi năm tôi chỉ làm hai đám giỗ cúng cha và cúng mẹ! Lý do là tôi sinh trưởng ở miền Nam nhưng ông-bà nội tôi lại chết trên đất Bắc từ lâu rồi. Vì thế tôi không biết mặt và hoàn toàn không có một kỉ niệm nào với ông-bà nội, nói gì tới hàng cố! Tuy vậy, mặc dầu tôi chỉ cúng giỗ cha-mẹ nhưng bàn thờ trong nhà vẫn là bàn thờ gia tiên, thờ tất cả tổ tiên của dòng họ tôi. Tuy nhiên, trên bàn thờ ngoài hai tấm hình của ba-má, tôi có đặt hình của em tôi và con tôi.

Ngay từ đầu, khi xây nhà hơn chục năm trước, do đã có trù liệu, tôi thiết kế gian thờ trên gác lửng mà không phải tuốt trên lầu cao như nhiều nhà thường làm, để phòng khi tuổi già không thể leo lên được! Nhờ thế bây giờ tuy đã có bệnh khớp gối, tôi vẫn mỗi sáng có thể chống gậy bước lên một tầng để thắp nhang được trên bàn thờ gia tiên và bàn thờ Phật. Khi thắp nhang tôi chỉ cúng vái gia tiên và Trời-Phật, không cúng vái một vị thần-thánh nào khác. Lúc còn trẻ tôi có quỳ lạy trước bàn thờ. Những năm sau này vì đau khớp gối, tôi không lạy nữa, chỉ đứng vái.

Gian thờ của nhà tôi khá đơn giản. Bàn thờ chính chỉ có một bát hương thờ gia tiên và thờ ba- má, kể cả em tôi và đứa con út vừa mất không bao lâu. Bên trên bàn thờ là ngăn thờ Phật, có một bát hương và chỉ có hình Đức Thích Ca là chính (và hai tượng Quan Âm nhỏ, gần như chỉ để trang trí, do tôi mua khi đi du lịch Singapore).

Đồ thờ cũng đơn giản. Trên bàn thờ gia tiên chỉ có cặp đèn cỡ trung, cái chò đựng trái cây và bình hoa cúng. Trên ngăn thờ Phật cũng chỉ có cặp đèn cỡ lớn và bình hoa cúng nhưng có thêm cặp bình hoa bằng đồng pha thiếc tôi mua làm kỉ niệm trong chuyến đi Pakistan. Trước kia ba tôi có để lại cho tôi một cặp đèn bằng đồng đen rất đẹp nhưng sau đó bị mất cắp, từ đó tôi chỉ dùng hai cặp đèn thông thường mua ở chợ!

Trong gian thờ tôi không treo bảng Cửu Huyền Thất Tổ viết bằng chữ Hán như tại nhiều nhà khác vì tôi chọn dùng chữ “Gia Tiên” để chỉ tất cả tổ tiên của dòng họ tôi! Cũng không có hoành, phi hay trướng gì. Tuy vậy tôi có treo những câu đối bằng chữ Việt do tôi viết khi ba má và em tôi mất.

Để tưởng nhớ ba-má, tôi có cặp câu đối chữ vàng trên nền đỏ:

Công dưỡng dục xa rồi nơi non thái

Nghĩa sinh thành lánh mãi chốn từ huyên

Trước đó, khi đứa em trai út của tôi chết cách nay năm mươi năm trong mùa hè đỏ lửa, tôi thay mặt ba-má và hai em gái viết câu đối khóc con và khóc em:

Xót xa con tim gan buốt giá

Tiếc thương em lòng dạ quặn đau

Với hai câu này tôi không dè hơn bốn chục năm sau khi con út của tôi mất, hoàn cảnh cũng giống như vậy, cha mẹ già khóc con và người anh khóc em!

Có một người bạn giỏi tiếng Hán muốn viết hai đôi câu này bằng chữ Hán để tôi treo trên bàn thờ nhưng tôi không thuận. Tuy đời sống của tôi bị ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Khổng giáo nhưng tôi không muốn bàn thờ nhà mình mang nhiều phong cách người Tàu! Thêm một điều đáng nói, tuy bên trong tâm linh tôi vẫn thiên về đạo Phật, nhưng khi khấn vái trước bàn thờ tôi vẫn cầu xin ông Trời phù hộ cho gia đình tôi, giống như ba má tôi ngày xưa vẫn đã làm!

Hôm nay vợ tôi vẫn làm con gà luộc để cúng là món chính theo thông lệ, nhưng cũng tiện vì thịt gà luộc vẫn là món ngày xưa ba tôi thích. Do vậy những món khác chỉ làm với mục đích cho con cháu ăn sau khi cúng. Một số người có phê phán về việc làm đám giỗ: “Người đã chết thì còn ăn uống được gì?! Làm đám cúng giỗ chỉ là tin dị đoan thôi và là cơ hội để con cháu nhậu nhẹt, hơn nữa đến khi say sưa thì khích bác gây sự với nhau…!”. Tôi nghĩ người mình không mượn chuyện làm đám giỗ để tạo cơ hội cho con cháu (và bạn bè người quen) tụ họp ăn nhậu, mà theo phong tục truyền thống, đó là ngày tất cả con cháu dầu đi làm ăn xa nơi đâu cũng nhớ ngày trở về tụ họp để cúng bái, tưởng nhớ tiền nhân và quây quần bên mâm cơm gia đình để còn nhận biết nhau là người thân và nhắc nhau những kỉ niệm xưa….

Trong chiến tranh, ba tôi không có tin tức gì về bà con đang sống ngoài Bắc. Sau 75 ông vội vã về thăm quê hương. Người lớn mất cả rồi! Ông lập danh sách ba đời sẽ phải cúng giỗ trong “Tam Đại Khương Quế Công” (gia đình chúng tôi họ Khương) và sau đó mỗi năm ông làm đám giỗ ông cố bà cố và ông nội bà nội tôi. Tôi đã đọc thuộc tên từng người trong danh sách đó nên sau khi ba và má tôi mất, tới phiên tôi chủ trì làm đám, mặc dầu chỉ còn cúng ba và má nhưng mỗi lần cúng tôi khấn vái tên từng người trong danh sách đó, mời về cùng ăn bữa cơm tôi dâng cúng, giống hệt như ba tôi đã từng làm trước kia .

Bên cạnh các đĩa đựng thức ăn là các chung trà, rượu để các cụ dùng. Khi các nén nhang gần tàn tôi cũng đốt một gói nhỏ đựng đồ hàng mã gồm vài bộ áo quần và vài xấp tiền, khấn các cụ nhận để đi đường! Tuy tự biết rằng tôi không tin sự hợp lý (theo khoa học) của việc mình làm, nhưng lần nào tôi cũng vẫn khấn vái với lòng thành của một đứa con-cháu với cha mẹ và tổ tiên! Từ bao lâu nay chưa lần nào tôi thắc mắc với tôi về vấn đề này cả!

Khi đọc bài này, có thể có một số người cho rằng tôi thiếu nghiêm túc trong bày biện bàn thờ và làm đám cúng giỗ. Thật ra trong buổi giao thời cũ mới này cũng đã có vài tranh cãi tuy không ồn ào lắm về việc nên hay không nên làm đám giỗ. Riêng tôi, tôi muốn giữ truyền thống xưa do cha mẹ để lại, tuy nhiên chỉ thực hiện một cách đơn giản hơn, bỏ các nghi thức và bày biện rườm rà như các bàn thờ của người Hoa, cốt sao tỏ được lòng thành!

Ngày nay tôi đồng ý khi thế hệ con tôi bắt chước Tây phương tổ chức tiệc mừng cho người sống, như sinh nhật, mừng ngày cưới… Nhưng tôi không đồng ý với quan điểm nên bỏ chuyện cúng giỗ người chết vì lạc hậu, phản khoa học… Tôi nghĩ không thể đem khoa học ra để so đo với những hành động thể hiện sự tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ … đã quá vãng!

Long Xuyên,

KHƯƠNG TRỌNG SỬU

tháng 4/ 2023

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
Xem tiếp...
h1
VINH BÌNH HOP MẶT MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO
Ngày 17/11, Hội CGC xã Vĩnh Bình đã tổ chức hop mặt mừng ngày Nhà giáo. Có 30 hội viên các nơi về dự,...
Xem tiếp...
h1
THĂM BẠN GIÀ LÊ HỮU HỒNG
Năm ngoái, ngày 20/11 đi Phú Phụng thăm thầy Lê Hữu Hồng, hiệu trưởng trường PTTH Chợ Lách đã về hưu....
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Gio-ben-trien-song-van-thoi
VĂN TRUYỆN CỦA PHẠM NGỌC DŨ- CẢM XÚC CHÂN THÀNH VÀ ĐẦY TÍNH NHÂN VĂN
Truyện của Phạm Ngọc Dũ được viết ra từ cảm xúc rất đỗi chân thành. Với giọng văn giản dị, mang yếu tố...
Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 7
Lượt truy cập: