Năm 1988, đoàn hát Bông Hồng trực thuộc một huyện ở đồng bằng sông Cửu Long “trôi” về vàm kinh Bổn Sồ gần nhà tôi để mong ráng gượng những “hơi thở” cuối cùng sau khi đã bị đánh bầm giập ở các bến khác. Sự thoi thóp của đoàn hát ở giai đoạn chết lâm sàng đã ám ảnh tôi cho tới bây giờ. Tới đây, Trời lại không thương, tổ không đãi, hơn nửa tháng dọn về chỉ hát được một đêm với lèo tèo vài chục khán giả, còn lại là những ngày mưa dầm dề. Một đoàn hát trên hai chục con người từ chị bầu gánh, đào kép, nhạc công, âm thanh, ánh sáng nheo nhóc, điêu tàn trong những buổi chiều mưa gió tả tơi. Nhất là chị bầu gánh (cũng là diễn viên của đoàn), chị thường ngồi đưa đôi mắt u uẫn chống càm nhìn lên bầu trời xám xịt thở dài, cái thở dài dễ đoán được tâm trạng. Chị chưa già nhưng cũng không còn đủ trẻ để đóng được các vai thiếu nữ hay công chúa, chị thường đảm nhận những vai già nua khắc khổ, ứng với cuộc đời chị, ít nhất là trong thời điểm này. Đói, họ bắt đầu lần lượt bán đi những thứ vật dụng không cần thiết nhất của đoàn hát. Tay kép chánh thất nghiệp giăng võng dưới gầm sân khấu nghêu ngao những câu vọng cổ cho đỡ buồn. Thỉnh thoảng anh này thì thầm một đoạn nói lối đầy bi ai trong một tuồng tích nào đó về thân phận của đời nghệ sĩ nghe mà chua xót, nghe mà ngậm ngùi. Rồi như chưa đủ “độ” đau, anh ta bất ngờ rống lên cay đắng nức nở một câu vọng cổ cải biên như để thỏa mãn nỗi oan ức gì đó trong cuộc đời. Tiếng hát của người nghệ sĩ trong cơn bĩ cực mới ai oán và chua chát làm sao! Riêng cô đào chánh thì xách bộ bài Tây đi coi bói cho những bà những cô trong xóm để sống lây lất qua ngày. Trời hết mưa, đoàn thông báo mở màng trở lại nhưng ác thay, ngoài thị trấn Chợ Lách cách đó chỉ ba bốn cây số, một đoàn hát lớn khác với các nghệ sĩ tên tuổi cũng vừa về dựng rạp. Sân khấu mở màng mà khán giả thì “không nấu ngọt nồi canh”! Vậy là phải trả vé và lầm lủi thay y trang rồi mỗi người tìm một góc nằm chèo queo mặc cho muỗi cắn và cơn đói hoành hành. Nhiều người trụ không được lần lượt quảy giỏ ra đi, đoàn hát cứ “rụng” dần, hết quân vương rồi tới binh sĩ, hết hoàng hậu rồi tới nữ tì, họ trôi dạt về đâu không ai biết được. Những người không nỡ bỏ gánh, nấn ná ở lại với hy vọng mong manh thì lân la phụ hợ hàng xóm việc này việc kia để kiếm bữa ăn, bữa nhậu. Chị bầu gánh lai tiếp tục bán những vật dụng khác của gánh hát để trang trải nợ nần cho hàng quán xung quanh. Hết đồ để bán, chị bầu gánh (nếu tôi nhớ không lầm có nghệ danh là Thanh Thanh), ngại ngùng đến mấy nhà gần đó mượn rổ xúc, mượn nồi rồi cũng ngại ngùng xuống sông bắt chước dân bản xứ cào hến, bắt tép để cải thiện bữa ăn cho những người còn lại trong đoàn. Nhìn người phụ nữ từng là mẫu nghi thiên hạ trên sân khấu, từng oai phong lẫm liệt trong vai nữ tướng đầy bản lĩnh và uy quyền lọ mọ bắt từng con hến, con tép dưới sông khiến tôi chạnh lòng. Gạo thì người dân thương tình ( có cả vì yêu mến nghệ sĩ) mà góp lại mỗi người năm ba lít để họ ăn tạm qua ngày. Áo mão cân đai, gươm giáo cờ trống, long bào vương miện… cái gì bán được thì bán tất. Cái nào gá nợ được thì gá nợ. Chị bầu gánh mặt đăm chiêu suốt hai ngày bỏ ăn bỏ uống để có một quyết định đau lòng: giải thể gánh hát! Sân khấu tiêu điều, những gương mặt nghệ sĩ tiêu điều mạnh ai nấy xách giỏ chào nhau bằng những cái nhìn buồi rười rượi. Tôi nhớ như in thứ vật dụng cuối cùng mà chị bầu gánh bán đi là đôi dép da trầy xướt vài chỗ. Chị ôm gói hành lý đi chân không đến bến đò về Vĩnh Long bằng những bước chân nặng trĩu nỗi niềm. Bà Hai Sang, bà lão mà tôi có dịp nhắc tới ở đoạn trên, cố chóng gậy bươn bả bườn theo nhét vào túi chị bầu gánh vài trăm đồng để “em có tiền mà đi đò về quê”, nước mắt người nghệ sĩ thất thời rịn ướt cả khuôn mặt.
Vậy thì, tôi hy vọng gì vào cái nghề bạc bẽo đó mà thi vào trường nghệ thuật sân khấu? Đam mê? Ý thức nhắc tôi rằng tôi chưa đủ “độ” đam mê để trở thành một nghệ sĩ nhỏ chứ đừng nói tới thành danh. Rồi tiềm thức lại bảo, hãy dấn thân đi mình sẽ đạt được mục đích. Ý thức và tiềm thức đấu tranh nhau cho tới một ngày tôi nhận ra tôi đang hoang tưởng về bản thân mình. Thật ra, tôi đang chạy theo sự xúi giục của bản năng, đang chấp chới những ảo vọng từ hấp lực của ánh đèn sân khấu chứ con người nghệ sĩ ở tôi hoàn toàn trống rỗng. Tôi không có đam mê. Tôi không có năng khiếu bẩm sinh, tôi không đủ bản lĩnh để dấn thân, hai chữ đam mê chỉ là sự hoang tưởng đặt trên nền móng của người ham thích nghệ thuật đơn thuần. Nói chung là tôi không có một chút tố chất nào của người nghệ sĩ. Vậy là tôi rút lui sau chín tháng trong môi trường nghệ thuật chính qui đầy quyến rũ, vậy mà, tôi lại không một chút hối tiếc, mới lạ!
Nhắc tới nghiệp hát và đam mê nghề thì phải nhắc tới những gia đình mà ba bốn thế hệ vẫn còn đeo đuổi nghề nghiệp như các gia đình nghệ sĩ lớn ở sài Gòn. Gia đình của nghệ sĩ Thanh Tòng, nghệ sĩ Thành Tôn… trải qua nhiều giông gió bão tố thăng trầm vẫn còn có những hậu duệ đang hoạt động và thành danh trong nghề. Đất Sài Gòn giàu có sang trọng nuôi những đam mê vốn dĩ đang ngày càng có nguy cơ mai một như cải lương không nói gì, ở tại quê hương tôi cũng có một đại gia đình mà bốn thế hệ trôi qua vẫn gắn bó với cái nghiệp “xướng ca” mới là lạ. Đó là gia đình của gánh hát bầu Đua ở xã Hòa Nghĩa huyện Chợ Lách nổi tiếng từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Gia đình này khởi nghiệp bằng gánh hát bội phục vụ đám cúng đình trong huyện. Người đứng ra thành lập gánh hát là ông bầu Sang. Diễn viên trong đoàn hầu hết là bà con họ hàng của ông. Cha mẹ bầu Sang là những người mê hát bội, cải lương nên lên tận Sài Gòn mướn thầy về nhà dạy hát cho con. Học xong, ông lần lượt truyền nghề lại cho anh chị em trong dòng họ rồi tập hợp nhau thành lập gánh hát. Ban đầu, gánh hát chỉ phục vụ cho nhu cầu cúng kiến lễ lộc trong xã. Dần dà, tiếng lành đồn xa, nhất là gánh hát có cô đào Kim Vui ( Võ Thị Vui ), con của bầu Sang nổi tiếng hát hay diễn giỏi lại nết na thùy mị nên khán giả ái mộ cứ một đồn mười, mười đồn trăm khiến cho gánh hát bội của bầu Sang nổi như cồn khắp xứ đồng bằng. Thời đó, những đoàn hát bội của các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang muốn tăng cường đào kép để hát mà không mời được đào Kim Vui thì Ban tổ chức sẽ không “bấm tờ” ( ký họp đồng như bây giờ ). Bầu Sang qua đời, đào Kim Vui kết duyên với ông Trần Văn Đua (sau trở thành bầu Đua nổi tiếng trong giới sân khấu đồng bằng). Gánh hát bầu Sang sau đó được đổi tên thành gánh bầu Đua và chuyển sang hát cải lương. Gánh bầu Đua trụ được một thời gian rồi do chiến tranh giặc giã đành trở về quê tiếp tục phục vụ hát đám tiệc, cúng đình ở huyện nhà.
Bầu Đua và đào Kim Vui có cả thảy mười ba người con thì có mười một người theo nghiệp hát. Người cho tới hiện nay đã làm rạng danh gia đình là nghệ sĩ Dương Thanh, trưởng đoàn Trần Hữu Trang I. Năm 1984, thấy sân khấu cải lương nhiều nơi manh nha phục hồi, nhất là sân khấu cải lương Sài Gòn bắt đầu khởi sắc, bà Kim Vui xuất vốn, “gom” tất cả các con từ lớn tới nhỏ lại truyền nghề rồi xin phép cơ quan văn hóa huyện thành lập đoàn Văn công xã Hòa Nghĩa. Được chấp thuận, đoàn cải lương của đại gia đình bà Kim Vui khuấy động phong trào văn nghệ quần chúng thời đó. Những tuồng như Tình ca biên giới, Ngọc ẩn rừng thiêng, Tình hận thâm cung, Lâm Sanh Xuân Nương… được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Năm 1987, để có pháp nhân nhằm hát phục vụ khỏi địa phận huyện nhà, đoàn xin phép nâng cấp thành đoàn Văn công Chợ Lách. Trong hơn năm năm tồn tại, trừ những ngày mưa và những yếu tố khách quan khác, đoàn văn công Chợ Lách đi đến đâu là thu hút khán giả tới đó. Đoàn hát xoay vòng các xã trong huyện nhà xong sẽ “đánh” sang các huyện lân cận thuộc tỉnh Vĩnh Long. Sân khấu của đoàn Văn công Chợ Lách khởi sắc tưng bừng mặc cho có sự cạnh tranh tồn tại quyết liệt của các đoàn khác trong khu vực. Rồi, sân khấu cải lương đồng bằng sông Cửu Long “hồi dương” được trong hơn một thập niên lại bắt đầu có dấu hiệu suy tàn do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Ngành nghệ thuật sân khấu cải lương có lúc đứng bên bờ vực bị khai tử. Những đoàn nhỏ chen lấn không được lần hồi rơi rụng theo thời cuộc, những đoàn lớn cũng bắt đầu vắng khách và rút về các thành phố lớn nằm chờ thời. Đoàn Văn công Chợ Lách cầm cự được tới năm một chín chín hai, lúc mà bộ phim Tây du ký bắt đầu phát sóng trên ti vi, hút mọi thành phần khán giả vào loại hình giải trí hấp dẫn này. Sân khấu điêu tàn và đoàn Văn công Chợ Lách quyết định giải thể tại xã An Bình huyện Long Hồ, Vĩnh Long. Chị Thanh Phượng, người con thứ mười một của đào Kim Vui và bầu Đua đảm nhiệm chức trưởng đoàn Văn công Chợ Lách lúc đó ngậm ngùi:
– Rã đoàn, may mắn là anh chị em thời ấy ai cũng tích lũy được một ít vốn để về quê sinh sống. Nhưng… cái cảm giác thiếu ánh đèn sân khấu, thiếu khán giả, thiếu tiếng vỗ tay mỗi khi xuống vọng cổ, thiếu những buổi cháo khuya mà đại gia đình quay quần trong những ngày lang bạt thì buồn vô cùng, nhớ nghề vô cùng. Gánh hát giải thể, mỗi người trong gia đình tìm cho mình một cách mưu sinh nhưng hầu hết không ai bỏ nghề mà vẫn đi hát phục vụ theo yêu cầu của các đám tiệc trong và ngoài xã. Cải lương bây giờ “hẻo” quá, nếu mà nó “sống” lại được như ngày xưa, chị em tụi tui dám tập hợp lại đi hát nữa chứ giỡn! Thôi kệ, thỉnh thoảng có người kêu hát đám tiệc, cũng vui, cũng đỡ nhớ nghề và cũng để còn có cái mà hy vọng… Như mấy đứa con chị Năm (Lệ Thanh) và chị Sáu (Diễm Lệ) của tui đó, hiện nay vẫn nối nghiệp gia đình theo cậu Dương Thanh lên Sài Gòn chạy sô cải lương, chắc cũng sống được…
Chữ “sống được” của người nghệ sĩ miệt vườn nghe nhẹ hơn những âm sắc khác trong câu nói tạo cho người nghe cảm giác không yên tâm nhưng vẫn hy vọng, mà sự hy vọng lại tạo tiền đề cho nhiều thứ khác của con người.
*
Năm hai ngàn, tình cờ tôi có dịp tiếp xúc với anh em văn nghệ của tỉnh sau khi trải qua những thăng trầm với đủ thứ nghề kiếm sống. Rồi lân la chơi, lân la tìm hiểu và lân la nhập cuộc lúc nào không biết. Tôi tới chơi với anh em văn nghệ bằng tâm thế của kẻ thiếu tự tin vì “vốn liếng” chẳng có gì ngoài một mớ kiến thức phổ thông lõm bõm trong đầu với mấy bài thơ “ngọng nghịu”! Vậy mà được khuyến khích, được động viên một cách chân tình nên mới tập tọng viết lách. Mới đầu viết chỉ vì nhu cầu bày giải, viết vì thấy… thích viết, vậy thôi! Lâu dần, văn chương chữ nghĩa như ma ám, được đăng thì ráng viết, không được đăng thì viết nhiều hơn, viết như khùng, như ma nhập. Nhiều lúc muốn bứt mình ra khỏi cuộc chơi vốn không dành cho những kẻ thiếu tài thiếu vốn sống như mình (có cả vì cơm áo gạo tiền) nhưng lần nào cũng thấy dằn vặt, buồn rầu, đau đớn để rồi lại “ghé” vào chơi như kẻ nghiện. Cho tới bây giờ tài sản của hơn một chục năm lăn lộn với con chữ là vài bài ký, mấy cái truyện, ít bài thơ mà cái nào cũng thuộc dạng “đăng cũng được mà không đăng cũng chả sao”! Có điều, lần này thì khác với hồi tôi thi vào trường Trần Hữu Trang vì hơn mười năm rồi tôi vẫn chưa ngoảnh lại để hoang mang, để nuối tiếc, để muốn rời xa . Tôi vẫn chưa dám gọi cái mình đang đeo đuổi là đam mê vì biết rằng cuộc chơi nghệ thuật nào cũng luôn tiềm ẩn sự đào thải khắc nghiệt. Tôi cũng không biết mình có “sống được” như những đứa cháu thế hệ thứ tư theo nghề cải lương bằng sự đam mê di truyền của nghệ sĩ Thanh Phượng hay không nhưng vẫn phải hy vọng dù biết bể dâu vẫn đang chờ phía trước.(hết)
Ngọc Vinh , ảnh xem hát ở đình của Trương Văn Phú
(trích bút ký Đam mê )
Thật sự chới với với bài bút ký nầy của Ngọc Vinh. Kiến văn rất rộng cộng với hỏa hầu hư hư thật thật. Nếu bỏ đi một số chỗ quá chi tiết, sa đà vào giải bày, bài viết càng tuyệt vời hơn. Tuy nhiên với bài nầy, Ngọc Vinh đường hoàng vào ngồi chiếu trong của văn học miền Tây rồi. Chúc mừng, Q Đ.
Đấy, dân Vĩnh Bình đấy ! Không biết trước đây VB có nhân vật văn chương nào không ? Sao bây giờ quy tụ đông quá.
Cảm ơn anh Tiến và anh Minh có lời khen, đó cũng là động lực để em tiếp tục tham gia trên trang nhà!
Ngọc Vinh thân mến, đọc qua bài này anh bổng nhớ tới dòng họ bên ngoại anh cũng ở ấp Hoà Thuận xã Vĩnh Bình có một vài người theo nghề hát , và cũng rả gánh rồi trở về cư ngụ gần rạch Xóm Chỉ, anh không biết tên của những nhân vật đó vì anh chỉ nghe má anh nói lại mà thôi. Anh cũng ngậm ngùi kiếp đời người nghệ sĩ khi bị ” hết vốn “, đi bắt cua, óc , câu cá thòi lòi là chuyện bình thừơng thôi Vinh ạ.
Thành thật mà nói bài viết này của em anh nhận thấy tuyệt lắm rồi nha, anh viết không nổi như vậy đâu, Thân mến.
Lương Minh ơi, phải nói Ngoc Vinh là dân Chợ Lách mới đúng, Mình ý kiến vậy không biết có trật hay không…
Nói như thế cũng đúng, vì VB thuộc CL mà. Nhưng muốn nói một tập hợp nhỏ hơn để có một tỷ lệ lớn hơn. Thí dụ, thị trấn sản sinh nhiều đại gia hơn, thành công ở lãnh vực kinh tế hơn, nhất là sau khi lên SG (Đây là nhận xét theo cảm tính chưa có thống kê chính thức nhé)
Cảm ơn anh Chiến! Hỗm nay đường truyền tải bị hư nên không phản hồi, mong anh thông cảm! Chúc gia đình anh luôn vui khoe!