Đối với lũ trẻ học Trung học Chợ lách, 13, 14 tuổi lại mê tiểu thuyết võ hiệp tụi tui ngày ấy thì ông Tám Văn, ông lão chèo đò bến chợ là một kỳ nhân giang hồ. Không, một quái nhân thì đúng hơn, đã phiêu dạt về đây. Ẩn nhẫn chờ đợi một thời cơ nào đó. Dáng người nhỏ thó, đen đúa nhưng khô đét, rắn rỏi, đúng là một cao thủ Khô Mộc Thần Công thâm hậu. Sùm sụp trên đầu là chiếc nón lá. Luôn luôn là một chiếc nón cũ, rách te tua một chút. Đố đứa nào thấy ông đội nón mới. Thằng Nguyễn Văn Chiến nhận xét, sở dĩ ông đội nón rách là để dễ dàng, qua những chỗ rách đó, âm thầm theo dõi nhân vật giang hồ xuôi ngược.
Tui thấy cũng hữu lý vì khi đội nón lá mới, muốn nhìn ai ta phải ngước mặt lên. Mà khi ngước lên, nhiều khi ta chưa kịp nhìn ra ai, người ta đã nhìn ra mình. Thế là mất tiên cơ, đại kỵ của cao thủ.
Đò ngang Chợ Lách có chủ, ông chỉ nhận chèo thuê vào ban ngày. Ban đêm, ông lui về một am cốc nào đó để luyện công hay làm gì, cũng không ai biết. Thằng Long nói, hình như ông không có ở một chỗ. Có chiều nó thấy ông đi về hướng tây. Chiều hôm sau, nó lại thấy ông đi về hướng nam. Hành tung vô định, thoắt tây thoắt nam.
Không giống như những người chèo đò khác, có đôi mái chèo. Ông chỉ chèo độc một chiếc. Cái dáng đứng chèo, thi triển công phu cũng lạ. Chỉ có bàn tay trái hờ hững nắm lấy guốc chèo, còn nguyên cánh tay mặt nằm dài trên cán, cả người ông như tựa vào mái chèo, khoan thai đẩy những nhịp chèo hoà hưỡn. Nhìn ông, nhiều lúc tụi tui đố nhau, không biết là đò đang chèo ổng hay ổng đang chèo đò?
Mùa gió nam thổi mạnh từ vàm Phụng Châu, đò sang sông của ông nhiều lúc trôi tuốt xuống dinh quận. Trên đò, hai ba chục cô cậu học sinh sắp tới giờ vô học, ông vẫn bình thản nhịp những mái chèo từ tốn. Mà ngộ, đò nặng, gió ngược mạnh như vậy, vẫn tì tì tiến vào bến. Chưa nghe đứa học trò nào trễ học vì đò. Nhớ lại thiệt bái phục.
Ông chỉ còn một mắt. Thằng Chiến nói ông có thể là Kha Trấn Ác, đại sư phụ của Quách Tĩnh, sau hỗn chiến ở Giang Nam, tháo chạy về đây. Tui nói, mầy nhớ lộn rồi! Kha Trấn Ác một giò, còn ổng hai giò đầy đủ mà. Thằng Chiến nói ờ hé. Tui nói ổng có ” chèo pháp ” quá đổi vi diệu, tao nghi ổng là Thuỷ Thượng Phiêu Cừu Thiên Nhạn. Thằng Long nói, mầy tào lao, Cừu Thiên Nhạn đi trên sông có đi trên đò đâu. Tui nói, thì tao đoán vậy. Đi trên sông cũng có lúc đi trên đò chớ bộ. Bà con mà!…
…
Tới năm 70, tôi rời trường đi học xa. Lúc ấy ông Tám Văn vẫn còn ở đó. Sau nầy về không gặp. Bạn bè tứ tán bốn phương, có thằng đi hẳn. Cũng không biết ông còn hay mất. Còn hay mất, chắc ông cũng đang ở một xứ trời nào đó, bình thản sống với những tuyệt kỷ công phu.
Bây giờ về quê, đi đâu cũng Honda. Muốn qua chợ thì phóng vèo qua cầu. Không còn hưởng được thú đi đò ngày xưa.
Tiếc!
Tháng 11/2016
QUÁCH ĐÀO
Hình minh họa
Một bài viết về nhân vật nổi tiếng ở Chợ lách. Ông Tám Văn không giàu có, nhưng ai đã từng sống tại Chợ lách đều biết. Tác giả đã tả con người đặc biệt này với giọng vui làm người đọc nhớ lại với nhiều kỷ niệm.
Đây cũng là nhân vật nổi tiếng của thị trấn Chợ lách. Đọc nhớ thêm nhiều chuyện ngày xưa
Quách Đào tiên sinh viết hay quá,tả ông Tám chèo đò như Thần điêu đại hiệp, thoắt ẩn thoắt hiện, ông còn là một hiệp khách độc nhãn sao không thấy Quách tiên sinh nhắc đến, xưa tiểu nhân trọ nhà ông hai Đực (chủ đò) nên có cơ hội tiếp kiến với đại hiệp độc nhãn chèo đò thường xuyên. Đúng là một con người đáng nể bởi tính cần cù nhẫn nại ít ai qua nổi