Thầy Trần Ngọc Sương năm rồi có hỏi tôi, Chợ Lách bây giờ ra sao, người dân sống thế nào ? Hôm thầy về Chợ Lách, có lẽ thầy cũng biết sơ sơ về Chợ lách nhưng rồi các bạn giữ chân thầy ở quán và thời gian thầy lưu lại ở Chợ Lách chưa đầy 4 giờ đồng hồ thì còn thua người cưỡi ngựa xem hoa. Hôm nay, chợt nhớ câu hỏi của thầy, sẳn dịp tôi trả lời luôn. Ở Chợ Lách gần đây nổi lên phong trào văn nghệ quần chúng tự phát. Các quán cà phê, quán nhậu có chương trình hát với nhau. Các đám tiệc thường thuê dàn âm thanh về cho các bạn thanh niên trong xóm ca cho vui nhà, vui cửa. Không phải đám cưới , đám hỏi người ta mới đem nhạc sống về mà đám thôi nôi, đầy tháng, kỳ thu hoạch nhãn, chôm chôm, cắt lúa đều có dàn nhạc giúp vui.
Ở đời hể có nhu cầu thì có cung, do đó nghề cho thuê âm thanh, dàn nhạc xuất hiện khắp nơi, hầu như xã nào cũng có. Có xã có đến hai ba dàn nhạc tạm gọi là “ban nhạc”. Ban nhạc chỉ cần 2 người để “ điều hành” dàn nhạc là đủ. Ban nhạc phải có xe ba gát hay xe thùng kéo chở âm ly, hai thùng loa và dụng cụ như đàn organ, màn hình.. Một người biết đánh đàn, một người điều chỉnh âm thanh là được. Cứ một suất 4 giờ là một triệu đồng, ngày nào trúng mánh làm 2 suất cũng ấm lắm. Có người so sánh, chơi dàn nhạc này lợi hơn karaoke vì karaoke hạn chế một số bản được phép lưu hành còn loại hình này thì không. Người ca bản nào nếu người đánh đàn giỏi là có thể theo kịp.
Vừa qua, tôi có dịp đi đám khai trương cửa hàng thuốc tây ở Hòa Nghĩa. Chủ cửa hàng chiêu đãi 6 bàn, khách ăn uống còn có phần văn nghệ. Chưa hết, thực khách còn biết nhảy đầm, mà người nào cũng điêu luyện cả, hỏi ra thì ở địa phương có nhiều lò luyện nhảy, vài nơi như Vĩnh Thành, Tân Thiềng hàng tuần có nơi tập dượt. Anh bạn tôi cho biết, môn nào mà người ta chịu thực hành lâu ngày cũng thành hay.
Bài ảnh HM
H1
h2
h3
h4
h5
h6