Tôi là cựu học sinh Trường Trung học PT Chợ Lách niên khoá 1980-1983. Dù cuộc sống và công việc ít khi nào dành cho tôi chút thời gian rảnh rỗi nhưng nó không làm cho tôi vơi đi nỗi nhớ về mái trường này cũng như những kỷ niệm về những năm học cấp III của tôi. Khi nhớ về những ngày tháng đó, tôi thường hay vào trang Web Trung học Chợ Lách (THCL.com) xem để nhìn lại về trường, thầy cô và bạn bè ngày xưa. Có lẽ tôi cũng như một số cựu học sinh THCL khác chỉ đọc mà ít tham gia cộng tác bài cho trang Web, nên khi nghe Anh Lương Minh than: “Cựu học sinh THCL hơn 1.000 người mà bài vở gửi cho trang Web của trường ít quá”. Thấy cũng hơi chạnh lòng! Thôi thì mình cố gắng dành thời gian tham gia vài bài cho trang web của THCL thêm phong phú, cũng là ghi lại những ký ức đẹp của mình năm xưa về ngôi trường và để sau này thế hệ đi sau có dịp biết đến thế hệ trước đã từng có một thời học trò khó phai !
NGÔI TRƯỜNG XƯA.
Bọn tôi đậu vào trường THCL sau kỳ thi chuyển cấp. Kỳ thi được tổ chức thi tập trung tại trường cấp I& II Thị trấn Chợ Lách. Tôi bước vào học lớp 10 đúng năm năm sau ngày đất nước thống nhất. Thời kỳ đó, đất nước rất khó khăn, cơ sở vật chất của Trường cũng nằm trong tình hình chung của xã hội. Tôi còn nhớ là các học sinh trúng tuyển vào lớp 10 tập trung về trường khoảng cuối tháng tám. Ngày đầu tiên tập trung, rất náo nức, bọn tôi hẹn nhau chạy xe đạp xuống trường từ sáng sớm. Lúc đó, có được chiếc xe đạp để đi lại là mừng lắm rồi. Nó như một tài sản lớn của các gia đình. Từ đầu cầu sắt chợ Phú Phụng chạy xuống là gặp Chang (Trần Văn Chang 10 C), Huân (Lê Văn Huân 10D), Khâm (Thi Văn Khâm10 C). Cả nhóm cùng đi xuống trường. Dọc đường nhóm chúng tôi gặp các bạn ở Vĩnh Bình, Sơn Định và các anh chị lớp trên cũng đang đến trường nên không khí có phần khá nhộn nhịp. Tôi háo hức lắm vì hôm nay coi như là ngày tựu trường và cũng là lần đầu tiên chúng tôi được học ở ngội trường mới mà!
Đường vào Thị trấn phía từ xã Sơn Định xuống phải đi qua cây cầu sắt. Nó được đặt tên là cầu Chợ Lách. Xuống dốc cầu sắt Chợ Lách, quẹo trái, khoảng hơn 100 mét là tới trường. Ngôi trường quay mặt xuống mé sông, có hai dãy lớp song song với nhau. Phía trước trường không có xây tường rào mà thay vào đó là hàng rào bằng dây kẽm gai, có lẽ nhờ vậy mà ngôi trường rất thoáng, đơn sơ như bao ngôi trường khác ở vùng nông thôn xa. Tuy nhiên, nó cũng đã quá cũ kỹ rồi! Dãy lớp học phía tay trái từ cổng trường đi vào, chỉ còn ba phòng học, nó được bố trí cho 3 lớp 10 (10 A; 10 B và 10 C).Vào buổi học khác thì tôi không nhớ là trường xếp cho lớp nào. Các phòng còn lại đã bị dỡ đi do quá xập xệ, xuống cấp. Cuối sân trường có 3 phòng học nằm ngang. Có một phòng học nằm ở cuối góc và bọn tôi – học sinh khối 10 mới vào trường được bố trí học ở đó. Lần đầu tiên bước vào phòng học này, tôi rất ấn tượng và nhớ mãi đến bây giờ là: trên tường ai đó ghi “Nhớ mãi ngày này – 28/5/1980. Tôi đoán không lầm là của các anh chị lớp 12 – niên khóa 1979-1980 viết để lưu dấu ngày chia tay với ngôi trường như một kỷ niệm khó quên.
Cạnh phòng học của lớp tôi là thư viện trường, do số phòng của trường rât ít nên thư viện cũng ngăn ra để bố trí chỗ nghỉ cho giáo viên. Dãy phòng bên phải của trường, đầu tiên là phòng Hiệu trưởng (lúc bấy giờ Thầy Oánh là Hiệu trưởng, thầy Phạm Tiến là Hiệu Phó). Kế bên phòng Hiệu trưởng là phòng thí nghiệm. Tôi mê nhất phòng này. Hôm nào được thầy Tuấn (dạy Lý – phụ trách phòng thí nghiệm) cho vào tham quan là “đã lắm”. Tôi cố thực hiện các khuyến cáo của thầy Tuấn là không được đụng vào các lọ hoá chất, không đụng vào bất kỳ cái gì mà không xin phép chỉ để được thầy cho xem cái kính hiển vi với độ phóng đại tối đa là 40 X, với tôi lúc đó đây là cả một góc trời khoa học. Thầy Tuấn cắt mỏng một bông hoa, sau đó đặt với kính hiển vi. Với độ phóng đại, cấu trúc của nó đẹp cực kỳ.
Khi học được nửa năm học, nhà trường xây lại một số phòng học mới trên nền các phòng học cũ. Sân trường khá rộng. Sân bóng chuyền là trung tâm sân trường thế mà mãi đến năm lớp 12 tôi mới tham gia được vì lúc đó mới “nhổ giò”, đủ chiều cao để chơi. Nghe nói, các anh lớp trên chơi bóng chuyền khá hay và tham dự giải Hội khỏe Phù đổng của tỉnh được giải nhì. Kỳ dự giải năm đó, thầy Triều (dạy thể dục) dẫn đội đi tham gia. Với kết quả đó thầy vẫn còn nối tiếc và than rằng nếu đội bóng bình tĩnh hơn và trọng tài công tâm hơn có lẽ trường đạt giải nhất rồi. Kề bên sân bóng chuyền là một khoảng sân trống với sự có mặt của khoảng bốn cây “còng già” làm mát rượi góc sân trường. Cuối dãy phòng phía bên phải cũng còn khoảng một khu đất trống, khu đất này vào khoảng nữa niên học (1980-1981) trường cho xây 2 phòng học tạm, mái lá dành cho 02 lớp 10 C và lớp 10 D. Từ cổng trường bước ra là con đường đất đỏ, kế đến là bến nước. Nằm kề hai bên bến nước là quán giải khát của Chị Út và của Dì Hai. Chủ yếu là bán chè đậu và nước giải khát cho học sinh (Thời đó gần như không có nước ngọt đóng chai). Nơi đây trở thành nơi tập trung quen thuộc của những đứa học trò bọn tôi trong những giờ giải lao hay sau khi tan lớp mà nấn ná nhiều chuyện chưa chịu về nhà. Quán của chị Út còn có thêm vài bàn banh thùng cho học sinh giải trí khi đầu giờ và lúc ra chơi. Lớp tôi cũng có một vài tay chơi banh bàn thuộc loại cao thủ như Trần Đỗ Chi, Bùi Công Huấn …
Ngôi trường tuy đơn sơ nhưng tôi vẫn nhớ mãi. Thời gian sau này, tôi có vài lần ghé thăm lại trường nhưng tiếc rằng nó đã xây dựng thành nhà trẻ, còn trường cấp III được di dời và xây ở chỗ khác, chỉ còn lại mấy “cây còng già” còn đứng đó, như để cố giữ lại dấu vết về ngôi trường thuở nào của bọn tôi.
LĐK
Tôi không biết hình minh họa này có đúng trường mà tác giả học không? Ngôi trường mà tác giả kể trong bài là trường tiểu học Chợ lách ngày xưa mà tôi học. Có hai dãy phòng , không có lầu, lúc đó lớp tiếp liên của thầy Nguyễn Thành Nam năm 1962-63. Ở cuối dãy bên trái. bên trái trường là Ấu trỉ viện. Tôi nhớ có năm nào Bệnh viện Chợ Lách chưa xây, quận mượn nhà này để hoạt động. Tụi học sinh nhỏ chúng tôi thường qua đây khai bệnh ho để được cấp thuốc ho ( si rô ngọt) để uống.
Năm thầy Oánh làm hiệu trưởng, tôi về Chợ Lách sống và lân la vô trường chơi với thầy Tô Hồng Luân, Lê Lợi để nghe kể chuyện miền bắc. Mỗi lần trường co thi tốt nghiệp thì lại trường với tư cách Hội PHHS để tiếp đoàn giáo viện huyện khác đến gác thi, chấm thi. Sau đó năm 1993 tôi đi làm ăn xa không còn biết gì nữa..
Hồi xưa ít có ai chụp hình nên ngày nay tìm hình trường vào giai đoạn này không ai còn giữ. Cũng xin thông báo , nếu anh chị em nào còn giữ hình truờng THCL hay học sinh trường thời 60 -1975 hay 1975- 2000 xin cung cấp cho trang nhà để lưu trữ làm tư liệu chung.
Đúng đó anh Lương Minh! Đó là trường tiểu học cũ,năm 1976 thì trường THCL chia ra cấp2 và cấp3! Cấp3 dời ra trường tiểu học lấy tên Trường Phổ Thông cấp 3 Huyện Chợ Lách( không có A,B lúc đó Vĩnh Thành chưa có cấp3 nên học sinh Cái Mơn phải lên Chợ Lách học)
Đọc bài này gợi nhớ về những ngày còn học ở trường.
Cảm ơn bạn LĐK