Đó là lời động viên của những người con sinh ra từ nhiều vùng đất khác nhau đang sống tại Sài Gòn khi mỗi đêm mang những phần bánh mì đến với bà con gặp khó khăn trong mùa dịch.
Anh Hoàng Huy (33 tuổi) quê ở Hải Phòng vào Sài Gòn sinh sống, lập nghiệp nhiều năm qua với nghề vận tải. Những ngày Sài Gòn “bệnh nặng”, anh cùng bạn bè lập nhóm “bánh mì 0 đồng” với mong muốn hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh. Hết giờ làm việc, anh lại mặc lên mình chiếc áo bảo hộ và lao ra đường.
Từ hôm 1/7/21, Huy cùng bạn bè bắt đầu với 100 ổ bánh mì mang đi phân phát ở một số con đường. Sau đó, nhóm nhân lên 200 rồi 300 ổ, đến nay là hàng ngàn ổ mỗi ngày. Đi kèm ổ bánh mì còn có thêm xúc xích, sữa và nước uống .
Nhiều người chung tay với đội thiện nguyện “bánh mì 0 đồng”
Tuy nhiên thấy “như muốn bỏ biển”, anh kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp. Chỉ trong vòng 2 tuần, các nhà hảo tâm quyên góp tổng cộng 1,1 tỷ đồng. Đó là điều khiến nhóm “bánh mì 0 đồng” vô cùng kinh ngạc lẫn cảm động vì tình cảm của hàng ngàn người từ mọi miền đất nước.
Huy kể có những em nhỏ đập heo đất, làm bánh bán kiếm tiền gửi nhóm hoặc các cô giáo về hưu ở tận tỉnh Sơn La trích tiền lương ít ỏi để quyên góp. Nhiều bạn bè các tỉnh phía bắc và bà con Việt kiều cũng gửi tấm lòng vào những ổ bánh mì thân thương thông qua việc hỗ trợ chương trình .
Trao bánh mì trong thời điểm này giúp nhiều người tạm vượt qua cơn đói mỗi ngày
Nhóm “bánh mì 0 đồng” hoạt động theo mô hình tự nguyện, ai rảnh cứ đến tham gia. Họ chia thành đội xe máy và xe bán tải đi phát bánh mì, phủ khắp các nơi ở Sài Gòn. Mục tiêu là không bỏ sót những ngỏ ngách, cung đường có người cần giúp đỡ.
Vào mỗi tối thứ 2, 4, 6, nhóm của anh Huy sẽ mang cần xé đựng bánh mì cùng thức ăn tỏa ra các tuyến đường. Trung bình mỗi tối nhóm phát được khoảng 1.600 ổ bánh mì cùng các phần ăn.
Tham gia nhóm phát “bánh mì 0 đồng” gần 10 ngày qua, Trần Công Bình (29 tuổi) cho biết anh cảm thấy tự hào khi mình góp phần nhỏ cùng với xã hội.
Sở dĩ Huy chọn bánh mì vì anh cho rằng bánh mì luôn gắn liền với cuộc sống người dân Sài Gòn. “Đây là một món ăn bình dị, phổ thông với người dân. Bánh mì là thực phẩm ngắn hạn, cứu đói ngay lập tức, dễ ăn khi giúp người vô gia cư ăn được liền. Mặt khác, chúng tôi bị ngấm lối sống của người Sài Gòn, với những tiếng rao bánh mì Sài Gòn. Và bánh mì là cái gì đó phù hợp với phương châm của nhóm lúc này”, Huy chia sẻ.
Gần 2 tuần rong rủi trên các cung đường, Huy nhận nhiều tình cảm, tiếng cười của tất cả mọi người trong đại dịch Covid-19.
“Mỗi khi xe phát bánh mì 0 đồng đi ngang các chốt hay di chuyển trên đường thì người dân hay cảnh sát giao thông vẫy tay chào. Hay các anh shipper có khi chạy theo nhìn và thể hiện sự ủng hộ. Tất cả những điều đó rất xúc động và là động lực để chúng tôi giúp thêm cho Sài Gòn”, Huy kể.
Huy còn gọi hoạt động này là “huy động vốn” và “bán” cho những người khó khăn trong dịch với giá “0 đồng
Nhóm của anh mong muốn những người có hoàn cảnh khó khăn không cảm thấy áy náy, mặc cảm khi đón nhận “bánh mì 0 đồng”. “Chúng tôi sẽ phát bánh mì 0 đồng cho đến khi nào Sài Gòn hết bệnh”, Huy nói.
PHẠM HỮU
(Báo Thanh Niên)