Trung Học Chợ Lách

Phản hồi về bài Bãi cọc Bạch Đằng và dòng sông lịch sử

Ngày đăng: 03/04/2013, 11:54 chiều, ý kiến phản hồi (1)

 

Sau bài ” Bãi cọc Bạch Đằng và dòng sông lịch sử “, Kim Thơi và nhiều bạn thắc mắc về bãi cọc trong hình chụp tại phường Yên Giang, thành phố Quảng yên: ” Theo lịch sử đã học, các cây cọc trong trận Bạch Đằng được đóng trên sông, còn mấy cây cọc này “mọc” trên ruộng chắc không phải là bãi cọc khi xưa, có sự nhầm lẫn gì chăng? “.

 Để giải đáp thắc mắc này, chúng ta cùng sơ lược lại bối cảnh xảy ra trận Bạch Đằng Giang năm 1288, trận thủy chiến lớn nhất của lịch sử Việt Nam nhé.

 Sau khi Mông Cổ đánh bại được nước Tống, đế quốc Nguyên được thành lập trên lãnh thổ Mông Cổ và Trung Quốc ngày nay nên còn gọi là đế quốc Nguyên Mông. Sau hai lần bại trận nhục nhã ( 1258 và 1285 ) dưới thời Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông, năm 1288, Hoàng đế nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt ra lệnh chỉnh đốn quân ngũ, bổ sung lực lượng, đóng tàu chiến, huy động lương thực để trở lại đánh Đại Việt lần thứ ba. Quân Nguyên chia làm ba cánh, hai cánh đường bộ từ Vân Nam, Quảng Tây đánh vào Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn do Trấn Nam Vương Thoát Hoan chỉ huy, cánh đường thủy từ Quảng Đông theo đường biển do tướng Ô Mã Nhi chỉ huy tiến vào cửa Nam Triệu ( Quảng Ninh ), theo sông Bạch Đằng đánh chiếm kinh đô Thăng Long. Với hơn 50 vạn quân viễn chinh, quân Nguyên mới đầu đã đánh thắng quân Đại Việt cả trên bộ lẫn trên biển. Thượng hoàng Thánh Tông và vua Nhân Tông đã phải bỏ kinh đô Thăng Long xuống thuyền về Thanh Hóa. Nhưng với sự lãnh đạo tài tình của Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, với quyết tâm của ” Hội nghị Diên Hồng” và đáp lời hiệu triệu của ” Hịch tướng sĩ “,  nắm được sở trường và sở đoản của địch, quân Đại Việt  không huy động lực lượng lớn mà chủ yếu áp dụng tiêu thổ kháng chiến, đánh kìm chân kết hợp với chiến tranh du kích. Sau thời gian giao tranh, kết quả không như dự tính, quân Nguyên chịu một tổn thất quan trọng, đó là lương thực chuyên chở bằng tàu biển mất gần hết vì bị tấn công, bị bão biển và đi lạc. Phần vì không hợp khí hậu, phần vì đói, có nguy cơ bị đối phương chia cắt, nhưng chủ yếu là dưới sự chiến đấu ngoan cường của quân dân Đại Việt, bị hao tổn quân số quá nhiều, quân Nguyên đành từ bỏ tham vọng xâm lược Đại Việt, phải bỏ Thăng Long rút lui. Các cánh rút lui theo đường bộ của quân Nguyên khi chạy qua Bắc Giang và Lạng Sơn bị quân Đại việt tấn công dữ dội, Thoát Hoan phải chui nấp vào ống đồng chạy trốn. Cánh thủy quân của Ô Mã Nhi đã bị quân Đại Việt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Trần Hưng Đạo tiêu diệt hoàn toàn tại sông Bạch Đằng.

 Đại thắng trên sông Bạch Đằng là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, là chiến quả của kế cắm cọc trên sông của Hưng Đạo Vương, dựa vào địa hình, dựa vào phong thủy, đã lừa được địch vào trận địa cọc lúc thủy triều rút, kết hợp với việc mai phục hai bên bờ, Bạch Đằng Giang trở thành tử địa của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp…Quân Đại Việt đã tiêu diệt, bắt sống  hơn 600 chiến thuyền và 40 vạn quân giặc, làm phá sản hoàn toàn kế hoạch xâm lược của đoàn quân Nguyên Mông.

Sông Bạch Đằng có nguồn chính từ Lục Đầu Giang ( tỉnh Hải Dương ), Lục Đầu Giang là nơi tụ hội của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình. Tới Quảng Ninh, sông Bạch Đằng có các nhánh sông từ Đông Triều ( huyện cực tây của tỉnh Quảng Ninh ) về, gặp sông Giá, sông Đá Bạc, sông Chanh, sông Rút hợp với dòng sông chính đổ ra cửa Nam Triệu. Sông Bạch Đằng cách vịnh Hạ Long 40km. Bãi cọc lịch sử được Trần Hưng Đạo cho cắm tại sông Bạch Đằng, tránh các bãi đá ngầm, theo các dòng chảy chính và tại cửa các nhánh sông con để đón chặn các chiến thuyền giặc Nguyên Mông. Đến nay, sau 725 năm, những vật chứng cho chiến tích hiển hách này đa số đã được nhổ đi để khai thông cho việc giao thông đường thủy, một số cọc này được trưng bày tại các bảo tàng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Các bãi cọc tại các cửa sông nhỏ đã bị sự bồi đắp của tự nhiên cũng như tác động của con người, đắp đê chắn lũ…làm cho chúng nằm lọt bên trong các đầm nước.Qua quá trình nghiên cứu khảo sát, dựa vào những tư liệu lịch sử, các nhà khảo cổ Việt Nam đã phát hiện ra ba bãi cọc: bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm nước phường Yên Giang- thị xã Quảng Yên, được khai quật năm 1958, bãi cọc Đồng Vạn Muối thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên khai quật năm 1998 và Bãi cọc Đồng Má Ngựa cũng tại phường Nam Hòa được khai quật năm 2010, tất cả bãi cọc này đều cách bờ sông Bạch Đằng khoảng từ 20m đến 30m.

Ngày mình đến khảo sát tại bãi cọc Yên Giang cũng là ngày lãnh đạo thị xã Quảng Yên cho bơm nước, vét bùn để chuẩn bị cho sự kiện chào mừng 725 năm chiến thắng Bạch Đằng Giang và lễ công nhận Di tích Quốc gia Đặc biệt cho bãi cọc Bạch Đằng này.

Có đến tận nơi tham quan các di tích lịch sử, chúng ta mới thấy được các chiến tích trong quá trình dựng và giữ nước của cha ông được học trong các sách giáo khoa tại nhà trường phổ thông không phải là những huyền thoại mà là những chiến tích thật sự, được đánh đổi bằng chính máu và nước mắt của những bậc tiền nhân. Đến nay còn rất nhiều các em học sinh vẫn không biết sông Bạch Đằng của trận Bạch Đằng Giang nằm ở đâu, có phải ngay bến Bạch Đằng gần Bến Nhà Rồng tại quận một, thành phố Hồ Chí Minh không nhỉ ? hic!!!

Nguyễn Khắc Minh

Một bình luận

  1. Rất cảm ơn những kiến thức bổ ích mà Thầy vừa nêu, nếu không nhờ thầy giải thích cặn kẻ em cứ nghĩ bãi cọc trong hình chỉ là mô hình để triển lãm thôi…cheekyem sẽ cho con em nó đọc để nó biết về những gì nó đã học tại nhà trường.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
Xem tiếp...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...
Xem tiếp...
unnamed
Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ
Nhớ năm 1964, khi dự thi môn Văn của bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi đã phải trả lời câu hỏi giáo khoa...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Dao huu ngạn
LÁ ĐỔ CHIỀU ĐÔNG.
Những cơn gió đong đưa mang cả cái lạnh buốt nhởn nhơ dưới bầu trời âm u không một giọt nắng trước tuần...
h2
NHÀ VĂN ĐI CHỢ
Anh Lương Minh là nhà báo, nhà văn, quê ở Vĩnh Long, là chủ biên trang văn học tư nhân “Tống Phước Hiệp...
Hoa tang
TIN BUỒN
Được tin thầy Đào Hữu Ngạn, sinh năm 1940 tại Vĩnh Bình, cựu hiệu trưởng trường Trung học Chợ Lách, đã...
Dieu la Thành
ĐIẾU LA THÀNH CA GIẢ 
Song song với “Long Thành Cầm Giả Ca”, “Ngộ Gia Đệ cựu Ca Cơ”, “Độc Tiểu...
-Dat-Lai-Lat-Ma
TÂM TƯỞNG
Tâm tư và suy tưởng, đó là cái hiểu thông thường của một số người. Tâm là một đại dương, tưởng là một...

LỜI DẪN

Tin nhà

1ab2
NHỚ ANH MƯỜI LỘC- NGƯỜI ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
thich-phuoc-an
RỪNG KHUYA BÊN BẾP LẠNH
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 3
Lượt truy cập: