Cách đây vài ngày, có một người bạn thân ở Sài Gòn điện thoại cho tôi. Bạn hỏi, nếu tìm một người mà chỉ biết tên và quê quán thì có tìm được không? Tôi trả lời bạn “cứ thử xem”. Trưa hôm đấy, bạn tôi nhắn tin cho tôi “Người cần tìm: Lê Tấn Lực, quê ở Tân Thiềng, Chợ Lách, có cha tên là Lê Cứ Phát. Người tìm: Nguyễn Anh Dũng, là em ruột của Lê Tấn Lực”. Đó là tất cả thông tin mà chúng tôi có. Tôi định bụng là qua đầu giờ chiều thì gọi UBND xã Tân Thiềng hỏi xem có thông tin hay manh mối gì không, nhưng chợt nghĩ bây giờ mạng xã hội phát triển quá, nên “google” thử xem thế nào. Kết quả google cho tôi ngay khi tôi gõ “Lê Tấn Lực xã Tân Thiềng”, là một bài viết trong một trang web có tên “trunghoccholach.com”,
có tên tác giả là Lê Tấn Lực. Bài viết được đăng tải cách đây vài ngày. Qua thông tin bài viết, tôi thấy tác giả là người có cùng tên, cùng quê và cùng độ tuổi với người mà bạn tôi đang cần tìm. Nhưng vẫn không thể chắc chắn là đúng người vì biết đâu có người cùng tên.
Tôi nghĩ cần phải liên lạc được với tác giả Lê Tấn Lực để tìm hiểu thêm thông tin. Nhưng tôi không tìm thấy bất kỳ thông tin cá nhân nào của tác giả đó. Tôi chuyển sang hướng tìm cách liên lạc với người quản lý trang web. Tình trạng cũng không có gì khả quan hơn dù tôi đã đọc hầu như tất cả chuyên mục và bài viết trên trang web đó. Tôi đã thử gọi cho một nhà hàng, nơi mà tôi thấy cựu học sinh cùng lớp với tác giả đó đã tổ chức một cuộc họp mặt cách đó hai ngày, với hy vọng tìm được chút thông tin của người phụ trách đặt tiệc hôm đó. Nhân viên nhà hàng cũng rất nhiệt tình tìm số người đặt tiệc cho tôi, nhưng không tìm thấy. Thay vào đó bạn cung cấp cho tôi một thông tin khác: ông Huy An ở có cửa hàng trang trí nội thất ngoài thị trấn có tham gia buổi họp mặt đó. Tôi tiếp tục google Cửa hàng trang trí nội thất Huy An và được con trai bác An cho số điện thoại của người cha, là người tôi cần tìm. Cuộc điện thoại với bác An mang lại chút xíu hy vọng: bác An không có số điện thoại của bác Lực nhưng có facebook của bác Lực. Bác An nói sẽ giúp tôi tìm cách liên lạc với bác Lực qua messenger.
Không thể ngồi và trông chờ vào một đầu mối. Đồng thời với “công cuộc” tìm kiếm bằng google thì tôi cũng liên lạc với Ủy ban nhân dân và Công An xã Tân Thiềng, xin họ cung cấp thông tin. Hơi buồn một tí là đến thời điểm này, khi tôi ngồi viết lại câu chuyện thì tôi vẫn chưa nhận được bất cứ phản hồi nào từ hai cơ quan này dù họ có xin tên và số điện thoại của tôi.
Mọi kênh tìm kiếm dường như vô vọng khi tôi không tìm được thêm manh mối hay phản hồi nào. Cho đến tám giờ tối cùng ngày, người bạn ở Sài Gòn nhắn tin tôi một trang web có tên “tongphuochiep-vinhlong” có một bài báo có đề cập đến tên Lê Tấn Lực. Qua một số bài viết trên trang web đó, tôi thấy có mối liên hệ giữa trang web này và trang “trunghoccholach” mà tôi tìm sáng nay. Chính vì thế, tôi vẫn quyết tâm tìm cho bằng được người phụ trách hai trang web này (tôi nghĩ là cùng một người). Nói thêm ở đây một tí, là vì tôi dùng điện thoại để lên mạng nên nội dung trang web không thể hiện hết trên giao diện di động. Vì thế mà tôi đã không thể thấy số điện thoại và địa chỉ email của người phụ trách trang web trong nội dung trang web. Tôi chỉ phát hiện ra việc này khi sau này tôi dùng máy tính để vào hai trang web đấy đọc tin.
Tôi tiếp tục đọc bài viết và tìm thấy ảnh mà tôi cho là người phụ trách trang web. Với thời đại công nghệ thông tin hiện nay, tôi chắc chắn rằng người phụ trách (admin) đấy nhất định sẽ có tài khoản facebook. Lại tiếp tục tìm kiếm, người trùng tên rất nhiều nhưng không có ai giống người trong ảnh. Một tia sáng lóe lên khi tôi tìm thấy một tấm ảnh “Chúc mừng sinh nhật Lương Minh, Hóc Môn…”. À thì ra… Và chỉ cần gõ địa điểm Hóc Môn, tôi đã tìm thấy facebook của người phụ trách trang web (chú Lương Minh).
Cuối cùng thì tôi đã tìm được “người đầu mối”. Dẫu biết rằng tôi có thể kết bạn rồi nhắn tin nhưng tôi háo hức muốn được kết nối ngay với chú Lực. Và tôi đã có chút may mắn khi người bạn chung duy nhất giữa tôi và chú Lương Minh đã giúp tôi liên lạc được với chú Minh. Sau khi trình bày lý do với chú Minh thì tôi có được số điện thoại của chú Lê Tấn Lực. Không chút chần chừ, tôi gọi ngay cho chú Lực. Tôi còn nhớ như in cái khoảnh khắc tôi hỏi tên cha của chú Lực và nhận được câu trả lời “Lê Cứ Phát”, có chút gì đó làm tôi nghẹn lời. Vậy là tôi đã tìm đúng người. Chúc mừng hai anh em chú Lực và Dũng đã lại tìm thấy nhau.
Câu chuyện vẫn chưa dừng lại tại đây. Cuộc hội ngộ của hai anh em không chỉ là niềm vui của người trong cuộc, mà còn là niềm vui của tôi và người bạn thân ở Sài Gòn và hơn thế là niềm vui của nhân duyên cho tôi được gặp chú Minh. Tôi xin nói lời Cám ơn trong câu chuyện này. Cám ơn người bạn đã nhờ tôi tìm người, cám ơn anh em chú Lực đã mang duyên cho tôi gặp được nhà báo Lương Minh.
Cám ơn chú Lương Minh đã cho tôi niềm tin, động lực và cả sự dẫn dắt để tình yêu văn chương, tình yêu ngôn ngữ trong tôi được sống lại và có cơ hội để chia sẻ cùng với mọi người.
Vân Lưu
Lê Tấn Lực (ảnh từ fb)
Cám ơn cô trong cuộc hành trình này do con gái về Việt Nam nên tôi xin nó kiếm dùm. Vì lên google tôi thấy anh tôi với bài xong đất nhà anh Lực nhưng bên Canda tôi có lên mạng kiếm có phản hồi ở bài báo nhưng không được trả lời có viết thư về công an Tân Thiêng nhưng không được hồi âm. Tôi có cho Như thấy hình ảnh tôi nó nói giống ba y chang . Khi được tin Tôi không biết Vân là ai . Con tôi hỏi lại có phải ông nội là Lê tên Phat không,? Nó bắt tôi phải cho nó nghe tôi nói chuyện với anh tôi nó mới tin
Một ngày nào tôi với nó sẽ về quê sẽ đưa nó về con sông nhỏ với mấy cây dừa lão với đám dừa nước mà tôi thích ăn và bân chín nâu canh chua. Tôi xin cám ơn cô rất nhiều